Tạp chí Sông Hương -
Rối nước Rồng Vàng lưu diễn tại Nhật
08:04 | 15/07/2009
Từ 20-7 đến 6-8-2009, Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng sẽ sang Nhật Bản tham dự lễ hội Kijimuna Festa 2009 theo lời mời của Công ty cổ phần Eshio Okinawa. Ðây là lần đầu tiên một nhà hát rối nước tư nhân được mời tham dự lễ hội văn hóa ở nước ngoài.
Rối nước Rồng Vàng lưu diễn tại Nhật
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn bên những con rối gỗ -Ảnh: T.T.D.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn - giám đốc nhà hát - cho biết:

- Từ tháng 11-2007, ban tổ chức lễ hội Kijimuna Festa đã cử người sang tìm hiểu các loại hình nghệ thuật truyền thống của các nước Ðông Nam Á để lựa chọn đưa vào lễ hội. Khi đến TP.HCM xem các tiết mục rối nước ở Nhà hát Rồng Vàng, họ đã rất thích và chấm chúng tôi từ đó. Ðến năm 2008, họ mời ban lãnh đạo Nhà hát Rồng Vàng sang Nhật khảo sát không khí và cách tổ chức lễ hội Kijimuna Festa 2008 để chuẩn bị tham gia lễ hội này trong năm 2009. Cách đây ba tháng, ông Hishasi - chủ tịch lễ hội, đã qua VN khảo sát lần cuối và chính thức mời chúng tôi tham dự. Tôi cảm thấy rất vui, vinh hạnh và tự tin.

* Ở VN có hai "đại gia" rối nước là Nhà hát múa rối VN và Nhà hát múa rối Thăng Long (Hà Nội) với bề dày lịch sử và kinh nghiệm đi lưu diễn nước ngoài, ông có biết tại sao phía Nhật Bản lại chọn Rồng Vàng - một nhà hát tư nhân mới thành lập hơn hai năm?

- Tôi nghĩ một phần là do may mắn khi họ tình cờ đến xem chúng tôi biểu diễn. Nhưng phía Nhật cũng bảo với tôi rằng họ đã đi khảo sát nhiều nhà hát ở VN và thích phong cách rối nước Sài Gòn của chúng tôi hơn. Có lẽ cách diễn của rối nước Rồng Vàng vui tươi, nhiều màu sắc, mang không khí hội hè với dàn nhạc được bố trí hai bên hòa giọng cùng con rối, những bí mật của việc điều khiển rối được giấu kỹ dưới lớp nước nên khán giả sẽ không thấy sào tre, dây nhợ...


Tiết mục Cày cấy của Nhà hát Rồng Vàng sẽ được biểu diễn tại lễ hội Kijimuna Festa 2009-Ảnh: T.T.D.

* Có được cơ hội xuất ngoại đáng quý này, Nhà hát Rồng Vàng đã chuẩn bị những gì để giới thiệu với khán giả Nhật và đồng nghiệp quốc tế?

- Ðoàn chúng tôi có 17 người gồm một nhà sản xuất, ba đạo diễn, sáu nhạc công và bảy diễn viên. Hơn 2 tấn hàng hóa gồm hồ nước, thủy đình, con rối, đạo cụ... đã được chuyển tới Nhật bằng tàu biển. Chúng tôi cũng mang theo đất sét làm gốm Bình Dương để tạo độ đục cho nước, cùng với hiệu ứng khói lửa, ánh sáng giúp các tiết mục khi xuất hiện sẽ thật sinh động, hấp dẫn.

Sự thú vị trong tạo hình con rối bằng gỗ, kỹ thuật trang trí rối bằng sơn mài, sự quyến rũ của âm nhạc chèo, chầu văn, sự sinh động trong việc tái hiện đời sống của nền văn minh lúa nước qua 18 tích trò: đua thuyền, bắt cá, cày cấy, hái dừa, đánh đu, cáo bắt vịt... chắc chắn sẽ là những điều mà chúng tôi tự hào giới thiệu qua bảy suất diễn với bạn bè quốc tế.

Lễ hội Kijimuna Festa là lễ hội kịch thiếu nhi - thanh thiếu niên quốc tế được tổ chức hằng năm tại TP Okinawa, Nhật Bản. Lễ hội năm 2009 sẽ được tổ chức tại Tokyo và Okinawa với sự tham gia của 13 quốc gia và vùng lãnh thổ: Pháp, Úc, Đức, Ý, Đan Mạch, Bulgaria, Croatia, Đài Loan, Hàn Quốc, Campuchia, Philippines, VN và Nhật với 63 tiết mục biểu diễn.

* Lễ hội Kijimuna Festa vừa mang tính giao lưu quốc tế, vừa nhằm giáo dục sự trưởng thành cho thanh thiếu niên thông qua các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Từng tham dự lễ hội này từ năm 2008, ông nhận thấy khán giả nhỏ tuổi của Nhật đã được tiếp nhận những gì?

- Tôi thật sự rất khâm phục cách nghĩ và cách làm của người Nhật trong việc nuôi dưỡng đời sống tinh thần cho người dân nói chung và thế hệ trẻ nói riêng. Cứ đến hè là họ lại tổ chức lễ hội Kijimuna Festa, bỏ tiền ra mời nhiều đoàn nghệ thuật đến từ khắp nơi trên thế giới để khán giả nhỏ tuổi của Nhật được tận mắt xem và cảm nhận. Ở đó có những vở kịch truyền thống của châu Á, những vở thử nghiệm châu Âu, những vở dựa theo bộ truyện tranh manga hay anime nổi tiếng... Nội dung được mở rộng với tiêu chí hay, lạ và hướng thiện.

Tôi thấy trẻ con Nhật sao mà sung sướng quá! Chúng được giáo dục cách để cảm thụ và giữ gìn vẻ đẹp của văn hóa nghệ thuật một cách bài bản, sinh động và thiết thực từ nhỏ, để rồi khi lớn lên trở thành những con người biết cách tôn trọng nghệ thuật. Trong những suất diễn của Nhà hát Rồng Vàng suốt hai năm qua, lượng khán giả du lịch người Nhật đến rất đông và họ đã xem say mê thật sự. Ðây quả thật là điều mà chúng ta cần học hỏi.

                                                                                                          Theo TT

Các bài mới
Các bài đã đăng
(14/07/2009)