Phim nhiều nhưng vẫn dở
Từ đầu tháng 7, kênh HTV2 ra mắt giờ phim Việt - lúc 20 giờ các tối thứ ba, tư, năm hằng tuần (đến tháng 8 sẽ tăng lên 6 ngày trong tuần); kênh HTV3 cũng có giờ phim Việt: 21 giờ, phát sóng từ thứ hai đến thứ năm hằng tuần; kênh HTV7 cũng tăng giờ phát sóng phim Việt, từ thứ năm đến thứ bảy phát 2 tập phim thay vì 1 tập, giờ phát cũng chuyển lên 20 giờ 45 thay vì 21 giờ 20. Với Đài truyền hình VN, từ năm 2008, giờ phim Việt cũng có ở 2 kênh VTV1 (20 giờ 10), VTV3 (21 giờ).
Việc tăng giờ phim Việt trên các đài cũng như định hình giờ vàng phim Việt thời gian qua đã cho người xem nhiều cơ hội tiếp cận với phim nội hơn. Số lượng phim dồi dào (không còn chuyện chỉ có hãng phim của Đài truyền hình độc chiếm, làm phim nào khán giả phải xem phim đó), thể loại phong phú, đề tài đa dạng, nên người xem cũng có nhiều lựa chọn hơn cho nhu cầu giải trí của mình.
Tuy nhiên, người xem vẫn tiếp tục phàn nàn bởi phim nhiều nhưng xem thấy hay chẳng bao nhiêu. Người trong nghề thì chua xót không kém trước tình trạng chất lượng phim tỷ lệ nghịch với số lượng này. Không thể phủ nhận sự tiến bộ cũng như chịu đầu tư của nhiều khâu từ kịch bản (viết theo nhóm, mua nước ngoài...), quy trình sản xuất đến chiến lược PR cho phim truyền hình trong thời gian gần đây, nhưng chính nhu cầu đáp ứng đủ số tập phát sóng cho giờ phim Việt của các đài đã vô tình tạo cơ hội cho không ít phim trở lại thời làm theo kiểu mì ăn liền. Làm sao có thể tạo ra một tác phẩm tốt được, khi vẫn có tư tưởng làm phim để đáp ứng số lượng, lấp đủ giờ phát sóng, hoặc thấy phần đầu được khán giả ủng hộ thì kéo dài thêm phần sau, kịch bản cứ chỉnh sửa liên tục, phim đã phát gần một nửa rồi mà diễn viên vẫn chưa “nhận dạng” được tính cách nhân vật của mình...
Khi nào nâng chất lượng?
Từ nhu cầu tăng số lượng phim cho các đài, rất nhiều đạo diễn, người làm phim bỗng dưng... sốt việc. Một đạo diễn từng chia sẻ, không biết nên mừng hay nên lo, vì dạo gần đây anh luôn được các hãng, công ty sản xuất phim “săn đón”, và riêng khoản phải trả lời điện thoại cũng đủ mệt. Quay phim Nguyễn Tranh cũng không ngoại lệ, vì theo anh, nguồn nhân lực có thể không ít, nhưng những người có đủ niềm tin để các nhà sản xuất mời thì không nhiều, nên chuyện bù đầu bù cổ vì công việc của một số anh em là đương nhiên.
Đúng là khi ngày càng nhiều hãng, công ty sản xuất phim thành lập, thị trường phim ảnh sôi động, người làm nghề có nhiều cơ hội chọn lựa... Nhưng mặt khác, đã có không ít người bị cuốn vào vòng xoáy của những hợp đồng, dự án, và đương nhiên, sẽ không khác gì ca sĩ, chạy show quá nhiều thì cũng bơ phờ, thiếu thần sắc, cảm xúc... Ca sĩ hát dở thì chỉ một mình họ “lãnh hậu quả”, còn người làm phim (cả diễn viên cũng vậy) nếu thiếu trách nhiệm với công việc thì sẽ gây nhiều hệ lụy, phiền toái hơn.
Chưa kể, khi giờ phim Việt tăng, không ít phim cũng rút ngắn thời gian sản xuất, mà nói như đạo diễn Khải Hưng, nguyên Giám đốc VFC thì “Dù quy trình có tiến bộ thế nào, nhân lực chuyên nghiệp đến đâu, nếu không có công nghệ làm phim chuẩn thì sản phẩm ra đời cũng là vất đi. Vì công nghệ của mình hiện nay thì chưa đủ để làm 1 ngày rưỡi hay 2 ngày/1 tập. Còn các nước, họ làm được như vậy là vì trong tay họ có trường quay, đội ngũ chuyên nghiệp, công nghệ tốt... ”.
Theo TNO |