Tạp chí Sông Hương -
Hội nghị Quốc tế quảng bá Văn học Việt Nam: Khắc họa chân dung văn học Việt trong lòng bè bạn
09:21 | 17/07/2009
Ngày 6-5-2009, Ban Bí thư thông báo ý kiến về tổ chức Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam (VHVN) do Hội Nhà văn Việt đề xuất. Từ đây, sự kiện này chính thức được nâng "tầm vóc" đúng với tinh thần nhận định của Ban Bí thư: "Đây là hoạt động triển khai Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong tình hình mới; chủ động quảng bá, giới thiệu thành tựu của đất nước, của nền văn hóa Việt Nam đối với bạn bè quốc tế và đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực VHNT".
Hội nghị Quốc tế quảng bá Văn học Việt Nam: Khắc họa chân dung văn học Việt trong lòng bè bạn

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo Hội nghị đã trao đổi với Hànộimới về ý nghĩa, nội dung và công tác chuẩn bị cho sự kiện này.

- Nhà thơ có thể cho biết cụ thể hơn về vai trò của hội nghị nói trên trong việc "khắc họa" rõ nét và đầy đủ chân dung văn học Việt Nam với bạn bè thế giới, đặc biệt là nhiệm vụ quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài?
 
- Việc giới thiệu văn học Việt ra nước ngoài đã được làm từ lâu và làm tương đối tốt nhưng một thời gian dài sau khi Liên Xô sụp đổ thì hầu như hoạt động này gián đoạn. Có những nước từ mấy chục năm nay không dịch thêm một cuốn sách nào. Do đó, BCH Hội Nhà văn Việt khóa VI đã quyết định mở Hội nghị quốc tế quảng bá VHVN lần đầu tiên với gần 20 nước tham dự (năm 2002). Sau hội nghị này đã có khoảng 30 tác phẩm được dịch ra nước ngoài. Lần tổ chức đầu tiên có thể chưa đáp ứng được yêu cầu lớn về quảng bá văn học, văn hóa đất nước, nhưng nó sẽ cho chúng ta những kinh nghiệm quý.

Sau 7 năm, ta tiếp tục tổ chức một hội nghị quốc tế quảng bá văn học nhưng với quy mô, tầm vóc lớn hơn, phương thức tổ chức bài bản hơn. Hội nghị dự kiến diễn ra từ ngày 10 đến ngày 15 tháng Giêng năm 2010.

- Rõ ràng với "tầm vóc" mới, nội dung chương trình hội nghị 2009 cũng cần được xây dựng phù hợp, tạo bước chuyển căn bản về chất so với hội nghị năm 2002, thưa ông?

- Đúng vậy, có thể xem đây là bước đột phá về giao lưu văn học, thực hiện NQ 23 của Bộ Chính trị. Hội nghị này không chỉ làm việc kiểm kê dịch giả, tác phẩm dịch mà quan trọng nhất là giúp các đối tác nước ngoài có cái nhìn tổng thể về VHVN: đặc trưng là gì; tác phẩm, tác giả tiêu biểu qua từng thời kỳ; những đổi mới gần đây, gương mặt lớp trẻ ra sao, vấn đề bản quyền… Do đó, chương trình không chỉ có hội thảo mà còn tham quan, tiếp xúc theo yêu cầu, tiến tới có thể ký hợp đồng dịch sách ngay trong khuôn khổ hội nghị.

Hiện nay, BTC đang biên soạn 3 công trình lớn phục vụ hội thảo với chủ đề "Văn học Việt Nam trong xu thế hội nhập và phát triển" gồm: "Lược sử các tác gia Việt Nam"; "Tuyển tập truyện ngắn thế kỷ XX"; "Tuyển tập thơ thế kỷ XX". Đây sẽ là phần "cứng" để dịch giả, NXB các nước tham khảo, lựa chọn. Cùng với đó, lễ hội triển lãm sách, giao lưu văn học dịch Việt Nam xưa và nay sẽ được thể hiện sinh động qua ảnh, sách tại khu vườn của Thư viện Quốc gia Việt Nam. Hội nghị cũng có thêm hoạt động "mở": Đưa khách tiếp cận không gian văn hóa Việt tại một số địa chỉ như Yên Tử, di tích Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo…, xem biểu diễn nghệ thuật dân gian, truyền thống. Kết thúc là một dạ hội ở Việt phủ Thành Chương - nơi lưu giữ "đậm nét" không gian vật chất và tinh thần người Việt.

- Thưa nhà thơ, một chương trình với nhiều hoạt động như vậy, BTC đã "chốt" số lượng, đối tượng khách mời?

- Hội nghị sẽ đón khoảng 200 khách mời từ gần 30 quốc gia. Trong đó, đội ngũ dịch giả, nhà văn trong nước có khoảng 60-70 người. Rồi dịch giả người Việt ở các nước và dịch giả, đại diện NXB nước ngoài. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chú trọng tới những nghiên cứu sinh văn học, văn hóa nước ngoài ở ta. Với vốn tiếng Việt và sự hiểu biết về phong tục tập quán Việt , nếu được bồi dưỡng tốt, tương lai gần họ sẽ là nguồn dịch giả, cầu nối văn học hiệu quả giữa Việt và thế giới.

- Thưa ông, với tư cách là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt , ông mong muốn điều gì nhất qua sự kiện này?

- Giao lưu văn hóa quốc tế có nhiều hoạt động nhưng không gì thay thế được văn hóa đọc; sâu sắc, lâu bền nhất vẫn là văn học, cho dù các môn nghệ thuật cũng rất quan trọng. Tôi rất vui mừng khi Ban Bí thư nêu tới đây hoạt động này cần được tổ chức thường kỳ 5 năm một lần. Sau đó cùng với thời gian, chúng ta có thể tổ chức những chương trình giao lưu văn học quốc tế về một tác giả lớn nào đó như các nước đã từng làm.

- Xin cảm ơn ông

                                                                                                          Theo HNMO

Các bài mới
Các bài đã đăng