Chiều 26/11, tại Trường đại học Phú Xuân đã diễn ra Chương trình giao lưu, gặp gỡ đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng, tác giả cuốn hồi ký “Gánh gánh gồng gồng”. Mới đây, hồi ký Gánh gánh… gồng gồng… đã được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2020
Cuốn hồi ký “Gánh gánh gồng gồng” do NXB Văn hóa – Văn nghệ ấn hành, gồm những câu chuyện về cuộc đời thăng trầm của bà Nguyễn Thị Xuân Phượng từ năm 1945. Đây là cuốn hôi ký được bà Xuân Phượng viết lại từ cuốn hồi ký “Áo dài” đã xuất bản bằng tiếng Pháp năm 2001 và sau đó được in lại tiếng Anh ở nhiều quốc gia.
Hồi ký Gánh Gánh gồng gồng kể về cuộc đời nhiều thăng trầm của bà Xuân Phượng năm 1945, năm ấy bà 16 tuổi, bà quyết định rời xa vòng tay cha mẹ để tham gia kháng chiến. Sau hơn 40 năm, khi đã ở tuổi 60 bà mới được gặp lại gia đình. Bà từng là một chiến sĩ chế tạo vũ khí nổ, rồi lại được đào tạo ngành y, sau đó làm thông dịch viên trong ngành ngoại giao văn hóa, nữ phóng viên chiến trường báo hình, đạo diễn phim tài liệu, làm truyền hình...
Đông đảo văn nghệ sĩ, trí thức cùng các bạn trẻ tham dự buổi giao lưu |
Qua buổi gặp gỡ, những câu chuyện được bà Xuân Phượng kể lại một cách chân thực khiến khán giả không khỏi xúc động và khâm phục trước nghị lực phi thường của một người phụ nữ.
Lý do bà viết cuốn hồi ký kể lại cuộc đời của mình với mong muốn gia đình hiểu rõ những gì bà đã trải qua và vì những người trẻ chưa hề biết đến chiến tranh.
Theo nhà văn Nguyễn Khắc phê, “Tựa đề sách lấy từ một đồng dao dân dã để nói lên ý tứ sâu xa của tác giả, đồng thời khái quát vẻ đẹp và chức phận của người phụ nữ Việt Nam. Khi cần là họ gánh sông ghánh núi, khi gia đình, tổ quốc lên tiếng gọi thi lập tức “ ta chạy cho nhanh”… Thật bất ngờ khi “Gánh gánh gồng gồng” của một người đã 92 tuổi mà có bút pháp trẻ trung, hiện đại như thế. Các chương sách vẫn chủ yếu theo dòng thời gian nhưng tác giả không kể dong dài mà được nén chặt như một thời Xuân Phượng còn là chiến sĩ quân giới. Tác phẩm là một hồi ký chân thực đến tận cùng, tác giả không hề né tránh những tình tiết bị phê bình, những việc nhạy cảm từ việc chung đến việc riêng. Tác phẩm giúp bạn đọc hiểu thêm về lịch sử đất nước qua số phận của người phụ nữ như thế.”
Nguyên Phương