Tạp chí Sông Hương -
Đọc sách: Tự truyện Gandhi
09:25 | 27/11/2020

Mahatma Gandhi, bậc đại thánh Ấn Độ, người chủ trương thuyết đấu tranh bất bạo động, cũng là người có kinh nghiệm tổ chức các hội đoàn lớn.

Đọc sách: Tự truyện Gandhi

Về các hội đoàn và ngân sách, ngay từ năm 1925, gần một trăm năm trước, ông đã nói như thể góp ý cho việc tổ chức các hội đoàn ở ta bây giờ: “Sau khá nhiều kinh nghiệm với bao nhiêu tổ chức công tôi đã điều khiển, tôi đâm ra quả quyết rằng không nên điều khiển những tổ chức công với ngân quỹ thường trực. Một ngân quỹ thường trực luôn luôn mang theo nó mầm mống của sự sa đọa tinh thần của tổ chức… Những tổ chức được duy trì ngân quỹ thường trực dễ làm ngơ công luận, và rất lắm khi có những hành động trái ngược với công luận” (trang 210).

Cũng gần một trăm năm trước, ông đã phê phán việc xu nịnh biếu xén quan chức và khuyên: “Một người làm việc công không nên nhận những món quà đắt giá” (trang 235).

Con trai nhỏ của Gandhi ăn chay theo đúng nếp sống gia đình. Nhưng khi con ốm, bị thiếu dinh dưỡng, bác sĩ khuyên cho con ăn trứng và cháo gà, Gandhi trả lời: “Chỉ có những dịp như thế này mới thực sự trắc nghiệm được đức tin của một người. Dù phải dù quấy, tôn giáo tôi cũng đã dạy rằng không được ăn thịt, trứng và những thứ tương tự. Phải có một giới hạn ngay cả trong những phương tiện để duy trì mạng sống của ta. Dù có vì sinh mạng của mình đi nữa, cũng có những việc mà chúng ta không được phép làm” (trang 261).

Người Ấn chia đời người thành bốn giai đoạn, trong đó giai đoạn cuối, sau khi đã hoàn tất gây dựng gia đình cho con cái, người đàn ông có thể buông bỏ tất cả, tập trung vào đời sống tinh thần. Gandhi bình luận về giai đoạn này: “Sự thành tựu bản thân chỉ khả hữu ở giai đoạn thứ tư trong đời, nghĩa là giai đoạn từ bỏ (sannyasa). Nhưng những người nào chần chờ để đến giai đoạn cuối đời mới chuẩn bị cho kinh nghiệm vô giá này thì không thể đạt đến sự thành tựu bản thân, mà (họ) chỉ đi đến tuổi già không khác gì một thời thơ ấu thứ hai thảm hại, như một gánh nặng trên mặt đất” (trang 353). Tức là Gandhi đã nói đến tình trạng “hai lần trẻ con” do người ta không chuẩn bị cho tuổi già.

Từng học luật ở Anh, sau đó hành nghề luật sư ở Nam Phi, Gandhi thực sự là người “ở trong chăn” khi bình luận về nghề: “Tôi lại được xác tín rằng hành nghề luật không tổn thương chân lý không phải là điều bất khả… Tuy nhiên, dù hành nghề một cách chân thật, ta cũng không thể chữa cho cái nghề ấy khỏi khuyết điểm căn bản đã làm hỏng nó”. (trang 380).

Theo Hồ Anh Thái - ĐBND

--- ---
* Tự truyện Gandhi, 1925, Ni sư Trí Hải dịch, Sách Khai Tâm và NXB Hồng Đức tái bản.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng