Tạp chí Sông Hương -
Dấu ấn thiền sư Pháp Loa trong lịch sử Phật giáo Việt Nam
14:23 | 11/12/2020

Theo Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, năm tháng tại dương gian học tập tu thiền và hoằng dương Phật pháp không dài, nhưng thiền sư Pháp Loa đã để lại dấu ấn lớn trong lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng và lịch sử văn hóa Việt Nam nói chung.

Dấu ấn thiền sư Pháp Loa trong lịch sử Phật giáo Việt Nam
Các đại biểu tham dự hội thảo

Nhân kỷ niệm 690 năm Đệ nhị Tổ Pháp Loa viên tịch, ngày 11.12, tại thị xã Đông Triều, Đại học Quốc gia Hà Nội (trực tiếp là Viện Trần Nhân Tông) chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội thảo khoa học “Thiền sư Pháp Loa: Sự nghiệp tu hành, thiền học và dấu ấn lịch sử - kỷ niệm 690 năm Đệ nhị tổ Pháp Loa viên tịch”.

Thiền sư Pháp Loa (1284 - 1330), tục danh là Đồng Kiên Cương, là Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Với 47 năm trụ thế, 26 năm tu đạo - hành đạo, Thiền sư Pháp Loa đã kế thừa và phát triển sự nghiệp mà Sơ tổ Trúc Lâm - Phật Hoàng Trần Nhân Tông tạo lập, góp phần quan trọng hoằng dương Phật pháp, phát triển Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Hội thảo khoa học “Thiền sư Pháp Loa: Sự nghiệp tu hành, thiền học và dấu ấn lịch sử - kỷ niệm 690 năm Đệ nhị tổ Pháp Loa viên tịch” được tổ chức nhằm nghiên cứu, thảo luận, làm rõ hành trạng, sự nghiệp tu hành và vai trò, vị trí của Thiền sư Pháp Loa trong Phật giáo Trúc Lâm đời Trần và Phật giáo Việt Nam nói chung; thiền học của đệ Nhị tổ Pháp Loa; khai thác và phát huy những giá trị và sự gợi mở từ sự nghiệp của Thiền sư Pháp Loa nói riêng, Phật giáo Trúc Lâm nói chung đối với đời sống đương đại.
 

Theo Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, thiền sư Pháp Loa là biểu tượng quy tụ, truyền đăng tục diệm, phát triển Phật giáo Trúc Lâm


Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn khẳng định, năm tháng tại dương gian học tập tu thiền và hoằng dương Phật pháp không dài, nhưng Thiền sư Pháp Loa đã để lại dấu ấn lớn trong lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng và lịch sử văn hóa Việt Nam nói chung. 

“Nói tới Pháp Loa, người ta nhắc tới một nhà tu hành chứng đắc, có tổng kết và truyền thụ kinh nghiệm tu tập cho các thế hệ học trò. Ông là một biểu tượng quy tụ, truyền đăng tục diệm, phát triển Phật giáo Trúc Lâm, một khâu truyền thừa quan trọng và xuất sắc làm phát triển Phật giáo Trúc Lâm và Phật giáo Việt Nam nói chung, góp phần làm nên những đỉnh cao của Phật giáo đời Trần. Ông kế thừa và phát triển thiền Trần Nhân Tông, làm cho những tinh thần và ý tưởng của Trần Nhân Tông rạng tỏa và phát triển nó, cả hai phương diện kế khai đều xuất sắc” - PGS.TS Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Hội thảo đã nhận được gần 100 tham luận từ lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các nhà trí thức Phật giáo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên cả nước. Các tham luận đã cung cấp thêm những cách tiếp cận mới, tư liệu mới, nhận thức - đánh giá mới về sự nghiệp, di sản, vai trò, ảnh hưởng của Thiền sư Pháp Loa nói riêng, Thiền phái Trúc Lâm nói chung đối với quá khứ, hiện tại và định hướng tương lai. Theo Thượng tọa, TS. Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đệ Nhị Tổ Pháp Loa đã tiếp nối sự nghiệp hoằng truyền Phật pháp sâu rộng vào trong quần chúng nhân dân của các vị Tổ sư tiền bối; tiếp tục khuyến khích phong trào học Phật pháp lan tỏa rộng khắp đến cả các vùng thôn quê, làng xóm qua phong trào truyền thụ quy y cho Phật tử, và cả hoàng tộc, quan lại trong triều đình. Dưới sự lãnh đạo của đệ Nhị Tổ Pháp Loa, Giáo hội Trúc Lâm rất chú trọng việc giảng dạy kinh điển phát triển theo khuynh hướng “thiền giáo nhất chi”. Phong trào học Phật được mở rộng và đại chúng hóa.

GS. TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia - nhận định, một trong những di sản quý báu của Pháp Loa là trước tác. Tuy nhiên, đáng tiếc là những tác phẩm của Pháp Loa để lại đến ngày nay không còn nguyên vẹn, duy chỉ có một phần của sách “Tham thiền yếu chỉ” còn giữ lại dưới nhan đề “Thiền đạo yếu học”, in trong sách “Tam tổ thực lục”…

Nhị Tổ Pháp Loa cũng đã dựng 2 chùa lớn, 5 ngôi bảo tháp, tạo hơn 1.300 tượng Phật, lập hơn 200 tăng xá, độ hơn 15.000 tăng, ni... Chính vì vậy, tại hội thảo, nhiều tham luận không chỉ đề xuất quan điểm, giải pháp bảo tồn, quảng bá các di sản, di tích liên quan đến Thiền sư Pháp Loa, các giá trị di sản tư tưởng - văn hóa của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, mà còn tư vấn, kiến nghị chính sách khai thác, phát huy nguồn lực lịch sử - văn hóa đặc sắc, phục vụ phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, văn hóa - con người của địa phương. Trong đó nổi bật là chùa Quỳnh Lâm ở thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, một trung tâm Phật giáo lớn, một thắng cảnh nổi tiếng của vùng đất xứ Đông, sẽ được khánh thành trùng tu đúng vào dịp này. Đây hiện là di tích có giá trị quan trọng thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh cho rằng, hội thảo càng bồi đắp giá trị truyền thống văn hóa quý giá của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử đã trao truyền hơn 700 năm lịch sử; đồng thời hy vọng hội thảo cung cấp nhiều tư liệu quý báu để bổ sung cho hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trình UNESCO xem xét, công nhận là Di sản thế giới với phạm vi 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, mà tỉnh Quảng Ninh đang chủ trì xây dựng, phấn đấu hoàn thành trong năm 2021.

 
Theo Nhật Linh - ĐBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng