Nhà hát Tuồng Việt Nam vừa ra mắt vở tuồng “Tam Khúc chúa” được dàn dựng theo tiểu thuyết “Khúc gia trang dậy sóng trời Nam” của tác giả Khúc Minh Tuấn; Lê Thế Song chuyển thể sang kịch bản tuồng; đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai dàn dựng. Tác phẩm cho thấy những nỗ lực của các nghệ sĩ nhằm thu hút khán giả đến với sân khấu tuồng.
Cố gắng tạo sự khác biệt
Câu chuyện được bắt đầu vào cuối thế kỷ IX khi nhà Đường suy yếu, Khúc Thừa Dụ tự xưng Tiết độ sứ cai quản Giao Châu, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ cho dân tộc Việt Nam. Sau khi ông mất, con trai là Khúc Hạo tiếp quyền, xây dựng một thể chế pháp quyền riêng, cải cách hành chính trên nền tảng khoan giản an lạc làm gốc rễ trị nước. Đời thứ ba, Khúc Thừa Mỹ nhận lệnh cha sang Nam Hán làm Hoan Hảo sứ, khôn khéo bang giao, kết nối với người Khiết Đan vốn đang có mối thâm thù với nhà Hậu Lương để làm cuộc binh biến lớn ngay tại Phiên Ngung thành. Dù có kết cục khá bi thảm khi Khúc Thừa Mỹ bị quân nhà Hán bắt, vợ tuẫn tiết khi thủ thành, nền tự chủ tạm thời bị cắt ngang, nhưng câu chuyện được thăng hoa bởi những tình tiết bi hùng của các nhân vật lịch sử.
Theo NSND Hoàng Quỳnh Mai, với thời lượng 2 giờ diễn, nội dung cần chuyển tải là cuộc đời binh nghiệp của ba đời Tiết độ sứ theo trình thức tuồng đã gây áp lực không nhỏ cho cả biên kịch và đạo diễn. “Chúng tôi phải thiết kế, thực hiện sao cho các đời chúa không bị trùng lặp về cách xây dựng nhân vật, tính cách, hoàn cảnh kịch… Đây là những yêu cầu khó về mặt kỹ thuật, về mặt thời gian. Song, sau đêm diễn tổng duyệt, các nghệ sĩ tạm hài lòng về những gì mình đã cố gắng để có được sự khác biệt này”.
Cảm nhận của nhiều khán giả tại đêm diễn cho thấy, lối diễn, múa, cách đi đứng, ngôn ngữ ca ngâm đã đúng và đủ chất tuồng. Dù không diễn tả một triều đại mà có tới sự hưng vong của ba đời Tiết độ sứ, nhưng với thủ pháp dàn dựng theo tiết tấu nhanh, tạo được không gian sinh động, vở diễn đã mang đến cho khán giả những xúc cảm mới, đồng thời cũng không vì thế mà mất đi thể thức ước lệ kinh điển của loại hình nghệ thuật tuồng.
Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai cho biết, đã phải nghiên cứu, học hỏi rất nhiều để hiểu rõ, hiểu sâu về nội dung và các chi tiết trong kịch bản cũng như những làn điệu, sự khác biệt giữa tuồng và các hình thức kịch hát chị từng đạo diễn. “Tôi cũng đã mạnh dạn áp dụng một số trích đoạn mẫu vào vở như ‘Đổng Mẫu thượng thành’, đưa thêm những mảng miếng nhỏ lẻ khác khi thực hiện cảnh tiến quân của Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, sự xuất hiện của những người đã chết. Đặc biệt, hình ảnh chiếc áo Tiết độ sứ của Khúc Thừa Dụ được nhà Hán thừa nhận được cụ thể hóa bằng cảnh diễn các cô gái trong trang phục choàng đen thể hiện rõ nhất thể thức ước lệ của vở diễn…
Tiếp tục hoàn thiện
Mặc dù sau đêm ra mắt khán giả Thủ đô, tác phẩm đã nhận được nhiều lời khen, nhưng chưa hẳn đã hoàn thiện. Một nghệ sĩ từng trên 50 năm theo đuổi nghiệp tuồng nhận xét, “Tam Khúc chúa” bị lặp lại một số trò diễn đã có trong các vở truyền thống như “Thượng thành”, “Hồn Linh Tá qua đèo”, “Phàn Định Công thổ huyết”, “Hội binh phá thành”… nhưng lại bị mờ nhạt trò hơn. Hay chi tiết nhân vật người Giao Châu (người Việt) đi hia bằng giống người nhà Đường, mà trên thực tế nhân vật tuồng người Việt đi hia cong. Đó là chưa kể, một số lớp đưa nhân vật vào kịch tính để thể hiện tự sự, trữ tình một cách dễ dãi… Khúc Hạo tài năng nhưng chỉ làm được động tác giơ 3 ngón tay điều binh là giải cứu được em. Khúc Thừa Mỹ đi làm con tin, lừa người nuôi, đốt kho lương của họ; cái chết của tam Khúc chúa bị lặp lại…
“Tam Khúc chúa” là một vở tuồng đề tài lịch sử, dã sử, câu chuyện xảy ra vào thời điểm cách đây hàng nghìn năm. Quá trình chuyển thể sang kịch bản tuồng, tác giả Lê Thế Song cho biết, có gặp một số khó khăn. Ý tưởng của tác giả Khúc Minh Tuấn là rất rõ ràng, tuy nhiên quá trình thực hiện một kịch bản tuồng khác hoàn toàn kịch bản văn học, chưa kể đây là một kịch bản vẫn còn phải chỉnh sửa. Trong kịch bản tuồng, văn của tuồng là văn biền ngẫu cùng lối diễn xuất nặng tính ước lệ và trình thức, cách biểu diễn khuếch đại hơn sự thật ngoài đời để khán giả dễ cảm nhận. “Rất may là trong quá trình làm việc, hợp tác thực hiện nội dung, chúng tôi đã cùng với đạo diễn và các nghệ sĩ chỉnh sửa để phù hợp với lề lối, trình thức và phong cách từng diễn viên; cố gắng để các diễn viên trình diễn được các lớp diễn, các làn điệu hợp lý và ổn. Chúng tôi mong muốn khán giả thấy được một vở tuồng vẫn là tuồng truyền thống nhưng mang tiết tấu nhanh hơn, kể cả việc xử lý các xung đột cũng nhanh và có hơi hướng thời đại, đan xen với nó là các lớp trữ tình”, tác giả Lê Thế Song chia sẻ.
Hy vọng góp ý của những người trong nghề giúp ê kíp nghệ thuật hoàn thiện vở diễn, bởi dù làm mới nhưng tác phẩm không được xa rời trình thức diễn tuồng; và thông điệp về cuộc sống, về nhân sinh mới là điều còn lại sau cùng đối với khán giả.