Tạp chí Sông Hương -
Nguyễn Đức Soát - “Anh phi công bàng hoàng ngỡ mình bay trên gấm vóc”!
14:39 | 17/12/2020

"Hà Tâу ! Ϲửa ngõ Thủ Đô!/Áo giáp chở che ngàn năm bền vững/Ngăn bầу giặc Mĩ vẫn đục bầu trời/Hà Tâу! Vọng gác Thủ Đô!/Ϲô gái Ѕuối Hai chàng trai Ϲầu Giẽ/Giữ lấу màu xanh biếc cho tấm lụa thanh thiên/Hà Tâу...".

Nguyễn Đức Soát - “Anh phi công bàng hoàng ngỡ mình bay trên gấm vóc”!
Thượng tướng Phạm Thanh Ngân phát biểu tại buổi giới thiệu cuốn sách "Nhật kí phi công tiêm kích".

Bài hát “Hà Tây quê lụa” của nhạc sĩ Nhật Lai đã vang lên bao nhiêu năm nay, đặc biệt là qua giọng hát của ca sĩ Quốc Hương đã trở thành một trong những bài hát nổi tiếng về Hà Tây nhưng ít ai biết rằng, cảm xúc để bài hát ra đời là khi nhạc sĩ nghe câu chuyện của phi công Nguyễn Đức Soát, một người con quê Phú Xuyên, Hà Tây, kể về cảm xúc khi bay trên bầu trời quê hương. Cảm xúc ấy có được khi phi công Nguyễn Đức Soát dự hội nghị tổng kết 8 năm đánh Mĩ 1965 – 1973 của tỉnh Hà Tây trước đây và có bài phát biểu nói lên cảm xúc khi bay trên bầu trời quê mình. Câu chuyện đã được ông ghi lại trong cuốn “Nhật kí phi công tiêm kích” vừa xuất bản. Buổi giới thiệu về cuốn sách được Nhà xuất bản Trẻ phối hợp với Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân tổ chức tại Bảo tàng Phòng không – Không quân sáng 16/12/2020.

Cuốn nhật kí đã gói gọn 7 năm tuổi trẻ của chàng trai quê Hà Tây, vốn là học sinh giỏi văn được lựa chọn là 1 trong 58 học viên gửi sang Liên Xô đào tạo phi công tiêm kích khóa 3, năm 1965, khóa học mà thay vì phải đào tạo 5 năm thì trong tình thế cấp bách của đất nước đang trong giai đoạn chiến tranh ác liệt, những thanh niên ưu tú của Việt Nam chỉ mất chưa đầy 3 năm đã chiến đấu thành thạo trên loại máy bay tiêm kích hiện đại nhất khi đó để kịp thời về nước tham gia bảo vệ Tổ quốc.

Có mặt tại buổi giới thiệu cuốn sách, Thượng tướng Phạm Thanh Ngân – Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Tư lệnh Quân chủng Không quân, một đồng đội phi công đàn anh của Nguyễn Đức Soát đã xúc động phát biểu, dù có thời gian khá dài làm việc cùng Nguyễn Đức Soát nhưng mãi đến gần đây, khi được tác giả trao cho bản thảo cuốn nhật kí sắp xuất bản, đọc xong ông mới nhận ra, hóa ra những gì mình hiểu về tác giả, về người đồng đội và cũng là cấp dưới còn quá ít. Thượng tướng Phạm Thanh Ngân cũng khá bất ngờ và khâm phục khi phi công Nguyễn Đức Soát đã ghi lại nhật kí suốt 7 năm học tập và tham gia chiến đấu, ngay cả những thời gian cuộc chiến tranh ở giai đoạn ác liệt. “Cuốn nhật kí đã để lại cho đời, nhất là cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau một bài học quý” – Thượng tướng Phạm Thanh Ngân viết trong “Đôi lời về tác giả” được Nhà xuất bản in nguyên nét chữ viết tay ở đầu cuốn sách.

Tác giả, trung tướng - phi công Nguyễn Đức Soát cùng phi công Lê Thanh Đạo, nhà thơ Trần Đăng Khoa giao lưu với khán giả và nói về cuốn sách dưới sự dẫn dắt của nhà thơ Hữu Việt. 


Bên cạnh đó, buổi giới thiệu cuốn sách còn có sự hiện diện của các phi công chiến đấu, thế hệ vàng những người lính bay, những vốn liếng đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam làm nên những kì tích cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ vùng trời, chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Đế quốc Mĩ ra miền Bắc như các phi công Phạm Tuân, Phạm Phú Thái, Nguyễn Công Huy, Trần Việt... cùng nhiều nhân vật vừa là đồng đội, vừa là nhân vật xuất hiện trong cuốn sách. Cùng với một số cuốn sách của các phi công khác như “Lính bay” của Thiếu tướng, phi công Phạm Phú Thái, một số cuốn sách của phi công Nguyễn Công Huy, Nguyễn Sỹ Hưng về đồng đội hay gần nhất là cuốn sách của phi công Nguyễn Văn Nghĩa, “Nhật kí phi công tiêm kích” của Trung tướng Nguyễn Đức Soát đã ghi lại một thời kì vàng son cả về lí tưởng và sự tài năng quả cảm của thế hệ những phi công đã đi vào lịch sử Không quân nhân dân Việt Nam.

Bìa cuốn sách "Nhật kí phi công tiêm kích" của Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát. 


Nói về lí do quyết định xuất bản những tư liệu mà ban đầu ông chỉ có ý định giữ cho mình, nhưng rồi nó đã được tác giả công bố sau hơn nửa thế kỉ lưu giữ, Trung tướng Nguyễn Đức Soát chia sẻ: Gần đây, nhân 65 năm ngày truyền thống, Ban liên lạc cựu chiến binh Không quân đề nghị tôi viết một bài. Để lấy tư liệu, tôi quyết định đọc lại nhật kí. Thật bất ngờ khi lần đọc lại những trang giấy đã ố vàng vì thời gian, tôi bỗng như được sống lại cùng đồng đội với tràn trề khát vọng trong một thời khắc lịch sử đầy thử thách nhưng cũng thật hào hùng của dân tộc. Những trang nhật kí đã mô tả một cách trung thực những suy nghĩ của lớp thanh niên thuở ấy về tình yêu Tổ quốc, về trách nhiệm công dân trước vận mệnh mang tính sống còn của dân tộc; thấy được lòng ham mê và quyết tâm nắm chắc kĩ năng bay để được tham gia chiến đấu; thấy được cả những chiến công oanh liệt và những tổn thất không gì bù đắp được của một lớp phi công trẻ tuổi vừa rời ghế nhà trường phổ thông, giảng đường đại học. Nhật kí quả thực không chỉ viết về riêng bản thân tôi…”. Vậy là ông quyết định cho xuất bản những gì đã viết với mong muốn nhiều bạn trẻ có thể biết thêm về cuộc đời của những người lính không quân trẻ tuổi trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát (thứ hai từ trái sang) cùng các cựu chiến binh thể hiện lại ca khúc "Hà Tây quê lụa" của nhạc sĩ Nhật Lai" tại buổi giới thiệu cuốn sách.


Tâm sự về những kỉ niệm gắn với bài hát “Hà Tây quê lụa” và những tình cảm với quê hương, Trung tướng Nguyễn Đức Soát viết trong cuốn sách: “Tuổi thơ của tôi đã gắn bó với những cánh đồng lúa xanh mượt mà, những lũy tre ôm lấy ngôi làng nhỏ như một chiếc áo tơi mà các bà, các mẹ ở quê thường mặc mỗi khi ra đồng; gắn với những những đống lửa bập bùng lúc chiều tà mà bọn trẻ trâu chúng tôi thường đốt ở ngoài đồng để sưởi ấm trong những ngày đông lạnh. Công bằng mà nói, quê tôi, một làng quê ven sông Hồng, nơi bốn mùa cây lá luôn tốt xanh quả là một vùng quê đẹp. Chính quê hương đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh khi bay lên giết giặc”.

Về duyên cớ xuất hiện trong bài hát về quê hương, như đã nói, khi tỉnh Hà Tây tổ chức Hội nghị tổng kết 8 năm đánh Mĩ, 1965-1973, trong những đại biểu tham dự có Nguyễn Đức Soát và Anh hùng Hồ Giáo của Nông trường bò sữa Bà Vì. Cả hai đại biểu trẻ nổi bật đều được phát biểu trước hội nghị. Hồ Giáo nói về sự tận tâm của mình trong công tác chăn nuôi, để đàn bò cho nhiều sữa, còn Nguyễn Đức Soát nói về tình cảm với quê hương, bày tỏ cảm xúc khi được bay trên bầu trời quê lụa. Nhạc sĩ Nhật Lai, trong giờ giải lao của Hội nghị đã gặp Nguyễn Đức Soát hỏi thêm kĩ càng về những cảm xúc của người phi công khi bay trên bầu trời nhìn xuống quê hương mình. Sau này, khi nghe ca sĩ Quốc Hương thể hiện ca khúc về quê hương Hà Tây của Nhật Lai, Nguyễn Đức Soát đã ứa nước mắt khi nghe câu “Anh phi công bàng hoàng ngỡ mình bay trên gấm vóc… Hà Tây…”, đặc biệt là hai từ “Hà Tây” vang lên ngân nga và tha thiết. Bao người con Hà Tây xa quê đã hát lên bài hát như tiếng lòng của mình với quê hương. Bài hát cũng góp phần nuôi dưỡng tình yêu đối với quê hương đất nước trong thế hệ trẻ. Và chàng phi công trẻ quê lụa, như một cơ duyên, cũng như một tất yếu đã xuất hiện với hình tượng đẹp trong những lời ca mang niềm tự hào về quê hương mình.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát sinh ngày 24/6/1946 tại Nam Phong, Phú Xuyên, Hà Tây. Ông nhập ngũ tháng 7 năm 1965. Là phi công tiêm kích MiG-21, SU-22, SU-27, trong đó, ông đã học chuyển loại phi công máy bay SU-27 khi đã mang hàm thiếu tướng. Ông đã lập thành tích bắn rơi 6 máy bay Mĩ trong chiến tranh. Trung tướng Nguyễn Đức Soát nguyên là Tư lệnh Quân chủng Không quân; Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân; nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 1973.

Trung tướng Bùi Đăng Phiệt - Nguyên Phó Tư lệnh phụ trách kĩ thuật Quân chủng Phòng không - Không quân phát biểu nói rằng, đọc cuốn "Nhật kí phi công tiêm kích" của Trung tướng Nguyễn Đức Soát khiến ông hiểu hơn về cuộc sống của những phi công tiêm kích. Bên cạnh đó ông cũng đánh giá cao phần kĩ chiến thuật được thể hiện trong cuốn sách và đề nghị Quân chủng Phòng không - Không quân nên sử dụng những tư liệu quý này để phục vụ cho công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu hiện nay.

Còn nhiều huyền thoại về phi công Việt Nam trong chiến tranh chống Mĩ, những câu chuyện chiến đấu trên bầu trời, những bài toán về chiến thuật để tìm ra cách đánh và cách thắng không quân đối phương đã được tác giả ghi lại bằng cảm xúc chân thực trong những trang nhật kí. Những chiến công và cả những nhầm lẫn, những tổn thất đã được lưu giữ bằng giọng văn mộc mạc nhưng vẫn chạm đến trái tim người đọc, sau hơn nửa thế kỉ đã có cơ hội để bạn đọc rộng rãi biết đến. Có thể nói, quê hương là cái nôi nâng cánh cho mỗi phi công Việt Nam, và các anh, bằng những cống hiến, đam mê và nhiệt huyết của mình cũng đã làm rạng danh cho quê hương đất nước. Trung tướng, anh hùng phi công Nguyễn Đức Soát là một người con như thế. Cuốn nhật kí như một hiện vật về tâm hồn của một người lính phi công cùng với thế hệ của ông đã lớn lên cùng đất nước, đồng hành với những nhiệm vụ lớn lao của dân tộc trong một thời đoạn lịch sử.

Theo Nguyễn Xuân Thủy - VNQĐ

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Sau bão... (11/12/2020)