Thanh Niên đã trao đổi với PGS-TS Nguyễn Chí Bền (ảnh), Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam về vấn đề này. Ông cho biết: Sắp tới, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia sẽ bàn bạc để đề cử một số di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam trình UNESCO xem xét. Cá nhân tôi, tôi nghĩ đến nhiều di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có Đạo Mẫu và nghi lễ hầu đồng (hầu bóng). Bản chất của hầu đồng là việc người ta mượn thân xác các ông đồng, bà đồng để thần linh của Đạo Mẫu nhập vào nhằm cầu xin tài lộc, sức khỏe. Về nghệ thuật, hầu đồng là nghệ thuật trình diễn tổng hợp, có âm nhạc, có lời ca, có điệu múa. Sân khấu của hầu đồng là sân khấu tâm linh vì nó gắn với không gian thiêng. Về nội dung, hầu đồng gắn với huyền tích về công lao của các nhân vật lịch sử văn hóa, như ông Hoàng Ba, ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Mười, các anh hùng dân tộc như Trần Hưng Đạo... Xét về hiệu quả tác động, hầu đồng có sức cuốn hút mãnh liệt đối với một bộ phận không nhỏ cư dân, đặc biệt là phụ nữ. * Với những phân tích của ông, giá trị di sản này liệu có đáp ứng các tiêu chí của UNESCO? - Hầu đồng không phải là một nghi lễ độc lập, mà là một trong những nghi lễ tiêu biểu của Đạo Mẫu. Các nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng Đạo Mẫu là một trong những tín ngưỡng cổ xưa và mang tính bản địa nhất. GS-TS Nguyễn Duy Quý, Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia (nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam) từng khẳng định trong một hội thảo khoa học quốc tế tại Việt Nam rằng tín ngưỡng thờ Mẫu là một giá trị văn hóa tinh thần cao đẹp của Việt Nam, đó là tinh hoa chắt lọc suốt chiều dài lịch sử, đó là biểu tượng cho sức mạnh cộng đồng, cho sự sáng tạo và phát triển không ngừng của dân tộc Việt Nam. Với một di sản phi vật thể có giá trị như vậy, trong suy nghĩ của cá nhân tôi, đưa Đạo Mẫu và nghi lễ hầu đồng vào danh sách các di sản văn hóa phi vật thể đệ trình UNESCO công nhận là cần thiết.
* Có quá vội vã không khi giá trị của hầu đồng vẫn chưa được nhìn nhận một cách thỏa đáng ở ngay nơi nó được sinh ra, mà đã nghĩ đến chuyện trình UNESCO, thưa ông? - Những năm 60-80 của thế kỷ XX, Đạo Mẫu và nghi lễ hầu đồng chưa được nhìn nhận thỏa đáng. Nhưng từ năm 1990 đến nay, giới nghiên cứu đã có nhiều công trình khoa học về Đạo Mẫu và nghi lễ hầu đồng như Vân Cát thần nữ (1990), Tứ bất tử (1990), Hát văn (1992), Đạo Mẫu ở Việt Nam (1996), Tín ngưỡng thờ mẫu ở Trung Bộ (2002), Đạo Mẫu và các hình thức shaman trong các tộc người ở Việt Nam và châu Á (2004); 4 cuộc hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế đã được tổ chức tại Hà Nội, Nam Định và Tiền Giang. Đạo Mẫu và hầu đồng cũng đã thu hút sự quan tâm của nhiều học giả Nga, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Tóm lại, sự đồng thuận trong giới nghiên cứu về giá trị của hiện tượng văn hóa - tín ngưỡng này rất cao. Tuy nhiên, ý tưởng là một chuyện. Làm hồ sơ trình UNESCO là một công việc phức tạp, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng. * Mới đây, UBND TP Hà Nội đã đề xuất Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia làm hồ sơ lễ hội Thánh Gióng trình UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Có vẻ như chúng ta đang “chạy đua” theo phong trào đề cử di sản, theo kiểu có gì cử nấy? - Không, trường hợp lễ hội Thánh Gióng là hoàn toàn xứng đáng được đề cử, bởi đây là lễ hội “độc nhất vô nhị” ở miền Bắc. Nói “chạy đua” thì không đúng, vì không phải bất kỳ sự đề cử nào cũng được các nhà khoa học ủng hộ. Riêng lễ hội Thánh Gióng đã được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước biết đến. Cho đến nay, lễ hội Thánh Gióng vẫn còn được bảo tồn tương đối nguyên vẹn trong cộng đồng, và các hình thức sinh hoạt của nó cũng không có quá nhiều điểm quá khác biệt so với ghi chép từ những tư liệu lịch sử đầu thế kỷ XX. Tất nhiên, không thể đề cử tràn lan. Nhưng theo tôi, ít nhất, sắp tới, ta cũng sẽ còn khoảng 7-8 di sản nữa xứng đáng được đề cử, ví dụ: Hát then của các dân tộc Tày - Nùng, lễ Ook om book và đua ghe ngo, sân khấu Rôbăm của người Kh’mer Nam Bộ, hội Giá, hội chùa Hương của người Việt, múa của người Thái, lễ Nam Giao, lễ truyền lô ở Huế... |