Tạp chí Sông Hương -
Giá vé vào di sản tùy thuộc cơ chế
08:51 | 21/07/2009
Trước nhiều ý kiến đề xuất cần mở thêm cơ hội cho nhiều người dân được tiếp cận hệ thống di sản cha ông nói chung, quần thể di sản văn hóa tại cố đô Huế nói riêng, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Hòa - phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Giá vé vào di sản tùy thuộc cơ chế
Ông Ngô Hòa - Ảnh: Đ.Toàn

Ông cho biết:
- Tỉnh cũng đã có những chủ trương, chính sách đối với các đối tượng trong xã hội, như sinh viên được giảm 50%, học sinh tiểu học được miễn 100% tiền vé. Đối tượng thương binh cũng vậy. Hằng năm, tỉnh cũng thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về ngày mở cửa miễn phí, như ngày 26-3 (giải phóng Huế), dịp tết âm lịch (như Tết Kỷ Sửu chúng tôi cũng mở cửa miễn vé bốn ngày). Tính ra, hằng năm tỉnh đã miễn vé với tổng số tiền từ 2-3 tỉ đồng.

* Thưa ông,  học sinh - sinh viên được miễn vé như thế nào?

- Không chỉ là học sinh - sinh viên tại Huế mà ngay cả ở Cần Thơ, Đà Lạt, Hải Phòng, Hà Nội... đều được miễn giảm tiền vé. Tất nhiên là đi phải có tổ chức, có giấy gửi đến UBND tỉnh tôi sẽ ký giấy giảm 50% ngay.

* Nhưng phải gửi danh sách về trước một tuần cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế hoặc UBND tỉnh để được xem xét?

- Về việc này, chúng tôi sẽ xem xét sửa đổi lại theo tinh thần cải cách hành chính để học sinh - sinh viên có thẻ khi đến là được giải quyết miễn giảm ngay.

Học sinh TP Huế trong một lần tham quan miễn phí Đại nội Huế. Nhưng không có nhiều dịp như thế này cũng như chưa có cơ chế linh động để miễn giảm ngay cho học sinh - sinh viên - Ảnh: Đình Toàn

* Nhưng ông nghĩ sao về việc người dân Campuchia không phải mua vé vào tham quan các điểm di tích trên đất nước mình, hoặc một số nước khác họ cũng bán vé nhưng luôn có chế độ ưu đãi cho các đối tượng như trẻ em, người già, thậm chí có nơi miễn vé hoàn toàn cho đối tượng này?

- Cơ chế quản lý ở họ khác cơ chế quản lý của chúng ta. Phải hiểu trên một cơ chế quản lý như nhau nhưng chính sách khác nhau khi đó mới là vấn đề. Như ở Angkor, người ta cho tư nhân đấu thầu, mỗi năm như vậy đóng góp lại cho địa phương mấy tỉ...

Di sản là của nhân dân, chính nhân dân là người sáng tạo, triều đại này hay triều đại kia cũng từ nhân dân mà ra cả. Tôi cho rằng dần dần khi điều kiện cho phép thì cách thức quản lý, đối tượng được ưu đãi sẽ được mở rộng ra. Nhưng đồng tiền là một chuyện, quan trọng là ý thức người dân đối với di sản. Ta góp đồng tiền vào đó thì qua đó cũng nâng cao ý thức về bảo tồn và phát triển di sản.

Chúng tôi cũng mong muốn ngày càng có nhiều người dân đến với di sản, mà như thế chúng ta cần có cơ chế. Cơ chế đó chừng nào ra đời còn tùy thuộc vào sự phát triển của tỉnh cũng như đất nước ta. Tuy nhiên, chúng tôi xin ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp.

Về giá vé, Cục Di sản “không có tiếng nói”

Cơ chế nào để định giá vé vào tham quan di tích, danh thắng? Cục Di sản có tham mưu cho địa phương trong việc xây dựng khung giá vé tham quan các di sản hay không? Câu hỏi được đặt ra với cơ quan chuyên môn quản lý các di sản ở VN. Ông Nguyễn Quốc Hùng - cục trưởng Cục Di sản - cho hay: “Toàn bộ việc xây dựng chính sách giá vé và quyết định mức giá nào hoàn toàn do các địa phương tự quyết định, Cục Di sản không hề có tiếng nói gì trong những chuyện “tế nhị” như thế này”.

V.HOÀI

                                                                         Theo ĐÌNH TOÀN - TT

GS.KTS Hoàng Đạo Kính - Ảnh: Th.Lộc

Không nên cào bằng giá trong và ngoài nước

Là người đã có kinh nghiệm tu bổ nhiều di tích ở VN, cũng từng tham quan học hỏi công tác bảo tồn và quản lý hàng trăm di sản thế giới, GS.KTS HOÀNG ĐẠO KÍNH - nguyên cục phó Cục Bảo tồn bảo tàng (nay là Cục Di sản) - nêu ra những quan điểm đáng suy nghĩ:

- Chúng ta may mắn có rất nhiều di sản của cha ông để lại, năm trong số đó đã trở thành di sản thế giới, chúng ta có quyền hưởng thụ các di sản ấy như những món ăn tinh thần cho mỗi công dân, đồng thời cũng có quyền “biến di sản thành vàng” khi bán vé cho khách thập phương đến chiêm ngưỡng. Theo tôi, việc bán vé vào di tích, danh thắng là đương nhiên, có bán vé thì mới có kinh phí tu bổ, duy trì bộ máy phục vụ, bảo vệ… Vé vào cửa các di tích ở VN chưa phải là đắt, thậm chí còn rất rẻ so với Pháp, Trung Quốc, Nga hay láng giềng gần gũi nhất là Campuchia.

Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ chúng ta áp dụng giá vé nào với những đối tượng nào? Chúng ta cần những công dân văn minh trong tương lai, vậy phải đào tạo họ ngay hôm nay. Và một trong những cách tốt nhất là đưa họ đến với những di sản lịch sử, văn hóa của cha ông từ trong trường học.Vậy đơn giản chỉ còn cách miễn phí toàn bộ cho học sinh, với sinh viên thì các trường chuyên ngành như lịch sử, mỹ thuật, kiến trúc cũng phải được miễn phí.

Theo như những gì tôi được biết thì ở các nước như Nga, Pháp, Ý, Ba Lan…, phương thức này được áp dụng từ lâu và hiện vẫn đang còn giá trị. Ngoài ra, rất nhiều nước đang áp dụng chính sách giảm giá cho sinh viên. Chỉ cần trình thẻ sinh viên tại quầy bán vé là có thể mua được vé với giá rẻ hơn rất nhiều so với giá thông thường...

Mặt khác có miễn giảm thì phải có tăng. Tôi nhớ trong một hội nghị gần đây của UNESCO tổ chức tại VN, khi được hỏi về kinh nghiệm bảo tồn Angkor, người đại diện cơ quan di sản Campuchia trả lời rất giản dị: “Thủ tướng Hun Sen của chúng tôi nêu rất rõ quan điểm: Angkor là kiệt tác kiến trúc của nhân loại, nhưng do người Khmer xây dựng, con cháu chúng tôi phải được hưởng thụ nó với mức vé… tượng trưng. Du khách từ khắp thế giới hâm mộ đến chiêm ngưỡng Angkor  thì phải có nghĩa vụ đóng góp kinh phí để duy trì và tu bổ”. Giá vé thăm Angkor cho khách nội địa và khách nước ngoài chênh nhau đến hơn mười lần, nhưng du khách vẫn nườm nượp đổ về Angkor.

Tôi không thấy có lý do phải cào bằng giá trong và ngoài nước như hiện nay, một khi mức sống của hai đối tượng quá chênh lệch, và cơ bản là công dân VN có quyền thụ hưởng di sản văn hóa của cha ông mình. Vé vào di sản không phải vé máy bay, vé tàu hỏa hay phòng khách sạn, đồ ăn mà đòi hỏi sự công bằng. Tôi nghĩ du khách nước ngoài đủ văn hóa và nhận thức để chấp nhận sự chênh lệch này, quan trọng là di sản của chúng ta phải được quản lý, bảo quản, giới thiệu, phục vụ thật tốt.

THU HÀ ghi

Các bài mới
Các bài đã đăng