Tạp chí Sông Hương -
"Dịch sách mang lại niềm vui sống cho tôi"
16:52 | 21/07/2009
Tác giả của bản dịch "Triệu phú khu ổ chuột" là Nguyễn Bích Lan - một dịch giả tật nguyền, vượt lên số phận để khẳng định vị trí của mình.
Dịch giả Nguyễn Bích Lan

Những ai đã xem hoặc chưa được xem bộ phim giành tới 8 giải Oscar 2009 - "Triệu phú khu ổ chuột" - đều có thể đọc cuốn tiểu thuyết cùng tên được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết "Q&A" của nhà văn Ấn Độ Vikas Swarup phát hành đầu tháng 7. Tác giả của bản dịch là Nguyễn Bích Lan (ảnh) - một dịch giả tật nguyền, vượt lên số phận để khẳng định vị trí của mình.

- Dịch sách mang lại cho chị những điều gì?

- Tôi nghĩ, việc dịch tiểu thuyết giúp tôi được sống với hai mối quan tâm lớn của mình là văn học và tiếng Anh. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được làm một công việc vừa thoả mãn sở thích của mình, vừa giúp ích ít nhiều cho bạn đọc. 

- Lý do vì sao chị lại chọn tác phẩm này?

- Tôi quan tâm đến văn hoá Ấn Độ. Thế nên, khi Cty Nhã Nam mời tôi cộng tác và đưa ra một danh sách các tiểu thuyết họ đã mua tác quyền, tôi đã chọn cuốn này. Tất nhiên trước đó, tôi đã biết phim "
Slumdog Millionaire" nổi tiếng với các giải Oscar và cũng đã đọc các bài bình, các đoạn trích tác phẩm này nên tôi đã có sự đánh giá khái quát về nó và biết rằng quá trình dịch hứa hẹn đầy hứng thú và rằng nếu cố gắng tôi có thể dịch tốt. 

- So với phim được chuyển thể từ tiểu thuyết, chị thấy có khác biệt gì không khi dịch?

- Tôi chưa xem phim! Tôi muốn bản dịch văn học "Slumdog Millionaire" giữ được "nguyên chất", không bị ảnh hưởng bởi những ấn tượng của bộ phim được chuyển thể từ nó.

- So với những cuốn chị đã dịch, chị thấy mức độ cuốn hút của tiểu thuyết này ra sao?

- Cuốn này không kén độc giả. Tuy nhiên, nó vẫn có những nét riêng rất độc đáo của một tác phẩm văn chương đáng đọc; dấu ấn cuốn hút của văn hoá Ấn Độ, sự hóm hỉnh, thông minh và tinh thần nhân văn của tác giả.

- Chưa có cơ hội ở nước ngoài nhiều, vậy chị có tự tin khi việc dịch sách không hẳn chỉ dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, mà còn ở yếu tố văn hoá, đời sống của nước đó?

- Chính vì không có điều kiện xuất ngoại, tôi đã phải tìm mọi cách để trang bị cho mình các kiến thức cần thiết về các nền văn hoá, những đất nước được đề cập tới trong các cuốn sách mình dịch. Sở dĩ tôi có đủ tự tin để dịch các cuốn tiểu thuyết của Ấn Độ là vì từ khi còn bé, tôi đã xem các vở kịch của Ấn Độ, đọc các sử thi nổi tiếng như "Raymayana" và "Mahabharata", đọc không ít các tiểu thuyết của các nhà văn Ấn Độ cũng như các tác phẩm viết về đất nước này của người Việt từng sống và làm việc ở đó. Tôi cũng từng ngồi trước màn hình máy tính theo dõi những video giới thiệu cách quấn sari của phụ nữ Ấn Độ hoặc một đám cưới của người theo đạo Hindu.

- Chị dự định sẽ dịch tiếp cuốn nào khác?

- Từ giờ đến hết năm, tôi sẽ tập trung cho "Speaking of Love", một trong mười cuốn sách lọt vào chung kết cuộc bình chọn "Books to talk about" (sách đáng bàn nhất) năm 2008 và "The Road to Nab End" - cuốn sách bán chạy nhất ở Anh năm 2003.

- Xin cảm ơn chị!

Dịch giả Nguyễn Bích Lan (quê ở Minh Tân - Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) sinh năm 1976. Số phận không may đã khiến chị bị loạn dưỡng cơ ở tuổi 14 và con đường đến trường cũng đứt gánh từ đó. Nhưng với niềm ham mê học tập, chị đã tự học tiếng Anh và thử sức mình ở lĩnh vực dịch tiểu thuyết.

Chị đã dịch các cuốn: Đừng nghi ngờ tình yêu của anh, Hứa yêu, Lẻ loi, Không có chỗ cho tình yêu, Tro tàn của Angela (dịch chung với Hoàng Nguyên), Vũ điệu trái tim, Từ sông Nile đến sông Jordan, Nghìn khuôn mặt của đêm, Mạch buồn, Người đàn ông đào hoa, Người đàn ông hoàn hảo, Những con người lạ thường, Triệu phú khu ổ chuột. Ngoài ra, chị còn là soạn giả của cuốn Thần đồng thế kỷ 20 và Những người phụ nữ làm thay đổi thế giới.

                                                                   Theo Sơn Lâm - LĐ
Các bài mới
Các bài đã đăng