Theo nhà sản xuất Đặng Tất Bình, Giám đốc Hãng phim truyện I, nguyên nhân của sự “đứt gánh” là do thời gian của hai bên không khớp nhau. Ông Bình cho biết, Thiên Lý chỉ có thể cộng tác với hãng trong thời gian 4 tháng bởi cô còn phải tiếp tục kế hoạch đi học tại Mỹ. Mà 4 tháng thì không đủ để đoàn làm phim Trần Thủ Độ hoàn tất các cảnh quay cho vai Trần Thị Dung.
Thoạt đầu, kế hoạch của hãng là sẽ đóng máy Trần Thủ Độ vào cuối tháng 12.2009. Tuy nhiên, vì chậm giải ngân nên tiến độ làm phim bị ảnh hưởng. Mặt khác, ban đầu đoàn làm phim dự tính sẽ quay 1 tập trong khoảng 10 ngày, nhưng với thực tế hiện nay thì có thể phải mất tới 12 ngày. Bởi vậy, thời gian nộp phim phải lùi đến tháng 4.2010. Điều này có nghĩa là vai diễn của Thiên Lý cũng phải kéo dài trong khoảng 9 tháng (kể từ tháng 6.2009) và như vậy sẽ trùng với lịch học của á hậu.
|
"Thay diễn viên trong phim là chuyện bình thường. Chuyên nghiệp như điện ảnh Mỹ thì cũng có phim phải thay diễn viên. Chúng tôi đang có nhiều phương án chọn diễn viên mới để thay thế Dương Trương Thiên Lý, nhưng trong thời gian này tiến độ công việc vẫn thực hiện như dự kiến. Ngoài nhân vật Trần Thị Dung, chúng tôi còn khoảng 120 nhân vật nữa với rất nhiều tuyến truyện, do vậy, chúng tôi sẽ quay những cảnh không có Trần Thị Dung trước để đảm bảo tiến độ" - Đạo diễn Đào Duy Phúc
|
|
Thế nhưng, trao đổi với Thanh Niên, bà Mỹ An - mẹ của Thiên Lý cho biết: Á hậu rất tâm huyết với dự án phim Trần Thủ Độ và đã từng từ chối 6 dự án làm phim khác chỉ để có cơ hội được đóng vai Trần Thị Dung. Gia đình bà Mỹ An cũng đã từ bỏ rất nhiều dự định, dành hẳn 1 năm để đưa Thiên Lý về Việt Nam đóng phim. “Thành ra việc ngừng đóng phim cũng gây khó khăn cho chúng tôi. Nhưng chắc chắn không phải lỗi của Thiên Lý và Thiên Lý cũng không chủ động ngừng đóng phim”, bà Mỹ An khẳng định.
Trước khi khởi quay Trần Thủ Độ, trong những lần trả lời phỏng vấn báo chí về lý do chọn Thiên Lý vào vai Trần Thị Dung, ông Đào Duy Phúc - đạo diễn phim Trần Thủ Độ, đều khẳng định “đã chọn được diễn viên hợp vai”. Trao đổi với Thanh Niên chiều 18.7, nhà sản xuất Đặng Tất Bình cũng cho biết việc ngưng hợp tác không phải vì có sự bất đồng hay vì Thiên Lý không có tài năng. Tuy nhiên, việc ngưng hợp tác giữa đoàn làm phim Trần Thủ Độ và Á hậu Thiên Lý có lẽ sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến thời gian và dự toán kinh phí, nhất là khi Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đang cận kề cho dù Hãng phim truyện I cũng đã tính đến các phương án rủi ro...
Thiên Lý: Xin đừng làm lệch lịch sử!
Thanh Niên cũng đã có cuộc trao đổi với Á hậu Thiên Lý xung quanh vấn đề này.
* Theo Thiên Lý thì bộ phim Trần Thủ Độ được chuẩn bị và thực hiện như thế nào? Có xứng tầm với bộ phim truyền hình tốn kém nhất (được cấp 27 tỉ đồng trong tổng dự toán 51 tỉ đồng) từ trước đến nay để chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long không?
- Tôi nhận được lời mời tham gia phim từ cuối năm 2008 và có rất nhiều thời gian để đọc kịch bản. Phim khởi quay từ tháng 6.2009 đến nay, tất cả các thành viên từ nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên, nhân viên kỹ thuật... đều tập trung dốc toàn lực cho phim bằng những cảnh quay rất chăm chút, cẩn thận. Trong quá trình làm phim, tôi nhận nhiều sự động viên, giúp đỡ tận tình của đạo diễn, đồng nghiệp, trợ lý. Nói chung quan hệ cá nhân rất tốt.
* Lý do Thiên Lý bận học nên không thể tiếp tục theo đoàn phim rất khó thuyết phục công chúng vì trước khi ký hợp đồng, hẳn Thiên Lý phải biết trước lịch học, làm việc của mình chứ?
- Đó là một cách nói. Tôi đã có cả thời gian dài để chuẩn bị, sắp xếp công việc thì khó mà tuyên bố đến giờ phút này lại bận học được. Tôi tham gia phim Trần Thủ Độ vì muốn đóng góp một phần nhỏ bé vào việc giữ gìn, tôn tạo những giá trị lịch sử của dân tộc. Tôi yêu lắm vai diễn Trần Thị Dung, một người phụ nữ chấp nhận hy sinh tình yêu riêng tư vì cơ nghiệp của non sông đất nước.
Tôi chưa từng đóng phim nên càng trân trọng vai diễn đầu đời hết sức lớn lao này. Đó là nhân vật có thật trong lịch sử, được nhân dân tôn kính. Bằng tất cả khả năng của mình, tôi hy vọng sẽ góp phần làm nên một bộ phim không chỉ để giải trí đơn thuần mà còn là một nghĩa cử của thế hệ trẻ muốn tôn vinh công đức của bậc tiền nhân. Theo tôi phim Trần Thủ Độ mang ý nghĩa giáo dục, lịch sử rất to lớn và đặc biệt là được thực hiện nhân Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.
* Thế thì vì sao Thiên Lý lại từ chối vai diễn trong tâm trạng mà theo Lý là “rất buồn, đau lòng và rơi nước mắt”?
- Những khó khăn khi lần đầu đóng phim, những nhọc nhằn, ăn uống kham khổ tôi đều vượt qua được vì luôn nghĩ mình phải làm được điều lớn hơn, có ý nghĩa hơn cho xã hội. Tuy nhiên khi quan điểm về nghệ thuật bất đồng, tôi gần như suy sụp và quyết định chọn giải pháp rút lui. Tôi không muốn hình ảnh một Trần Thị Dung nổi danh trong lịch sử dân tộc được dựng lên sai lệch. Những người làm phim có thể sợ phim nhàm chán khi làm theo lối chính luận nên luôn muốn đưa những cảnh “tươi mát”, gợi cảm vào.
Nếu đạo diễn có tài, diễn viên giỏi thì vẫn có thể lột tả được nhân vật Trần Thị Dung rất phụ nữ, trân trọng tình yêu nam nữ thiêng liêng nhưng trên hết là biết sống vì nghiệp lớn cho một sơn hà xã tắc hùng cường, cho một dân tộc đoàn kết, một nền chính trị ổn định. Đâu nhất thiết phải xây dựng một Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung gợi cảm, với những cảnh hở hang trên phim. Thế hệ trẻ sẽ nghĩ gì, những bậc cao niên sẽ nghĩ gì khi thấy một Trần Thị Dung lồ lộ da thịt được khai thác triệt để trong phim?
* Nói ra điều này Thiên Lý có sợ mất lòng những nhà làm phim?
- Tôi biết khi nói ra có thể hơn 100 con người của đoàn phim buồn lòng nhưng như thế còn hơn việc hàng triệu người Việt Nam phẫn nộ. Nếu Trần Thủ Độ là một bộ phim truyền hình bình thường, tôi miễn ý kiến, nhưng là phim lịch sử, kể về một nhân vật có thật, được nhân dân tôn kính thì phải thật tôn trọng, vì vậy xin đừng làm lệch lịch sử.
* Thiên Lý mong muốn điều gì sau khi thanh lý hợp đồng đóng phim?
- Hy vọng việc tôi làm sẽ khiến những nhà làm phim nghĩ lại và thay đổi để thực hiện một bộ phim đạt chất lượng đúng nghĩa trong khả năng. Bởi đây là bộ phim dùng ngân sách để thực hiện nên không thể làm cẩu thả được.
Đỗ Tuấn (thực hiện)
|
Theo Y Nguyên - TN |