Tạp chí Sông Hương -
Trung Quốc lo lắng cho tương lai các nhà văn trẻ
09:27 | 22/07/2009
Trước cánh cửa các nhà xuất bản, không hề có thông báo nào mang nội dung: "Chỉ dành cho người lớn, cấm trẻ con". Nhưng sự nở rộ của một lớp những nhà văn trẻ tại Trung Quốc hiện nay đang là nguyên nhân của rất nhiều cuộc tranh cãi trái chiều.
Trung Quốc lo lắng cho tương lai các nhà văn trẻ
Cây bút Jiang Fangzhou

Trương Ái Linh - một trong những nữ nhà văn xuất sắc của Trung Quốc thế kỷ 20 - từng phát biểu: "Nếu muốn nổi tiếng, hãy bắt đầu càng sớm càng tốt". Câu nói này đã trở thành mục tiêu phấn đấu cho các cây bút trẻ ở Trung Quốc hiện nay.

Mới 14 tuổi, Jiang Fangzhou đã xuất bản 5 đầu sách và đang viết cuốn thứ 6. Cô còn tham gia viết bài cho hai trang của hai tờ báo khác nhau. Theo Hội nhà văn trẻ Trung Quốc - tổ chức được thành lập từ tháng 11/2008 - chỉ trong vòng chưa đầy 4 tháng, họ đã kết nạp được hơn 1.00 thành viên, đều dưới 18 tuổi. Nhiều người trong số họ đã có sách xuất bản.

Sự lớn mạnh của đội ngũ các nhà văn trẻ cũng biểu hiện rõ nét ở số lượng các cây bút tham gia cuộc thi viết thường niên "New Concept". Năm 1998, cuộc thi mới chỉ có 4.000 người tham gia. Năm 2008, con số này đã lên tới 60.000 người. Được tạp chí Mengya tổ chức với sự tài trợ của 10 trường đại học lớn, đây được coi là cơ hội thể hiện cho những cây bút trẻ. Hàn Hàn và Quách Kính Minh - những cây bút 8X nổi tiếng nhất hiện nay - đều từng hai lần chiến thắng tại cuộc thi này.

Đội ngũ các nhà văn trẻ Trung Quốc có những tác giả rất trẻ. Gu Liqun, chưa đến 13 tuổi, nhưng đã xuất bản cuốn tiểu thuyết kỳ ảo đầu tay Legend of the Sorcerer năm ngoái. Yang Yang, 10 tuổi đã trình làng cuốn sách đầu tiên Time's Magic Zither - cũng là một truyện kỳ ảo - khi mới 9 tuổi. Còn Zhang Mengmeng, cô bé 12 tuổi, cũng bắt đầu sự nghiệp khi mới lên 9 với tập tản văn Let Me Tell You, I'm Not Stupid.

Khi cô bé 9 tuổi Jiang Fangzhou ra mắt tác phẩm Open the Skylight, độc giả đã rất choáng váng. Nhưng kỷ lục này nhanh chóng bị Dou Kou phá vỡ. Mới lên 6, Dou Kou đã giới thiệu tự truyện The Drifting Life of Dou Kou.

Bìa cuốn Time's Magic Zither.
Không chỉ sớm viết lách, nhiều cây bút trẻ Trung Quốc cũng sớm thành công về mặt doanh thu. Hai tác phẩm đầu tiên của Hàn Hàn - The Third WayOne Degree below Zero, mỗi cuốn tiêu thụ được hơn một triệu bản. trong khi, nhiều nhà văn lớn ở Trung Quốc chỉ dám in tác phẩm của mình với số lượng 50.000 bản.

Khác với những nhà văn đã thành danh, các cây bút trẻ Trung Quốc viết về thế giới theo cách rất riêng của họ. Nhưng dù đúng hay sai, những sáng tác của họ khi ra mắt, thường đi kèm với nhiều phê bình chỉ trích.

"Sự nở rộ của các nhà văn trẻ không phải là một hiện tượng văn học, mà là một hiện tượng thương mại", Phùng Ký Tài - một cây bút nổi tiếng nói.

Còn nhà phê bình Chu Đại Khả nhận xét: "Họ được các nhà xuất bản o bế kỹ càng để thu hút sự chú ý của người đọc. Tuổi trẻ là một yếu tố đảm bảo cho họ có chỗ trên thị trường sách".

Khi cô bé 11 tuổi Gu Liqun, ở Tứ Xuyên, đòi bỏ trường học để theo đuổi giấc mơ "trở thành nhà văn chuyên nghiệp trẻ nhất Trung Quốc", câu chuyện của "cây bút trẻ" này trở thành đề tài tranh cãi, thậm chí khiến bố mẹ cô suýt phải đối mặt với một vụ kiện. Phòng giáo dục địa phương dọa sẽ đưa bố mẹ cô ra tòa vì không thực hiện đúng Luật giáo dục bắt buộc của nước này. Họ cho rằng, chính Gu Liqun đã bị phụ huynh bắt bỏ học.

Nhưng mẹ của Gu cho biết, họ không có lựa chọn nào khác khi cô con gái khăng khăng không chịu hoãn giấc mơ trở thành nhà văn.

"Tôi có quyền tự do sắp đặt thời gian cho mình", Gu bướng bỉnh nói và kiên quyết không tới trường học.

Bây giờ, phần lớn thời gian Gu ngồi trước máy tính, lúc viết văn, lúc chơi game. Rất nhiều nhà giáo dục tỏ ý lo ngại về cách lựa chọn này của Gu.

"Cũng như tác phẩm của các cây bút cùng tuổi, 3 cuốn tiểu thuyết đã xuất bản của Gu không hề dựa trên những trải nghiệm học đường của chính mình. Sự đoạn tuyệt của cô bé với cuộc sống học sinh sẽ khiến cô mất đi nguồn cảm hứng cho tác phẩm. Tôi không tin Internet có thể bù được sự thiếu hụt này. Điều giá trị nhất ở các sáng tác thiếu nhi là chúng ghi lại hình ảnh cuộc sống thực. Nếu không sống, họ không thể tiếp tục viết", nhà văn Nhiễm Vân Phi nói.

Vương Mông, phó chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc, ngay trong một buổi lễ tổng kết cuộc thi viết New Concept từng phát biểu:

"Tôi tôn trọng những em viết sách từ 5, 6 tuổi. Nhưng tôi sẽ không cho phép cháu nội mình làm như thế. Bởi tôi sợ, nó sẽ không còn thời gian để chơi".

Chia sẻ quan điểm này, giáo sư Zheng Mingming cũng nói: "Danh tiếng đến sớm là một gánh nặng đối với những đứa trẻ. Chúng sẽ gặp khó khăn trong việc thiết lập những mối quan hệ bình thường, tự nhiên với những người xung quanh mình". Dou Kou là một ví dụ điển hình.

Trước khi lên 6, Dou Kou đã kịp đi đến 30 thành phố ở Trung Quốc theo cha mẹ. Cậu bé được thầy giáo dạy tại nhà. Khi bắt đầu nổi tiếng. Dou Kou được đi học tại một trường tư ở Nam Kinh. Trong lớp, cậu xếp thứ 5. Nhưng chỉ một thời gian sau, Dou Kou đòi bỏ học. Trên trang web cá nhân, Dou Kou tặm, cậu không thể nào hòa nhập với các bạn trong lớp và cảm thấy xa lạ với không khí trường học, thấy khó chịu khi bị thầy cô và các anh chị lớp trên soi xét.

Lỗ Tấn - nhà văn đại thụ Trung Quốc từng nói, có hai cách để tiêu diệt tài năng, đó là tán dương quá mức hoặc chỉ trích hết lời. Đó cũng là điều mà giới văn chương Trung Quốc lo lắng cho các cây bút trẻ.

Theo Thanh Huyền - evan (Nguồn: AO)

Các bài mới
Các bài đã đăng