PGS-TS Lương Hồng Quang, phó vụ trưởng Viện Văn hóa VN, PGS-TS Nguyễn Khắc Sử, chủ tịch hội đồng khoa học, Viện Khảo cổ VN, cùng nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, khảo cổ học trong nước và quốc tế đã đến dự. Đây được xem là dịp hội ngộ “cái nôi văn hóa Sa Huỳnh” tại khu vực miền Trung nhân sự kiện 100 năm văn hóa Sa Huỳnh tại Quảng Ngãi. Phòng trưng bày có 400 hiện vật bao gồm: mộ chum, đồ tùy táng, dụng cụ sinh hoạt với chất liệu: gốm, đá, sắt, đồ trang sức: vòng, hạt chuỗi, khuyên tai… có nét đặc trưng riêng cho nền văn hóa Sa Huỳnh ở khu vực ven biển miền Trung có niên đại cách đây 2500 - 3000 năm. Buổi trưng bày đã gây ấn tượng mạnh đối với các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà khảo cổ học trong nước và quốc tế. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đến từ Nhật, Úc, Trung Quốc, Pháp… đã say sưa ghi chép, chụp ảnh về những mộ chum, những khuyên tai, hạt chuỗi, đá quý... được chôn theo mộ chum của cư dân Sa Huỳnh thời tiền sử. Nhân dịp này, đạo diễn Đoàn Huy Giao cùng đoàn làm phim Trung tâm truyền hình VN tại Đà Nẵng đã bấm máy thực hiện bộ phim tài liệu Dấu chân Sa Huỳnh. Bộ phim tài liệu thời lượng 30 phút sẽ gửi đi thông điệp cư dân ven biển vùng đất Sa Huỳnh cổ xưa đã có mối quan hệ rộng rãi với cộng đồng trong khu vực miền Trung - Tây nguyên.
Hạt chuỗi, khuyên tai ba chấu..., đồ trang sức tùy táng theo mộ chum - đặc trưng nền văn hóa Sa Huỳnh tại Quảng Ngãi Các nhà khảo cổ học quốc tế say sưa chụp ảnh các mộ chum và đồ tùy táng đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh
|