Tạp chí Sông Hương -
Theo dấu chân Sa Huỳnh
14:45 | 24/07/2009
Bên lề hội thảo quốc tế 100 năm phát hiện và nghiên cứu di chỉ văn hoá Sa Huỳnh, gần 100 nhà nghiên cứu văn hoá, nhà khảo cổ học trong nước và quốc tế đã có chuyến “hành hương” về vùng đất Sa Huỳnh.
Theo dấu chân Sa Huỳnh
Toàn cảnh huyện đảo Lý Sơn biêng biếc giữa mênh mông sóng nước trong ánh nắng ban mai

Cách đây vừa tròn 100 năm (1909), nhà khảo cổ học người Pháp M.Vinet đã tình cờ phát hiện tại động cát cạnh đầm An Khê thuộc xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ - vùng ven biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) một khu mộ chum với rất nhiều hiện vật giá trị (có niên đại khoảng 2.500 năm).  Thú vị hơn, các nhà nghiên cứu còn có chuyến tham quan di tích khai quật khảo cổ học  văn hóa Sa Huỳnh ở xóm Ốc và Suối Chình ở  huyện đảo Lý Sơn. Nhiều nhà khảo cổ học quốc tế đã khá bất ngờ với nền văn hóa Sa Huỳnh cổ xưa từng phát triển rực rỡ trên huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Theo dấu chân Sa Huỳnh, chúng tôi cùng với đoàn nghiên cứu khảo cổ học lên tàu cao tốc ra Lý Sơn để được hòa mình trong bầu không gian văn hóa Sa Huỳnh đầy hấp dẫn ở nơi đây. Bắt đầu là ấn tượng với di tích khai quật khảo cổ học văn hóa Sa Huỳnh ở xóm Ốc, xã An Hải, huyện Lý Sơn.

Năm 1997, các nhà khảo cổ học đã khai quật trên diện tích khoảng 10.000m2, sau đó phát hiện tại đây mộ nồi làm bằng đất nung, dụng cụ sinh hoạt: Cuốc đá, rìu đá, đồ trang sức tuỳ táng theo mộ Nồi… đặc trưng văn hoá Sa Huỳnh được chế tác từ đá có niên đại khoảng 2000 đến 2.500 năm. 

Năm 2000, các nhà khảo cổ học tiếp tục khai quật di tích Suối Chình bên dưới chân núi Thới Lới, xã An Hải, huyện Lý Sơn thì cũng phát hiện mộ Nồi, một số dụng cụ sinh hoạt bằng gốm, đồ trang sức làm từ ốc biển…Sở dĩ gọi là xóm Ốc là khai quật lên địa điểm này phát hiện nhiều vỏ ốc dưới đất do cư dân Sa Huỳnh để lại.

Tiến sĩ sử học Đoàn Ngọc Khôi, Bảo tàng Quảng Ngãi cho biết: Bản sắc văn hóa Sa Huỳnh trên đảo Lý Sơn mang đậm sắc thái biển, cụ thể như: Khuyên tai làm bằng vỏ ốc Cối, hạt chuỗi làm bằng ốc Hoa, vòng đeo tay, nhẫn làm bằng ốc Xéo, dụng cụ sinh hoạt như: Cuốc, bàn nạo làm từ ốc Cừ...

Từ 2.500 năm trước, cư dân Sa Huỳnh ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã sớm vươn ra biển Đông, giao lưu văn hoá, trao đổi buôn bán với các nước Indonesia, Malaysia… PGS-TS Nguyễn Khắc Sử, chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện khảo cổ học Việt Nam thì nhận định: Căn cứ vào hiện vật văn hoá Sa Huỳnh từng được phát hiện, khai quật tại Quảng Ngãi như: Mộ chum làm bằng đất nung có kèm theo đồ trang sức quí như: Chuỗi hạt đá quí, khuyên tai ba chấu… tùy táng theo mộ chum, một số dụng cụ làm bằng đồng, sắt có niên đại khoảng 2.500 năm chứng tỏ cư dân Sa Huỳnh từ ngàn xưa đã có trình độ kỹ thuật cao, có giao lưu quan hệ rộng với thế giới bên ngoài.

Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Sa Huỳnh trên dải đất miền Trung nói chung, tại Quảng Ngãi nói riêng, GS Petter Bellwood, Trường đại học quốc gia Pháp chia sẻ: Cần bảo vệ nghiêm ngặt các di tích văn hóa Sa Huỳnh, không để xảy ra sự đào bới sai nguyên tắc. Nếu tiến hành khai quật các di tích cần phải thông qua kênh nhà nước vừa bảo tồn được hiện vật vừa phát huy được giá trị nền văn hóa Sa Huỳnh.


Mộ nồi


Hiện tại, Sở văn hóa thể thao và du lịch Quảng Ngãi đang lập đề án khả thi trình Bộ văn hoá thể thao và du lịch xét duyệt xây dựng Bảo tàng Sa Huỳnh ngay trên vùng đất Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi - nơi 100 năm trước lần đầu tiên phát hiện khu mộ chum đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh. Theo tiến sĩ Sử học Đoàn Ngọc Khôi, Bảo tàng Sa Huỳnh này sẽ là mắc xích quan trọng để kết nối, bảo tồn hiện vật, hình thành con đường di sản văn hóa Sa Huỳnh trên dải đất miền Trung.

 

Tối nay 23-7, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ tưởng niệm 100 năm (1909-2009) phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh tại Quảng Ngãi. Các nhà nghiên cứu đã giành năm phút mặc niệm tưởng nhớ, tôn vinh những nhà khảo cổ học trong nước và quốc tế (đã mất) từng giành nhiều công sức sưu tầm, nghiên cứu, phát huy giá trị văn hóa Sa Huỳnh trong suốt 100 năm qua.

Ngày mai 24-7, Bộ văn hoá thể thao và du lịch phối hợp UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức hội thảo quốc tế 100 năm phát hiện và nghiên cứu di chỉ văn hoá Sa Huỳnh tại TP.Quảng Ngãi.

Một số ảnh ghi nhận chuyến "hành hương" về vùng đất Sa Huỳnh:


                                                                         Theo MINH THU - TT
Các bài mới
Các bài đã đăng