Tạp chí Sông Hương -
Văn học Pháp tại Việt Nam - Không cẩn thận sẽ mất vị thế
15:24 | 12/05/2021

Nước Pháp thế kỷ XXI vẫn mang đến cho thế giới không ít tác giả văn học tài năng, ghi dấu ấn quan trọng, trong đó nhiều tác giả đã có tác phẩm được giới thiệu tới độc giả Việt Nam. Tuy vậy, một số nhà chuyên môn cho rằng, nhiều tác phẩm tinh hoa, hàn lâm của văn học Pháp vẫn xa lạ với công chúng nước ta, và nếu các đơn vị xuất bản không cân nhắc giới thiệu, có thể văn học Pháp sẽ mất vị thế tại Việt Nam.

Văn học Pháp tại Việt Nam - Không cẩn thận sẽ mất vị thế
Văn học Pháp đã trở nên quen thuộc với độc giả Việt - Nguồn: ITN

Quen thuộc với độc giả Việt

Từ lâu, nước Pháp đã được khẳng định là quốc gia sở hữu nền văn chương rực rỡ nhất nhân loại, cống hiến các tác phẩm kinh điển, đưa ra trào lưu, tư tưởng có sức lan tỏa, ảnh hưởng rộng khắp. Ở Việt Nam, đến nay, văn học Pháp đã được giới thiệu rộng rãi, phong phú hơn bao giờ hết và thu hút đông đảo độc giả. Bên cạnh tác phẩm kinh điển được tái bản, những tác phẩm văn chương đương thời của các tên tuổi như Patrick Modiano, Milan Kundera... hay những tác giả đoạt giải Goncourt, liên tục được giới thiệu tại Việt Nam.

Một số nhà phê bình nhận xét, đầu thế kỷ XXI, văn học đương đại Pháp với các tác giả mới nhất, cùng nhiều vấn đề hiện đại, đã được độc giả trẻ Việt Nam đón nhận tích cực, nhiều tác giả đã sớm được xuất bản tại Việt Nam và cứ mỗi lần họ ra sách lại là một sự kiện, một sự trông đợi.

Độc giả yêu mến văn học Pháp ở Việt Nam không thể không biết đến Marc Levy. Với bút pháp lãng mạn hòa lẫn yếu tố siêu thực, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm chiếm được tình cảm của người đọc khắp thế giới. Các tác phẩm của Marc Levy đã được dịch ra 49 thứ tiếng và bán được hơn 40 triệu bản trên toàn cầu, giúp ông trở thành một trong những nhà văn Pháp được đón đọc nhiều nhất trên thế giới. Hầu hết các cuốn tiểu thuyết này đã được chuyển thể thành phim. Ngoài “Nếu em không phải một giấc mơ”, nhiều tác phẩm của ông đã được dịch sang tiếng Việt như: “Gặp lại”, “Kiếp sau”, “Người trộm bóng”, “Cô gái như em”, Chuyện chàng nàng”, “Chuyến du hành kỳ lạ của ngài Daldry”...

Guillaume Musso cũng được xem là hiện tượng best-seller của văn chương Pháp hiện đại. Với hơn 1,5 triệu bản in được bán tại quê nhà trong năm 2020, ông tiếp tục giữ vững vị trí tiểu thuyết gia có sách bán chạy nhất ở Pháp trong 10 năm liên tiếp. Văn chương của Guillaume Musso được ví như sự kết hợp hoàn hảo giữa Marc Levy và Stephen King, đậm màu sắc liêu trai, hấp dẫn, bất ngờ và lãng mạn, tiệm cận chiều sâu tâm hồn mỗi con người. Tiểu thuyết của ông đã bán được hơn 32 triệu bản trên khắp thế giới và được dịch sang 40 thứ tiếng. Những tác phẩm tiêu biểu của ông đã được giới thiệu tại Việt Nam là: “Rồi sau đó”, “Cứu lấy em”, “Hẹn em ngày đó”, “Bởi vì yêu”...

Chưa kể các tác giả như Pierre Lemaitre với “Hẹn gặp lại trên kia”, “Alex”, “Hy sinh”; Franck Thilliez với “Hội chứng E”... đều là những cái tên quen thuộc với độc giả Việt Nam, và người yêu mến văn chương của họ ngày càng tăng.

Vị thế nào cho văn học Pháp?

Nguồn: ITN


Tiến sĩ Văn học Phạm Xuân Thạch, giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng: Pháp là quốc gia có nền văn học đa dạng. Đây là trung tâm của thế giới, điểm đến của nhiều nhà văn châu Âu, nên có những tác phẩm cực kỳ đồ sộ. Sau Thế chiến 2, nước Pháp xuất hiện làn sóng nhập cư mới, góp phần tạo nên nền văn học Pháp đa dạng và mang tính toàn cầu. Chẳng hạn, Linda Lê là người Việt nhưng viết bằng tiếng Pháp vẫn được bạn đọc quốc gia này đón nhận; nhà văn tới từ Algérie Albert Camus - tác giả của hai tiểu thuyết nổi tiếng “Người xa lạ” và “Dịch hạch”, làm rạng danh cho nước Pháp với giải thưởng Nobel... "Những tác giả ấy mang luồng sinh khí mới cho văn học, nhưng vẫn giữ nét hào hoa của văn hóa Pháp. Nhập cư là câu chuyện thú vị trong văn học Pháp đương đại" - TS. Phạm Xuân Thạch nói.

Ở Việt Nam, văn học Pháp được giới thiệu đầy đủ cả văn học đại chúng lẫn văn học tinh hoa, cả tác phẩm của nhà văn Pháp và nhà văn nhập cư. Tuy nhiên, theo anh Nam Đỗ, người sáng lập câu lạc bộ Hội thích truyện trinh thám, 20 năm vừa qua, tác phẩm của nhiều tác giả văn học đương đại Pháp được dịch sang tiếng Việt, nhưng văn học hàn lâm, chính thống không mấy được chú ý. Hiện nay, trước sự cạnh tranh của các nền văn học khác được giới thiệu nhiều ở Việt Nam như văn học Trung Quốc, Nhật, Đức... việc dịch thuật các tác phẩm văn học mới của Pháp chịu nhiều sức ép.

Đồng tình với ý kiến trên, TS. Phạm Xuân Thạch nhận định: Văn học Pháp không cẩn thận sẽ mất vị thế ở Việt Nam. Bởi văn học cũng theo xu hướng, sẽ đến lúc tác giả ăn khách “thuần một kiểu” như Marc Levy hết mốt, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh của văn hóa đại chúng từ châu Á. Trong khi đó, ngoài văn học đại chúng, nhiều cuốn sách “cao cấp” của văn học, văn hóa Pháp chưa được quan tâm chuyển ngữ và kịp thời giới thiệu tới công chúng Việt Nam. Gần đây, cuốn “Nhiệt đới buồn” của Claude Lévi-Strauss - nhà nhân học, dân tộc học, một nhà tư tưởng và nhà văn lớn của thế giới mới được dịch ra tiếng Việt. Đó là điều đáng ghi nhận, nhưng văn học Pháp còn rất nhiều tác phẩm mang tầm tư tưởng lớn, đang xa lạ với độc giả Việt.

Nhiều năm dạy văn học Pháp, đọc văn học Pháp, ông Trần Hinh, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Nghệ thuật học, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng, sự gần gũi văn chương và triết học là bản sắc của văn học Pháp. Ở thế kỷ XXI, truyền thống đó vẫn được tiếp tục với những tác phẩm đầy tính triết lý, sâu sắc và nhân văn. Hiện nay, văn học thị trường ăn khách hơn, nhưng đã đến lúc các đơn vị xuất bản cân nhắc giới thiệu tác phẩm của những “cây đa cây đề” trong làng văn học Pháp. Bởi độc giả trong nước hiện tại đã có nhiều người trẻ đọc tốt, có văn hóa đọc, có thể đọc được tác phẩm khó. Hơn nữa, tác phẩm theo trào lưu có thể sẽ qua nhanh, nhưng chân giá trị vẫn còn mãi.

 
Theo Ngọc Phương - ĐBND

 

Các bài mới
Các bài đã đăng