Theo người dân địa phương, khu vực này xưa nay thường gọi là khu vực giếng vua Hồ. Trong cuốn sách Thanh Hóa Vĩnh Lộc huyện chí của Lưu Công Đạo (bản năm Bính Tý, đời Gia Long thứ 15 năm 1816) cũng có ghi về giếng cổ nơi đàn tế Nam Giao như sau: "Phía đông núi Đốn Sơn có đàn tế Nam Giao, có giếng Ngự Dục xếp đá làm thành, bệ cấp uy nghiêm, đều là di tích của Hồ Hán Thương...". Kiến trúc giếng cổ xuất lộ có hình vuông, được kè đá theo cấp bậc nhỏ dần vào lòng, cạnh lớn nhất hiện thấy dài 14m. Hiện nay đã xuất lộ ba bậc, mỗi bậc có chiều cao khoảng 20cm, rộng khoảng 20cm, sâu khoảng 10m so với nền đàn tế trung tâm. Các nhà khảo cổ học cũng đã tìm ra mạch nước của chiếc giếng cổ. Công tác khai quật vẫn đang được cơ quan chuyên môn tiến hành nhằm làm rõ hoàn toàn cấu trúc của chiếc giếng cổ này. Đây là phát hiện quan trọng, bổ sung vào hồ sơ Thành nhà Hồ để trình UNESCO công nhận công trình kiến trúc độc đáo này là di sản văn hóa thế giới trong tương lai. |