Tạp chí Sông Hương -
Makhmalbaf - chân dung một gia đình làm phim
16:29 | 26/07/2009
Điện ảnh Iran được coi là một trong những nền điện ảnh đáng chú ý nhất của thế giới trong vòng hai chục năm trở lại đây. Một trong những cái tên được nhắc đến nhiều nhất chính là Makhmalbaf mà ở phía sau nó là một gia đình mà tất cả các thành viên đều tham gia làm phim.
Makhmalbaf - chân dung một gia đình làm phim
Cảnh trong Thời của tình yêu

Nền móng của người cha

Người đứng đầu gia đình Makhmalbaf (viết tắt M.) là Mohsen M. sinh năm 1957, được biết đến lần đầu tiên vào năm 1994 khi ông tham gia Liên hoan phim (LHP) Cannes với hai tác phẩm, một trong hai phim là A time of love (Thời của tình yêu) - bộ phim sau đó đã được mời dự nhiều LHP quan trọng khác của thế giới. Phim gồm ba câu chuyện với cùng nhân vật nhưng các mối quan hệ tình cảm ở từng câu chuyện bị hoán đổi.

Khi giải thích tư tưởng của bộ phim, ông lấy giả thiết về cách nhìn một người Việt Nam bị giết chết bởi lính Mỹ: “Nếu bạn nghe tin tức này mà nghĩ đó là một tin chính trị, kết quả là bộ phim làm về nó mang tính chính trị.

Tuy nhiên, nếu bạn nhìn cuộc chiến giữa Việt Nam và Mỹ là định mệnh và sự tham gia của người lính Mỹ là do trời đất sắp đặt vì anh ấy đến tuổi đi lính, tin tức này sẽ không còn mang tính chính trị nữa và bộ phim làm về nó sẽ mang tính triết học. Bởi trọng tâm vấn đề là sự sắp đặt trước, tính định mệnh của cuộc chiến và tuổi tác của người lính.

Tính triết học và tranh đấu tiếp tục được thể hiện trong A moment of innocence (Khoảnh khắc của sự vô tội) - bộ phim giành giải đặc biệt của Ban giám khảo LHP Locarno 1996, khi Mohsen mang chính cuộc đời cách mạng thời trẻ của mình vào điện ảnh. Với thủ pháp phim trong phim, ông đã nêu bật được sự khác biệt thế hệ và những day dứt của một thời tuổi trẻ bạo lực thông qua sự mâu thuẫn giữa nhân vật Mohsen đạo diễn và diễn viên đóng Mohsen thời trai trẻ, để từ đó đàm đạo triết lý về tính chiến đấu và hoà giải.

Gia đình Makhmalbaf

Ngay trước khi cuộc khủng bố ngày 11-9-2001 châm ngòi cho cuộc chiến chống lại quân Taliban tại Afghanistan, Mohsen mang đến Cannes bộ phim Kandahar tranh giải Cành cọ vàng. Phim kể về cuộc trở về thành phố Kandahar của một nữ nhà báo trẻ đang sống tị nạn tại Canada để cứu giúp em gái đang mắc nạn tại đây khỏi chế độ độc tài Taliban.

Bộ phim được chú ý bởi gần thời điểm phim ra mắt, quân Taliban vừa cho nổ tung hai bức tượng Phật cổ lớn nhất thế giới tạc trên núi đá ở thung lũng Bamiyan, gây bất bình trên toàn thế giới. Những hình ảnh về cuộc sống của người dân Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ, dưới ách thống trị của quân Taliban như những bằng chứng sống mang tính dự báo về một cuộc chiến sau đó và còn kéo dài dai dẳng đến tận hôm nay.

Không chỉ là một nhà làm phim, Mohsen còn là một nhà văn với những tác phẩm gây dư luận trong và ngoài nước. Việc làm phim không giới hạn ông trong biên giới quê hương mà giúp ông khám phá các vùng đất hàng xóm như Pakistan, Afghanistan, Thổ Nhĩ Kỳ, hay xa hơn là Ấn Độ và Tajikistan, đôi khi chính vì sự bó buộc của chế độ kiểm duyệt khắt khe tại Iran. Ông từng tuyên bố rằng luôn luôn muốn sống ở quê hương, nhưng nếu việc sống tại đó đồng nghĩa với việc không làm phim, thì ông lựa chọn việc làm phim.

Hai chị em gái

Cô con gái lớn Samira M. sinh năm 1980, đi vào lịch sử điện ảnh thế giới khi là đạo diễn trẻ nhất tham dự mục Un certain regard (Một góc nhìn) của LHP Cannes 1998 ở tuổi 18 với bộ phim đầu tay The apple (Trái táo). Tuy không giành được giải thưởng, nhưng câu chuyện xúc động của hai bé gái bị người cha nhốt trong nhà suốt 11 năm đã gây tiếng vang lớn và phim được mời tham dự trên 100 LHP toàn thế giới.

Hai năm sau đó, Samira quay trở lại Cannes tranh giải Cành cọ vàng với tác phẩm The blackboard (Bảng đen) - bộ phim chính thức đưa Samira vào hàng ngũ những tên tuổi lớn nhất của điện ảnh đương đại khi giành giải thưởng của ban giám khảo.

Phim Bảng đen

Phim Khoảnh khắc của sự vô tội

Sau tiếng vang tại Cannes của cha và chị gái, Hana M. sinh năm 1987 tiếp bước truyền thống gia đình khi làm phim tài liệu The joy of madness (Niềm vui của sự điên rồ) về quá trình làm phim thứ ba Five in the afternoon (5 giờ chiều) của chị gái Samira. Niềm vui của sự điên rồ được giới thiệu tại LHP Venice năm 2003 và sau đó giành ba giải thưởng quốc tế.

Nhưng phải đến Buddha collapsed out of shame (Phật đổ sụp vì ngượng) - phim truyện đầu tay của Hana tranh giải tại LHP San Sebastian năm 2007 khi cô vừa tròn 19 tuổi, Hana mới chính thức gây chú ý. Phật đổ sụp vì ngượng đã giành giải đặc biệt của ban giám khảo tại San Sebastian và sau đó đến LHP Berlin, nơi bộ phim được trao giải thưởng hoà bình.

Quan niệm làm phim

Khi có người quan tâm điện ảnh viết thư hỏi liệu có cần học qua trường lớp về điện ảnh trước khi bắt tay làm một bộ phim hay không, gia đình Makhmalbaf đã trả lời như sau: Nếu phải chọn lựa giữa học làm phim ở trường và cầm máy quay phim kỹ thuật số lên để làm phim, họ sẽ chọn cái sau. Bởi vì cầm máy quay tự làm phim sẽ nhanh hơn, đơn giản hơn và nếu bạn có năng khiếu thì nó sẽ được thể hiện sớm hơn.

Mỗi ngày qua đi, kỹ thuật làm phim ngày càng ít quan trọng và ngược lại, khả năng sáng tạo nghệ thuật của bạn bị đòi hỏi cao hơn. Điều bạn cần làm là tìm kiếm, phát hiện và khai triển một cái nhìn vừa mới vừa sâu có thể truyền đạt được nỗi khổ đau và mơ ước của con người. Chỉ bằng cách này, những niềm đau và ước vọng của bạn mới có thể được chia sẻ bởi tất cả những người khác.

Lấy ý tưởng từ tổ chức từ thiện “Bác sĩ không biên giới”, gia đình Makhmalbaf cổ xuý cho một thứ điện ảnh quốc tế, không mang giới hạn địa lý. Lý do họ đưa ra mang tính lịch sử: anh em nhà Lumière đã phát minh ra điện ảnh nhưng nó không chỉ dừng lại ở Pháp mà nay đã mang tính toàn cầu. Đồng thời lý do này cũng mang tính chất thời sự: dù có hơn 200 quốc gia và lãnh thổ, hàng ngàn ngôn ngữ và nền văn hoá trên thế giới, thế nhưng 90% của điện ảnh thế giới bị thống trị bởi Hollywood.

Thứ điện ảnh tài liệu vốn giúp chúng ta ở đầu này thế giới có thể hiểu cuộc sống và tâm sự của người dân ở đầu kia thế giới, hiện đang bị ảnh hưởng sâu sắc bởi sự lấn át này. Nhiều miền đất và nền văn hoá bị lãng quên, chúng ta không còn có cơ hội để được tìm hiểu và chia sẻ bởi chúng không được lên hình. Ở một góc độ khác, tính “không biên giới” còn giúp nhà làm phim vượt qua kiểm duyệt ở nước họ, cũng như giúp cho cách nhìn của nhà làm phim khi được hoán đổi vị trí sẽ phong phú hơn.

Như gia đình Makhmalbaf, lúc bị kiểm duyệt nội dung, họ vẫn tiếp tục niềm đam mê của mình bằng cách tìm nơi đất lành chim đậu cho những khám phá và sáng tạo của cá nhân nhưng mang thông điệp của nhân loại.

(nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị)

Theo MẠNH CƯỜNG VŨ - TT

Các bài mới
Các bài đã đăng