Tạp chí Sông Hương -
Tác giả 'Xin cạch đàn ông' dự định sang Việt Nam
15:03 | 27/07/2009
Cuộc gặp gỡ giữa nhà văn Katarzyna Grochola - tác giả "Xin cạch đàn ông" - và dịch giả Lê Bá Thự diễn ra khi ông sang Ba Lan dự Hội nghị những người dịch văn học Ba Lan toàn thế giới. Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa nhà văn và dịch giả về cuốn sách.
Tác giả 'Xin cạch đàn ông' dự định sang Việt Nam
Dịch giả Lê Bá Thự tặng bản tiếng Việt cuốn tiểu thuyết "Xin cạch đàn ông" cho nhà văn.

- Xin chị cho biết cảm xúc của mình khi hay tin, tiểu thuyết "Xin cạch đàn ông!" của chị đã được dịch sang tiếng Việt?

- Cảm xúc của tôi ư? Vô cùng xúc động, sung sướng tột cùng và bất ngờ thực sự. Tác phẩm của tôi được dịch sang các ngôn ngữ châu Âu là chuyện bình thường, nhưng được dịch sang tiếng Việt, đến tay bạn đọc của một đất nước cách Ba Lan trên mười nghìn cây số thì là điều tôi không nghĩ tới.

Tôi xúc động và sung sướng còn là vì một lý do quan trọng nữa. Cách đây khoảng 40 năm, bố tôi đã sang Việt Nam, bây giờ đến lượt sách của tôi. Tôi coi như là hai bố con tôi đã sang đất nước của các bạn.

- Chị có thể nói rõ hơn không?

- Hồi những năm 73 - 74 của thế kỷ trước, bố tôi với tư cách là luật gia, đã sang Việt Nam làm việc trong Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát Hiệp định Paris. Khi về nước bố tôi khoe với tôi: “Con ơi, Việt Nam là đất nước đẹp nhất địa cầu”. Bố tôi mang về rất nhiều tranh ảnh Việt Nam. Hiện tôi vẫn còn giữ bức tượng Phật bố mua cho tôi hồi đó, cả băng cassette các bài hát Việt Nam nữa. Tôi rất thích giọng kim cao vút của các nữ ca sĩ Việt Nam.

- Người ta bảo, nhân vật Judyta trong "Xin cạch đàn ông!" chính là chị, nhân vật Tosia chính là con gái chị. Chị nghĩ thế nào?

- Toàn bộ Judyta là tôi, nhưng tôi không hoàn toàn là Judyta. Tosia chính là con gái Dorota của tôi. Năm nay Dorota đã 28 tuổi, có một con trai, đang ở cùng với tôi.

- Chị có thể nói thêm một chút về gia cảnh của chị?

- Vườn và ngôi nhà tôi đang ở chính là kết quả của việc người đàn ông của tôi đã ruồng bỏ tôi đi theo một người đàn bà khác, tôi phải sống hoàn toàn tự lập. Lúc đầu con gái tôi không thích rời thủ đô về làng quê, nhưng sau đó nó lại bảo, thế mà lại hoá hay. Tôi xây nhà mất 30 ngàn zloty, trên mảnh đất rộng 2 nghìn mét vuông. Tôi nuôi chó và mèo như Judyta trong truyện.

- Và trong hoàn cảnh như vậy chị đã viết "Xin cạch đàn ông!" với nhân vật Judyta?

- Tôi phải tự cứu mình. Nhân vật Judyta là mảnh đời của tôi, giúp tôi vượt qua những tháng ngày cam go, có lúc hầu như tuyệt vọng.

- Thưa chị, trong "Xin cạch đàn ông!" rất nhiều lần Judyta nói “Tất cả đàn ông đều cùng một giuộc”, tại sao vậy? Câu nói này làm tôi có phần tự ái.

- Anh khỏi tự ái đi. Đàn ông tất nhiên là khác nhau. Judyta bực mình nên nói vậy. Đó chỉ là câu thành ngữ Ba Lan mà thôi.

Dịch giả Lê Bá Thự trong một gian hàng sách ở Vacsava.

Dịch giả Lê Bá Thự trong một gian hàng sách ở Vacsava.

- Cuối cùng, chị có cho chàng Adam, cưới cô Judyta hay không?

- Adam còn phải sang Mỹ thực tập, câu chuyện còn dai, dài và phúc tạp lắm, phải đọc tiếp các tập sau thôi.

- Bạn đọc Ba Lan đón nhận "Xin cạch đàn ông!" của chị ra sao?

- Tôi chỉ xin lấy con số để chứng minh. Cho đến giờ phút này, trên một triệu cuốn đã đến tay bạn đọc Ba Lan. Xin lưu ý, Ba Lan chỉ có khoảng 40 triệu dân.

- Tiểu thuyết của chị đã được dựng thành phim?

- Cả Xin cạch đàn ông! lẫn Các người khắc biết tay tôi! đều đã được dựng thành phim. Riêng Các người khắc biết tay tôi! đã được Đài truyền hình Ba Lan dựng thành phim 13 tập (năm 2006), do chính tôi viết kịch bản. Tôi đã xem bộ phim này đến hàng chục lần. Mỗi lần xem là một lần ngạc nhiên. Hàng triệu lượt người đã xem bộ phim này.

- Chị là người của công chúng, thường xuyên có những cuộc giao lưu, gặp gỡ, phỏng vấn… vậy chị viết vào lúc nào?

- Tôi viết theo cảm hứng, lúc nào có cảm hứng thì tôi viết, bất luận giờ nào. Tuy nhiên tôi thường viết về đêm. Ban ngày phải hầu hạ nào chó, nào mèo, phải sang mấy nhà hàng xóm uống trà, uống cà phê, đàm đạo… mất ối thời gian. Sau mỗi lần hoàn thành một tác phẩm, tôi thường dành thời gian đi khắp Ba Lan, giao lưu, gặp gỡ với bạn đọc. Đó là thời gian tôi “xả hơi” mà làm việc, làm việc mà “xả hơi”. Vả lại các cuộc tiếp xúc với độc giả rất bổ ích đối với công việc sáng tác của tôi, giúp tôi nắm được yêu cầu, thị hiếu của bạn đọc, đem lại cho tôi nguồn cảm hứng mới.

- Tác phẩm mới nhất của chị là gì?

- Tiểu thuyết mới nhất của tôi có tiêu đề Thiên thần pha lê, dày 540 trang, vài hôm nữa mới có bán tại các hiệu sách. Nhân vật chính của tiểu thuyết là cô Sara, 30 tuổi, thông minh và nhạy cảm, đã bỏ nhà lên Vacsava đi tìm hạnh phúc. Thất vọng, bực tức, bất lực, sợ hãi, cô đơn, khao khát trả thù, hy vọng, mơ mộng và tình yêu, đó là tất cả những gì Sara đã trải qua trên con đường đi tìm hạnh phúc. Tuy chưa phát hành nhưng đã có 100 nghìn cuốn được đặt mua.

- Chị có hài lòng và lạc quan với cuộc sống?

- Thực tế ngoài bốn mươi tuổi tôi mới bắt đầu cuộc sống. Chúng ta phải nhìn cuộc sống bằng con mắt thực tế và tôi thích mình là người lạc quan.

- Chị đã đọc tác phẩm văn học nào của Việt Nam?

- Rất tiếc, tôi chưa được đọc tác phẩm văn học nào của Việt Nam.

- Chị có định sang thăm Việt Nam hay không?

- Tôi đã đến Thái Lan, nhưng Việt Nam thì chưa. Nhất định tôi sẽ sang Việt Nam, vì bố tôi đã đến đó, bây giờ đến lượt tôi. Tôi mà sang, anh đi dịch và làm hướng dẫn viên du lịch cho tôi nhé!

Lê Bá Thự thực hiện

Theo evan

Các bài mới
Các bài đã đăng