Tạp chí Sông Hương -
Gợi mở chính sách cho làng Việt hiện nay
15:11 | 10/06/2021

Cuốn sách “Làng Việt ở Bắc Bộ, truyền thống và biến đổi” của PGS, TS Bùi Xuân Đính, Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) do Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm 2020.

Gợi mở chính sách cho làng Việt hiện nay

Sách nghiên cứu biến đổi của làng Việt ở Bắc Bộ từ cách tiếp cận “diện” (phạm vi toàn vùng) kết hợp với “điểm” (những trường hợp điển hình, những làng quê cụ thể), tiếp cận “lịch đại” (quá trình biến đổi với những mốc quan trọng cho từng khía cạnh cuộc sống) với tiếp cận “đồng đại” (thực trạng biến đổi ở thời điểm hiện tại, hay so sánh truyền thống và hiện nay); đồng thời, xem xét ba trục biến đổi chính là kinh tế, xã hội và văn hóa; mỗi khía cạnh chỉ ra những mặt nổi trội nhất. 

Những thay đổi, biến đổi về kinh tế, xã hội và văn hóa của làng Việt ở Bắc Bộ trong hơn 70 năm qua. Biến đổi lớn lao nhất, mạnh mẽ, sâu sắc nhất thể hiện ở lĩnh vực mưu sinh, kinh tế. Biến đổi về xã hội thể hiện các thiết chế dân dã cơ bản (gia đình, dòng họ) vẫn thể hiện sức sống bền bỉ, tuy có những thay đổi và ứng hợp nhất định với điều kiện sống mới… Biến đổi về văn hóa thể hiện hệ thống di tích thờ cúng được phục hồi, phần lớn các hình thái thờ cúng được bảo tồn, các lễ hội được mở trở lại; các tôn giáo tồn tại và hoạt động trong sự bình đẳng, một số hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện; các phong tục tập quán truyền thống được bảo lưu và có những thích ứng với điều kiện mới. Tuy nhiên, các yếu tố văn hóa truyền thống đang tồn tại đều chịu tác động của nền kinh tế thị trường, trong đó có không ít tác động tiêu cực, đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan quản lý. 

Sách cũng chỉ ra đặc điểm và khuynh hướng biến đổi của khía cạnh kinh tế, xã hội và văn hóa làng Việt trong hơn 70 năm qua là: Về kinh tế, chỉ còn một số yếu tố truyền thống tồn tại trong sự “dung nạp” và kết hợp thêm các yếu tố mới để tạo ra diện mạo mới, sức sống mới. Về xã hội, bảo lưu các thiết chế và các quan hệ xã hội cơ bản của cộng đồng làng xã để dung nạp thêm các yếu tố của xã hội mới. Về văn hóa, diễn ra xu hướng: mai một hoặc bị mất - phục hồi, cải biến các yếu tố truyền thống. Điều này thể hiện các yếu tố truyền thống có tính bền vững nhất định, song dễ dung nạp các yếu tố mới (các yếu tố “ngoại sinh” và các yếu tố “tân sinh”, tức phát sinh mới) cho phù hợp.

Từ những vấn đề trên, cuốn sách chỉ ra một số hướng cần tập trung và đẩy mạnh nghiên cứu trong thời gian tới. Đó là, các loại hình làng, trong đó, có làng ven biển và hải đảo, các làng làm muối; làn sóng di dân và lao động từ nông thôn ra đô thị khả năng hội nhập của người nông dân với kinh tế thị trường, với lối sống đô thị; các hiện tượng tôn giáo mới; việc xây dựng hệ thống chính trị, phương thức quản lý ở các làng quê đã chuyển đổi hoàn toàn về cơ cấu kinh tế (đất đai canh tác không còn, kinh tế nông nghiệp tồn tại rất mờ nhạt). Đấy cũng chính là những gợi ý cho các nhà quản lý, các cơ quan chuyên môn các cấp cần quan tâm hơn nữa đến những vấn đề nổi bật của nông thôn, nông nghiệp và người nông dân hiện nay.

 
Theo Ninh Cơ - Thời Nay
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng