Tạp chí Sông Hương -
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng: Tăng cường nội lực, bản lĩnh văn hóa để đẩy lùi cái xấu
14:30 | 14/06/2021

Trong loạt bài Chẩn trị “rác văn hóa” (Báo SGGP đăng từ ngày 6-6 đến 9-6) đã nêu ra nhiều mặt của văn hóa trong giai đoạn hiện nay, trong đó nhấn mạnh: tác động của “rác văn hóa” như một mạch chảy ngầm, không thể hiện ngay lập tức nhưng hậu quả để lại rất nặng nề, nhất là đối với người trẻ.

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng: Tăng cường nội lực, bản lĩnh văn hóa để đẩy lùi cái xấu
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: MAI AN

PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL, để làm rõ thêm những vấn đề về văn hóa mà Báo SGGP đã đề cập. 

* PHÓNG VIÊN: Nói đến văn hóa, nhiều người mặc định đó là giải trí, showbiz… Phải chăng sự nhiễu loạn trong hưởng thụ văn hóa khiến giá trị văn hóa bị bóp méo?

* Bộ trưởng NGUYỄN VĂN HÙNG: Thực tế thời gian qua đã có các hiện tượng văn hóa tầm thường, dễ dãi, thị trường lại thu hút được một bộ phận người xem quan tâm, sự “vàng thau” lẫn lộn trong hưởng thụ văn hóa là điều đáng được quan tâm.

Bộ VH-TT-DL đã đánh giá và thẳng thắn chỉ ra các khó khăn, vướng mắc thuộc về thể chế và nguồn lực; các tồn tại, hạn chế về công tác tham mưu, quản lý nhà nước của ngành, đồng thời phát hiện, nhận thức sâu sắc hơn về các thách thức như: Những tác động tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, của quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng tới ngành VH-TT-DL; môi trường văn hóa còn diễn biến phức tạp, có biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục, xuống cấp về đạo đức, lối sống…

Mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự tác động của quá trình hội nhập quốc tế dường như thúc đẩy lối sống chạy theo vật chất, đồng tiền, đề cao các giá trị hình thức bề ngoài. Do vậy, nhiều người, đặc biệt là một bộ phận giới trẻ bị cuốn theo những gì phù phiếm bề nổi, mà coi nhẹ các giá trị thực chất, bên trong. Nếu các tổ chức, cá nhân không có đủ nội lực văn hóa, bản lĩnh văn hóa sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa bên ngoài “chi phối”. 

Tinh thần lấy cái đẹp để dẹp cái xấu chưa được thực hiện nghiêm túc, những thông tin tích cực, gương người tốt việc tốt chưa được truyền thông mạnh mẽ, trong khi các tin bài giải trí thông tục, giật tít, câu view có tần suất gia tăng, ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng, thị hiếu, thẩm mỹ của công chúng, dẫn tới tình trạng “nhờn cảm xúc”, thái độ vô cảm trong xã hội hiện nay.

* Có ý kiến cho rằng, cần tăng cường sức đề kháng, dựng “lá chắn” văn hóa đủ mạnh để người dân, đặc biệt là giới trẻ có thể phân định được lằn ranh giữa sáng tạo và phản cảm? 

* Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Văn hóa soi đường quốc dân đi”. Thực hiện tư tưởng của Bác về văn hóa, qua các kỳ đại hội Đảng, lĩnh vực văn hóa đã được Đảng, Nhà nước điều chỉnh bổ sung phù hợp với tinh hình thực tế, trong đó xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là việc làm thường xuyên, liên tục, có hệ thống nhằm bồi đắp nội lực cho sự phát triển của đất nước, sự trường tồn của dân tộc. Đây cũng là điều kiện để chúng ta có được “sức đề kháng”, một tấm “lá chắn” vững vàng để hội nhập, làm giàu thêm sự đa dạng văn hóa mà không đánh mất bản sắc, không ngừng đóng góp cho những giá trị chung chân  - thiện - mỹ của nhân loại. 

Chính vì vậy, thời gian tới phải xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo đảm mọi thành viên của cộng đồng được phát triển các năng lực sáng tạo. Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách… 

Khi nhiệm vụ xây dựng văn hóa trở thành thường trực, nền tảng văn hóa được hình thành tự nhiên, tự nguyện trong mỗi cộng đồng, trong mỗi người, đặc biệt là giới trẻ thì khả năng chọn lọc cái tinh tế, tốt đẹp, định vị bản thân, giá trị, bản sắc dân tộc gắn với khát vọng hội nhập, cống hiến sẽ trở thành lá chắn mềm loại trừ cái phản cảm, lố lăng và đó là chính là biểu hiện thuyết phục nhất của sức mạnh nội sinh văn hóa.
 

* Từ những hiện tượng về văn hóa mà Báo SGGP đã nêu ra trong nhiều bài viết, theo ông, cần phải có giải pháp gì để thanh lọc, loại bỏ “căn bệnh” đang mỗi ngày làm hình ảnh văn hóa trở nên biến dạng, méo mó?

* Nhìn chung, các giải pháp phải đồng bộ, vừa “chống” vừa “xây”, vừa cảm hóa, giáo dục bằng “văn trị”, “đức trị”, vừa xử lý nghiêm bằng “pháp trị” theo đúng quy định của pháp luật. Tập trung nguồn lực thỏa đáng, phát triển các lĩnh vực nghệ thuật, nhất là các loại hình nghệ thuật thúc đẩy phát triển nền văn hóa dân tộc và phát huy giá trị con người Việt Nam.

Về mặt “xây” phải có thêm nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật vừa có giá trị nội dung tốt, vừa có giá trị nghệ thuật cao, đủ sức giáo dục, thu phục nhân tâm, hướng con người đến chân - thiện - mỹ. Gần đây, những bộ phim như Về nhà đi con, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Bố già đã có sức cuốn hút khán giả và tác động xã hội mạnh mẽ. 

Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền, quảng bá những tấm gương tốt, hành động đẹp trong xã hội, đi đôi với động viên, khen thưởng kịp thời; xây dựng và nhân rộng các điển hình xuất sắc tạo sự lan tỏa cho xã hội noi theo. Thực hiện đồng bộ giữa truyền thông về cơ chế, chính sách với tuyên truyền, vận động, truyền cảm hứng cho người dân hiểu. Nâng cao hiệu quả giáo dục tri thức văn hóa, ứng xử văn hóa trong nhà trường và các gia đình...

Về mặt “chống”, cần phát huy vai trò của dư luận xã hội, các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như các tác phẩm văn học nghệ thuật trong việc lên án cái xấu, cái ác, cái phản văn hóa.

Cùng đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên tất cả lĩnh vực quản lý của ngành, bảo đảm môi trường văn hóa phát triển lành mạnh. Nghiêm khắc chấn chỉnh, xử lý các văn nghệ sĩ có các tác phẩm vi phạm thuần phong mỹ tục, phản nhân văn, các hành vi sai trái làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh, tên tuổi giới văn nghệ sĩ. 

Hơn lúc nào hết, ngành văn hóa rất cần sự chung tay của toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước để văn hóa Việt Nam ngày càng phát triển.

Theo Mai An - SGGP

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng