Trao đổi với Thanh Niên, nhà thơ Vũ Quần Phương (ảnh), Chủ tịch Hội đồng thơ, thành viên nhóm tuyển chọn cho biết: - Sang năm là năm thứ 10 của thế kỷ 21, và chúng ta đã có độ lùi 10 năm để nhìn lại những thành tựu thơ ca của thế kỷ 20, do vậy Hội Nhà văn Việt Nam quyết định làm tuyển Thơ Việt Nam thế kỷ 20, tính từ năm 1901 cho đến năm 2000. Như vậy trong tuyển thơ này có thể chọn cả các nhà thơ cổ điển trung đại viết bằng chữ Hán và chữ Nôm như Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Đào Tấn..., vì họ đã có những sáng tác thơ vào thập niên đầu của thế kỷ 20.
* Việc tuyển chọn các nhà thơ Việt Nam thế kỷ 20 sẽ theo những giai đoạn nào, thưa ông? - Nhìn lại thơ ca của thế kỷ này, thấy có 3 giai đoạn rõ nét: trước năm 1945 (giai đoạn thuộc Pháp); 1945-1975 (giai đoạn chiến tranh giành độc lập, thống nhất nước nhà); sau 1975 (giai đoạn nước Việt Nam thống nhất và độc lập). Chúng tôi cũng sẽ chọn ra các nhà thơ tiêu biểu của từng giai đoạn. * Thưa ông, đặc điểm của nền thơ Việt Nam qua các giai đoạn này ? - Có thể nói tuyển thơ này là một công trình nghiên cứu những đặc điểm thơ của Thơ Việt Nam thế kỷ 20, trước mắt có thể thấy ngay mấy yếu tố lớn: thứ nhất là chủ nghĩa yêu nước - một chủ đề xuyên suốt qua các giai đoạn thi ca, nhất là thời kỳ chiến tranh cứu nước, đến mức độ có nhà thơ nói rằng: “Ở cái thời này mà lập thân dựa vào văn chương là nhân cách thấp vì văn chương không bao giờ là mục đích tự thân". Đặc điểm lớn thứ hai là bước chuyển lớn của thơ Việt Nam đầu thế kỷ 20 sang thơ hiện đại mà phong trào Thơ mới 1930-1945 đã ghi dấu những đổi thay đó. * Vậy tại sao nhiều người trong số 45 nhà thơ của phong trào thơ mới trong cuốn Thi nhân Việt Nam vắng mặt trong Thơ Việt Nam thế kỷ 20? - Vì những nhà thơ ấy không phải là những gương mặt tiêu biểu của phong trào thơ mới 1930-1945. Có nhà thơ được chọn in nhiều bài vì thơ họ xuất hiện khá đặc sắc ở các giai đoạn khác nhau. Ví dụ như nhà thơ Chế Lan Viên chẳng hạn, trước cách mạng anh cũng có thơ, trong thời gian chiến tranh cứu nước anh cũng có thơ, và giai đoạn hòa bình sau này anh ấy cũng có nhiều thơ. Đến khi mất rồi, Chế Lan Viên vẫn còn để lại nhiều di cảo thơ. Còn những nhà thơ có sáng tác mỏng hơn thì sẽ chọn ít bài hơn. * Ông ước chừng sẽ có bao nhiêu nhà thơ Việt Nam có thơ được tuyển chọn vào tuyển Thơ Việt Nam thế kỷ 20? Các nhà thơ trẻ được tuyển chọn như thế nào ? - Sẽ tuyển chọn in thơ của khoảng vài trăm người, vì đây là tuyển tập chính thức đầu tiên của Hội Nhà văn VN nên cách làm cũng rộng. Tuy vậy số lượng bài cũng có đậm - nhạt tùy từng người, tùy vào sự đóng góp của họ cho nền thơ VN. Những nhà thơ trẻ sang thập niên đầu của thế kỷ 21 mới được khẳng định thì sẽ dành họ cho tuyển Thơ Việt Nam thế kỷ 21, chúng tôi chỉ chọn các nhà thơ trẻ tiêu biểu xuất hiện vào thập niên cuối của thế kỷ 20. * Tuyển thơ này có mặt đầy đủ các khuynh hướng nghệ thuật thơ khác nhau của thế kỷ 20 hay không? - Chúng tôi cố gắng ghi nhận các khuynh hướng nghệ thuật thi ca trong một thế kỷ. Chúng tôi cố gắng về mặt học thuật để đưa các khuynh hướng nghệ thuật thơ khác nhau và các tác giả phải tự chịu trách nhiệm trước độc giả. Có khuynh hướng mà tôi không tin rằng nó có tương lai, nhưng tác giả đang có những thể nghiệm với thời gian thì để thời gian kết luận chứ không nên một cá nhân nào kết luận về họ. Chúng tôi chọn một số khuynh hướng thể nghiệm đã có độc giả vì nền thơ của chúng ta hiện đang mở ra. Theo Nguyễn Việt Chiến - TN |