Tạp chí Sông Hương -
Đồng cảm với nỗi đau da cam
15:21 | 28/07/2009
63 ảnh tư liệu của hai nhà nhiếp ảnh Nhật Bản là Nishimura Yoichi và Yasufumi Murayama tại triển lãm "Nỗi đau chiến tranh ở VN" (diễn ra từ 27.7- 27.8 tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TPHCM) tràn đầy nỗi cảm thông sâu sắc với những người VN-nạn nhân chất độc da cam.
Đồng cảm với nỗi đau da cam
Ông Nishimura Yoichi tặng bộ sưu tập ảnh cho Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM. Ảnh: Â.T.

Buổi sáng khai mạc triển lãm, ông Nishimura, 67 tuổi, không kìm được nỗi xúc động, tâm sự: "Tôi đến với các bạn bằng tấm lòng chân tình của một ông già "nhà quê" - ở Awaji - vùng đảo nhỏ của Nhật Bản. Đời người đàn ông Nhật có một sự kiện quan trọng là đám cưới. Triển lãm hôm nay, với tôi là sự kiện quan trọng thứ hai của cuộc đời. Tôi rất mong nhiều người xem triển lãm để biết rằng, ở VN vẫn còn rất nhiều những nỗi đau mang tên "Nỗi đau da cam".

Năm 1995, sau một trận động đất lớn xảy ra ở đảo Awaji, ông Nishimura bắt đầu biết đến VN khi đọc một cuốn sách viết về bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Làng Hoà Bình ở Bệnh viện Từ Dũ,... Nghỉ hưu, 2003, ông lên đường sang VN để tìm hiểu chiến tranh VN, nạn nhân chất độc da cam. Từ đó đến năm 2007, ông dạy tiếng Nhật, toán cho trẻ khuyết tật tại Làng Hoà Bình-Từ Dũ và đi khắp VN gặp gỡ, chụp hình các nạn nhân chất độc da cam.
 
"Số người tôi được phép chụp lên tới 1 vạn người. Mỗi lần đi thu thập hình ảnh, tôi lại gặp những con người mang dị tật và căn bệnh bị nhiễm độc mà trước đó chưa thấy bao giờ. Tình trạng thực tế của các nạn nhân chất độc da cam ở VN vốn như thế nào, quả thật không thể tưởng tượng được..." - ông cho biết. Năm 2009, tại Nhật Bản, ông xuất bản cuốn "Chất độc da cam ở Việt Nam".

Những bức hình của hai nhà nhiếp ảnh Nhật Bản đã dấy lên sự cảm động nơi người xem. "Chiến tranh VN đến nay kết thúc đã 34 năm, nhưng tôi vẫn thường gặp rất nhiều người phải trải qua cuộc sống thường ngày cùng với những vết thương lớn trong tim. Nhiều người tôi gặp đã sống bằng cả sự nỗ lực, nén đi những nỗi đau đớn cùng nụ cười tràn trề.

Tôi cảm nhận và chia sẻ những nỗi đau của các nạn nhân chiến tranh, nạn nhân chất độc da cam. Chúng ta đừng để những thảm cảnh như Hiroshima, chiến tranh VN lặp lại thêm một lần trên thế giới" - ông Yasufumi Murayama (41 tuổi) - nói.

Từ khi còn là sinh viên Trường ĐH Ritsumeikan (Kyoto), ông Murayama đã tích cực tham gia các chương trình hoạt động vì hoà bình, phối hợp với Bảo tàng Vì hoà bình thế giới Kyoto tổ chức nhiều triển lãm ảnh về chiến tranh VN tại Nhật Bản. Biết tới VN từ năm 1998, ông đã tới VN 28 lần, thực hiện bộ ảnh VN thời hậu chiến.
 
"Biết đến hậu quả nặng nề của cuộc chiến VN qua những tấm ảnh, nhân dân thế giới có thể đồng cảm và từ đó giúp đỡ nhân dân VN khắc phục khó khăn" - ông Murayama nói".

"Triển lãm này đặc biệt ý nghĩa bởi ngày 10.8 tới là ngày toàn quốc ủng hộ nạn nhân chất độc da cam. Hai nhà nhiếp ảnh Nhật chụp ảnh bằng cả trái tim. Những người đến xem, cũng xem, chia sẻ bằng tất cả trái tim mình" - bà Huỳnh Ngọc Vân - GĐ Bảo tàng Chứng tích chiến tranh - cảm nhận. Hai nhà nhiếp ảnh đã trao tặng cho BT bộ sưu tập ảnh này. 

Theo Thùy Ân - LĐ
Các bài mới
Các bài đã đăng