Tạp chí Sông Hương -
90 năm bản Dạ cổ hoài lang
16:51 | 29/07/2009
90 năm bản Dạ cổ hoài lang là hội thảo diễn ra tại trường CĐ Sân khấu điện ảnh TP.HCM vào sáng nay (29.7) do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức.
90 năm bản Dạ cổ hoài lang
Các nghệ sĩ biểu diễn tại Hội thảo "90 năm bản Dạ cổ hoài lang" - Ảnh: Tuấn Long

Những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu cũng như những tư liệu lưu giữ về sự đóng góp của các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ đã đóng góp cho quá trình phát triển của bản Dạ cổ hoài lang đã được trưng bày ở Hội thảo.

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của nhiều tên tuổi trong làng văn hóa nghệ thuật như GSTS âm nhạc Trần Văn Khê, NSND Diệp Lang, NSND Huỳnh Nga, NSƯT Ngọc Giàu, NSƯT Thanh Thanh Tâm, NS Quế Trân... Đặc biệt, con trai thứ 6 của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu là ông Cao Văn Bỉnh cũng có mặt.

Những tham luận của các nhà nghiên cứu, soạn giả, nhạc sĩ,... tại hội thảo đã thêm một lần nữa khẳng định giá trị bất tử của bản Dạ cổ hoài lang.

Ông Nguyễn Văn Tấn - đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại TP.HCM phát biểu: "Bài học lớn nhất của người nghệ sĩ khi sáng tác danh tác này là đạt tới trạng thái "vô nhiễm" trước danh, quyền và lợi khi thực hiện sứ mệnh sáng tạo nghệ thuật của mình".

Được biết, tỉnh Bạc Liêu đã có những ghi nhận, tôn vinh người nhạc sĩ tài hoa này như đặt tên ông cho con đường tại thị xã, rạp hát và đoàn Cải lương Cao Văn Lầu, Hội thi giọng ca cải lương Cao Văn Lầu. UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đã xếp hạng Khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh Bạc Liêu cũng thành lập Giải thưởng Cao Văn Lầu nhằm khuyến khích những tập thể, cá nhân có công phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Cũng nhân kỷ niệm 90 năm ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang (1919 - 2009), UBND tỉnh Bạc Liêu sẽ tổ chức Lễ hội Dạ cổ hoài lang từ ngày 29.9 - 3.10.2009 tại tỉnh Bạc Liêu.

Theo Duy Thủy - TN

Các bài mới
Các bài đã đăng