Tạp chí Sông Hương -
Cộng sinh giá trị trong cộng đồng
08:47 | 09/07/2021

Phá bỏ và xây mới tiêu hao rất nhiều năng lượng, lãng phí nguyên nhiên liệu và gây ô nhiễm môi trường. Việc chuyển đổi công năng công trình cũ nên được ưu tiên. Vấn đề là công trình ấy sẽ được biến đổi công năng như thế nào trong tương lai để mang lại giá trị cho xã hội.

Cộng sinh giá trị trong cộng đồng
Cải tạo từ nhà máy in cũ, Complex 01 Tây Sơn, Hà Nội, hiện là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật kết nối nghệ sĩ với giới trẻ

Bảo tồn và tái sinh

Câu chuyện chuyển đổi những không gian cũ hay xây dựng một không gian sáng tạo mang lại giá trị cho cộng đồng không còn mới ở Việt Nam, và đây cũng là xu thế tất yếu của kiến trúc trên thế giới. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, trên cả nước vẫn có rất nhiều công trình bị phá bỏ gây tiếc nuối cho các kiến trúc sư và cộng đồng. Không phủ nhận, sự thay thế bởi những siêu thị, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí... đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân, nhưng theo nhiều chuyên gia, đó chỉ là sự thay đổi ngắn hạn, không thực sự “kinh tế” về lâu về dài.

KTS. Mai Hưng Trung nêu thực tế đang diễn ra ở hầu khắp châu Âu, sau thời gian dài đúc rút kinh nghiệm, họ nhận ra tính ưu việt về thời gian thi công, lợi ích về tài nguyên, môi trường khi lựa chọn bảo tồn và tái sử dụng các công trình, thay vì đập đi, xây mới. Thành công ở Pháp là một điển hình, khi rất nhiều công trình cũ được gìn giữ, làm nền móng chuyển đổi thành các không gian mới mang lại nhiều giá trị hơn.

“Tất nhiên, tái sử dụng các công trình cổ có giá trị lịch sử cao là hiển nhiên không cần bàn cãi, nhưng với kiến trúc hiện đại, để tư duy được như vậy khá khó vì kiến trúc ấy vốn sinh ra để đáp ứng nhu cầu nhanh về nhà ở, gắn với các cuộc di dân lên phố, ít có tính độc bản nên việc thuyết phục bảo tồn cải tạo là khó khăn”. Nhận định như vậy, KTS. Mai Hưng Trung liên hệ với Việt Nam, trước thực trạng rất nhiều “di sản” công nghiệp, nhà tập thể bị khai tử sau mấy chục năm sử dụng, mặc dù chúng vẫn có giá trị lịch sử, kiến trúc cần được bảo tồn. Càng đáng tiếc hơn, khi cộng đồng hầu như không nhận ra điều đó.

Cũng xuất phát từ góc nhìn của các không gian được chuyển đổi từ những công trình cũ trên thế giới, KTS. Đoàn Kỳ Thanh - người sáng lập, tiên phong trong việc hình thành ý tưởng xây dựng những không gian sáng tạo cho thành phố như Zone 9, X98, Creative city - cho rằng, một vấn đề quan trọng trong chuyển đổi công năng là tạo ra các không gian sáng tạo làm tăng giá trị cho xã hội. Con đường tạo nên giá trị gia tăng ấy đã được tìm ra, bằng cách tạo cho những công trình ấy những lý do đủ thuyết phục rằng bảo tồn chuyển đổi đem lại nhiều lợi ích hiệu quả tốt hơn so với đập đi xây mới.

“Tuy nhiên, để làm được điều này, các không gian đó cần có các hoạt động, sự sống. Vậy nên, khi đặt bút quyết định chuyển đổi không gian hay xây dựng mới, phải làm thế nào để thu hút cộng đồng tham gia, trở thành nhân tố quyết định sự sống của không gian đó”, KTS. Đoàn Kỳ Thanh nói.
 

Tạo dựng hệ sinh thái sống

Hạ tầng thúc đẩy sáng tạo trở thành đề tài “nóng” gắn liền với vấn đề phát triển không gian văn hóa sáng tạo mà nhiều thành phố ở nước ta đang hướng tới. Nói về việc khơi nguồn cho hoạt động khởi nghiệp, thu hút đầu tư vào mô hình chuyển đổi, phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo, ông Nam Đỗ - Chủ tịch UPGEN Việt Nam - nhắc lại mục đích quan trọng của việc xây dựng hay chuyển đổi bất kỳ công trình nào là mang lại giá trị xã hội. Có điều, đối với nhiều nước, khi giá trị này là tài chính thì việc xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo sẽ rất khó, mặc dù không ai phủ nhận rằng các không gian này cũng mang lại hiệu quả kinh tế nhất định. “Trong một loạt giá trị xã hội, với nhiều chính quyền, chủ đầu tư, giá trị hiện diện là tiền. Vậy thì vấn đề này càng khó đối với cộng đồng sáng tạo khởi nghiệp, khi giá trị mà họ hướng đến là tạo ra nhiều nền tảng giá trị khác, còn lợi nhuận không thể được tính trong ngày một ngày hai”.

Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, không gian văn hóa sáng tạo vẫn có đất sống một khi tạo dựng được hệ sinh thái gắn với cộng đồng. Liệu không gian văn hóa sáng tạo có tạo ra hiệu quả kinh tế không? Mô hình kinh tế sáng tạo có tạo ra dòng tiền hay không? Câu trả lời của KTS. Đoàn Kỳ Thanh là có. Ông phân tích ba yếu tố để một đô thị, một di sản, hay một công trình hoạt động là: hình, lý và khí, đi liền với dấu ấn về không gian, thời gian và cuộc sống của con người. Trong đó, con người là quan trọng nhất, tác động trực tiếp đến sự gia tăng giá trị kinh tế.

“Tạo ra được hệ sinh thái hài hòa, có sự tham gia của cộng đồng thì kể cả trên nền công trình cũ, không gian văn hóa sáng tạo vẫn hoạt động hiệu quả. Thực tế, nhiều đơn vị bỏ tiền ra làm các sân khấu thực cảnh, mời nghệ sĩ tham gia, nhưng cuối cùng nó vẫn chỉ là sân khấu khi không tồn tại sức sống của cộng đồng trong đó. Ngược lại, chính việc tạo ra không gian kết nối những người làm sáng tạo, trao cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc, hợp tác trong cùng một cự ly vật lý, để các tổ chức ở gần nhau, hỗ trợ, hợp tác, đầu tư cho nhau, sẽ giúp không gian văn hóa sáng tạo đem lại giá trị cộng hưởng mạnh mẽ”, KTS. Đoàn Kỳ Thanh nhận định.

Theo Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, PGS. TS. KTS. Phạm Thúy Loan, cộng hưởng ở đây đến từ cảm hứng về không gian, ký ức ở một khu vực, mà việc trở thành không gian văn hóa sáng tạo đã giúp nó bảo lưu được tốt nhất. May mắn là ở hầu hết thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh... những địa chỉ như thế đang tồn tại, vẫn chờ đợi cơ hội được thổi luồng sinh khí mới. Cơ hội đó đến từ sự thận trọng đánh giá, cân nhắc nhiều yếu tố trước khi xóa bỏ hay di dời một công trình cũ nào, vì có thể, nó như nền tảng quý báu để hiện thực hóa các không gian và cộng đồng sáng tạo.

 
Theo Thái Minh - ĐBND
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng