Tạp chí Sông Hương -
Cổ vật trên đất Tây Đô
08:26 | 31/07/2009
Họ là những nghệ nhân thuộc đủ lứa tuổi, nhiều ngành nghề khác nhau nhưng có chung một niềm đam mê: Thú chơi cổ ngoạn. Tập hợp lại trong Chi hội Di sản văn hoá Việt Nam TP.Cần Thơ, các nhà sưu tập đồ cổ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm thông qua các lần giao lưu, tham quan khắp nơi từ Bắc vào Nam...
Cổ vật trên đất Tây Đô
Ông Nam và độc bình lục giác 4 tầng thời Lê - Trịnh

Cái duyên... bất ngờ!

Ông Phan Tấn Nam - Chi hội trưởng Chi hội Di sản văn hoá Việt Nam TP.Cần Thơ (CHDSVH) - cho biết, đồ cổ thường là độc bản. Chính ông đã ra thông báo biếu 10.000 USD cho người  có 2 tượng ngọc thuộc dòng văn hoá Nam Trung Quốc (niên đại cách nay 2.200 năm) và  trao giải 2.000USD cho bất kỳ ai sưu tập được 4 đèn Lục triều, Tuỳ Đường hoặc 2 pho tượng đồng, đá văn hoá Phù Nam và Angkor giống như hiện vật tại nhà ông, nhưng đến nay đã nhiều năm vẫn chưa có ai dám đến đăng ký.

Ông Nam đến với cổ vật như một cái duyên bất ngờ! Quê ở huyện Châu Thành (Long An), từ năm 1980 - 1989, ông tham gia giảng dạy bệnh học ngành thú y, sau đó cuới vợ về Cần Thơ mở cửa hàng thú y thuỷ sản đến nay. May mắn đối với ông là có cha vợ người gốc Hoa mang theo nhiều vật gia bảo từ Triều Châu sang Việt Nam định cư và chính chàng rể này lại là “truyền nhân” duy nhất của gia đình.
 
Khởi đầu ông Nam chơi đồ gỗ, tiêu biểu có bộ ghế trắc cuốn thư (lưng lộng quyển sách) chạm trổ kiểu trúc cuốn thư (Trung Quốc). Dần dà, nhờ giao du với ông Mẫn, ông Đoàn, ông “tiêm nhiễm” thú chơi này lúc nào không biết. Hiện nay, ông Nam  có trên 100 món đồ cổ  gồm các loại men độc sắc, tượng đá, đồng, độc bình đời Minh, Thanh.

Những người  bảo tồn vốn cổ

Trong đợt triển lãm cổ vật ở Bảo tàng TP.Cần Thơ mới đây, nhiều người chú ý đến bộ sưu tập của ông Trần Anh Huy, gồm những vật dụng sinh hoạt hàng ngày mang phong cách Châu Âu như mâm làm từ nước Anh, bình dùng nấu cà phê của lính hải quân, hộp đồ trang điểm....

Tất cả đều làm từ chất liệu bằng bạc. Ông Võ Minh Mẫn - Chi hội phó CHDSVH - là người chuyên sưu tập đồ sứ men lam Huế với những món độc đáo của Việt Nam từ thế kỷ XIX. Ông đã nhiều năm sưu tập tiền, bình, tô, chén, móc tai, nút áo với chất liệu bằng vàng từ thế kỷ 17-19 của Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Campuchia...

Trong hàng trăm món cổ vật được anh bày biện trong  gian phòng trưng bày cổ vật của Bảo tàng Cần Thơ, có ba loại được du khách quan tâm nhiều  là bình vôi, khay trầu rượu, bộ kỷ trà chạm trổ hình “Rồng uốn lượn” và “Dơi ngậm tụi” cùng những chiếc đồng hồ cổ độc đáo chưa từng thấy ở miền Tây Nam Bộ.

Theo truyền thống của người Hoa, Dơi gọi là Bức, gần âm với từ Phúc, Tụi là tiền. Tìm hiểu hoa văn trang trí giúp người xem hiểu rõ đặc điểm của từng thời; từ những bức tranh phong cảnh sơn thuỷ, hoa lá, chim, cá đến những nhân vật điển tích... Tất cả đều được diễn tả sinh động qua tài năng bố cục, đường nét, ngụ ý, biểu tượng với nhũng nội dung cụ thể. Khách tham quan có thể tìm thấy ít nhiều tri thức về một vốn cổ khi tham quan các bộ sưu tập của các nhà sưu tập thành viên Chi hội Di sản văn hóa VN TP.Cần Thơ...

Theo Nguyễn Hà Phương- LĐ
Các bài mới
Các bài đã đăng