Tạp chí Sông Hương -
Có một “tuyến đầu” của nhà văn thành phố
14:51 | 06/08/2021

Bằng những cách khác nhau, các nhà văn của thành phố đã và đang chung tay tham gia phòng chống dịch Covid-19. Từ trực tiếp tham gia công tác thiện nguyện cho đến tìm kiếm chất liệu để có những tác phẩm gắn liền với đời sống người dân trong những ngày này.

Có một “tuyến đầu” của nhà văn thành phố
Nhà văn Bích Ngân trao tặng 100 triệu đồng cho đại diện của Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức

Không còn đứng ngoài cuộc

Nhà văn trẻ Nguyễn Duy Quyền (tác giả của các đầu sách: Quên được cứ quên, Tiệm ký gửi nỗi buồn, Còn quá nhiều thứ để thương, Sài Gòn trong Sài Gòn…) làm trong một công ty cung ứng dịch vụ y tế cho các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp. Khi dịch Covid-19 bùng phát, anh cùng cộng sự tham gia vào quy trình xử lý sau khi xét nghiệm và đưa bệnh nhân về đúng tuyến điều trị, cũng như điều tra dịch tễ và truy vết.

Tạm xa cuộc sống yên bình trước đây, nhà văn Nguyễn Duy Quyền chuyển đến khách sạn để sống cùng đồng đội trong vùng xanh. “Từ những ngày đầu của dịch Covid-19, không chỉ riêng tôi mà cả ngành y tế đều gặp khó khăn, với lượt bệnh tăng cao và nhanh, khiến khối lượng công việc tăng theo đáng kể. Ngày nào chúng tôi cũng làm việc 8 giờ liên tục, có những ngày lên tới mười mấy giờ”, anh Quyền chia sẻ.

Không trực tiếp tham gia vào tuyến đầu như nhà văn Nguyễn Duy Quyền, nhà văn Phương Huyền, Trưởng ban Truyền thông, Hội Nhà văn TPHCM, lại đứng ra kêu gọi, quyên góp tiền và nhu yếu phẩm để gửi đến những người lao động đang gặp khó khăn. Sau thời gian kêu gọi, đến nay nhà văn Phương Huyền đã nhận được hơn 375 triệu đồng cùng 12 tấn gạo, 820 thùng mì; thêm trứng, sữa, cá khô và rau củ từ các nhà hảo tâm. Không chỉ TPHCM, nhiều người lao động và công nhân ở Bình Dương biết đến Phương Huyền cũng nhắn tin bày tỏ được hỗ trợ.

“Tôi thường nhận tin kêu gọi từ mọi người rồi liên lạc xác minh, nhờ địa phương hỗ trợ. Khi không thể trực tiếp trao quà thì tôi nhận nhiệm vụ điều phối hàng hóa qua các tình nguyện viên, sắp xếp cho xe đưa hàng xuống các nơi”, nhà văn Phương Huyền cho biết.

Chỉ trong thời gian ngắn, Ban Nhà văn nữ, Hội Nhà văn TPHCM đã vận động và quyên góp được 130 triệu đồng từ các hội viên cũng như các tấm lòng hảo tâm ở trong và ngoài nước. Số tiền này đã được quy thành 8 tấn gạo để gửi tặng đến những hoàn cảnh khó khăn thông qua 7 quán cơm xã hội Nụ cười và các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố.

Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, đã đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức trao 100 triệu đồng góp sức cho đội ngũ y bác sĩ đang điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại đây. Đây là tấm lòng của 40 tác giả, là các nhà văn tại TPHCM và gần xa đã chung tay đóng góp.

Chờ đợi những tác phẩm mới

Sau tiểu thuyết Sóng (đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn TPHCM năm 2019), nhà văn Trương Anh Quốc chưa ra mắt thêm tác phẩm nào. Vốn là kỹ sư điện làm việc trên biển nhưng những ngày này, anh ở nhà, thực hiện giãn cách để phòng chống dịch.

Nhà văn Trương Anh Quốc cho rằng: “Đây là một cuộc chiến lớn và dài hơi, người cầm bút cần thời gian để thấm mới có thể viết dài hơi. Rồi đây dịch Covid-19 sẽ chấm dứt. Tôi tin rằng tất cả các cây bút, không nhiều thì ít đều có cái gì đó viết về những vết thương, ám ảnh kinh hoàng mà dịch Covid-19 mang tới”.

Công việc bận rộn nhưng nhà văn Nguyễn Duy Quyền vẫn tranh thủ ghi lại những cảm nhận về công việc và những chuyện diễn ra quanh mình. Tất cả đều được anh cập nhật liên tục mỗi ngày trên trang cá nhân.

Theo chia sẻ của Nguyễn Duy Quyền, anh có ý định tập hợp những ghi chép này thành một tập tản văn và ký. Tuy nhiên, do vẫn phải làm việc trên hiện trường, nên anh chưa biết lúc nào sẽ xuất bản.

“Tôi không xem đây là đề tài, mà đây là cuộc sống của mình - một nhân viên y tế đang công tác tại tuyến đầu. Nếu muốn viết về cuộc sống quanh mình thì tôi buộc phải nhắc đến dịch Covid-19”, Nguyễn Duy Quyền cho biết.

Khá lâu rồi, nhà văn Phương Huyền chưa ra mắt sách mới. Khi được hỏi về những tác phẩm tiếp theo, nhất là trong bối cảnh đầy biến động như hiện nay, đang được xem là chất liệu quý giá cho những trang viết, chị tâm sự: “Covid-19 là đề tài lớn, và với một người làm xuyên suốt các hoạt động thiện nguyện (dù nhỏ) từ mùa này qua mùa khác như tôi hẳn đầy chất liệu để viết. Việc trao quà thường nhanh nhưng mấy việc tìm người, xác minh, mua hàng lại mất nhiều thời gian. Nhiều khi tôi cũng thèm viết lắm, nhưng hình như tôi vẫn ôm đồm quá thành ra tôi lại có lỗi với trang viết”.

Không thể phủ nhận dịch Covid-19 đã tác động đến muôn mặt của đời sống. Ở phương diện văn chương, đây chắc chắn sẽ là đề tài lớn để những người viết chiêm nghiệm, và như nhiều cây bút tại TPHCM chia sẻ, là họ cần thời gian nhưng chắc chắn sẽ có những tác phẩm phản ánh chân thực về những ngày dịch bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

Nhà văn Bích Ngân bày tỏ: “Chúng tôi xúc động khi được thấy nhiều nhà văn đã thể hiện sự chia sẻ của mình với khó khăn chung của thành phố, bởi lâu nay nhiều nhà văn chỉ biết cặm cụi bên trang viết. Hơn ai hết, nhà văn với sự nhạy cảm của người sáng tạo phải là người biết đau nỗi đau của mọi người, và của số phận con người”.



Theo Quỳnh Yên - SGGP

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng