Tạp chí Sông Hương -
Võ Văn Tần - Nhà cách mạng, yêu nước tiêu biểu
09:08 | 16/08/2021

Cả cuộc đời đồng chí Võ Văn Tần: “luôn phấn đấu không mệt mỏi vì nước, vì dân, luôn kiên định niềm tin son sắt vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, không ngừng trau dồi bản chất cách mạng của người cộng sản, phát huy hết trí tuệ sáng tạo, gắn bó máu thịt với nhân dân, tận trung với nước, với Đảng, thủy chung với đồng chí, đồng bào” (1). Đó là những đánh giá đúng với tầm vóc, công lao của đòn chí Võ Văn Tần, một nhà cách mạng thuộc lớp những người “mở đường” trong lịch sử đương đại Việt Nam, nhất là từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.

Võ Văn Tần - Nhà cách mạng, yêu nước tiêu biểu
Tượng đài đồng chí Võ Văn Tần ở Long An

SỚM THAM GIA CÁCH MẠNG

Võ Văn Tần sinh năm 1891 trong một gia đình nông dân nghèo, giàu truyền thống yêu nước tại làng Đức Hòa, quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn, nay là xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Sinh ra trong một gia đình mà cả song thân đều là những người yêu nước và tham gia tích cực các phong trào kháng Pháp của các sĩ phu Nam Bộ, Võ Văn Tần đã sớm hình thành tinh thần yêu nước. Thành phố Sài Gòn sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918) bắt đầu sôi động để trở thành đô thị sầm uất bởi người Pháp tiến hành khai thác thuộc địa. Võ Văn Tần đã rời quê nhà quê Sài Gòn kiếm sống và tìm đường hoạt động cách mạng. Ông đã dẫn theo người em trai của mình, Võ Văn Ngân. Cảm phục và bị thu hút từ nhà cách mạng trẻ tuổi Nguyễn An Ninh, cả hai anh em ông đều gia nhập Thanh niên Cao vọng Đảng (hay còn gọi là Hội kín Nguyễn An Ninh, là nơi tập hợp những trí thức, những người yêu nước đương thời ở Nam Bộ). Cuối năm 1926, Khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập ở Sài Gòn - Chợ Lớn, cả hai anh em ông đều tự nguyện tham gia bởi trước đó các ông đã được tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin. Từ khi tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Võ Văn Tần và Võ Văn Ngân đã đi tuyên truyền, gây dựng các cơ sở cách mạng đầu tiên ở Tân An và Chợ Lớn. sau khi Ban chấp hành Trung ương Lâm thời của An Nam Cộng sản Đảng ra đời ở Sài Gòn với đồng chí Châu Văn Liêm làm bí thư, đồng chí Võ Văn Tần đã được phân công làm Bí thư Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ở Đức Hòa. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, chi bộ này trở thành chi bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam ở địa phương này. Đây là chi bộ đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam ở tỉnh Chợ Lớn (nay là Long An). Một điều đặc biệt chi bộ này có 7 đồng chí thì riêng gia đình ông Võ Văn Tần đã góp mặt 3 thành viên là Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân và Võ Thị Phái. Khi Đảng bộ quận Đức Hòa thuộc tỉnh Chợ Lớn được thành lập do ông Võ Văn Tần làm bí thư thì 3 người anh em khác trong gia đình ông đều là quận ủy viên…

Chân dung đồng chí Võ Văn Tần (1891-1941)


NGƯỜI GIEO TRỒNG CÁC PHONG TRÀO CÁCH MẠNG

Kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930, một cuộc mít tinh, biểu dương lực lượng đã được các chi bộ của Quận ủy Đức Hòa tổ chức và lãnh đạo. Đây là cuộc biểu dương lực lượng đầu tiên ở vùng đất này do những người cộng sản lãnh đạo và tổ chức. Ngày 4/6/1930, một cuộc biểu dương lực lượng để đề đạt nguyện vọng và yêu sách do đồng chí Châu Văn Liêm - một trong 6 người tham gia Hội nghị thành lập Đảng - lãnh đạo đã bị thực dân Pháp khủng bố đàn áp, nhiều người bị bắt, bị giết hại, trong đó có đồng chí Châu Văn Liêm. Để tránh sự đàn áp và lùng sục của thực dân Pháp, ông Võ Văn Tần đã bí mật di chuyển về Hóc Môn và tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng ở vùng Chợ Lớn - Gia Định. Tháng 6/1931, đồng chí Võ Văn Tần được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn và năm 1932 được điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định. Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Gia Định, đồng chí đã mở rộng hoạt động và chỉ đạo xây dựng các tổ chức đảng ở nhiều địa phương vùng Tây Nam Bộ. Tháng 2/1934, Khi đồng chí Trần Văn Giàu lập lại Xứ ủy Nam Kỳ và lập Liên Tỉnh ủy Vàm Cỏ Đông, đồng chí Võ Văn Tần được cử làm Ủy viên Liên Tỉnh ủy Vàm Cỏ Đông. Trên cương vị này, ông đã xây dựng vùng Gia Đinh, nhất là địa bàn Bà Điểm trở thành căn cứ vững chắc của cách mạng. Sau nhiều lần bị đàn áp, giải thể và thành lập lại, năm 1935, Xứ ủy Lâm thời Nam Kỳ (Nam Kỳ Lâm thời chấp ủy) được thành lập do đồng chí Võ Văn Ngân làm Bí thư Xứ ủy và đồng chí Võ Văn Tần được cử vào ban lãnh đạo Xứ ủy. Sau khi em trai ông là Võ Văn Ngân bị bệnh và phải đưa về quê nhà điều trị, đồng chí Võ Văn Tần đã được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ thay thế nhiệm vụ này. Trong phong trào Dân chủ 1936 - 1939, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Võ Văn Tần, các phong trào cách mạng ở Sài Gòn - Gia Định đã diễn ra sôi nổi và mở rộng ra khắp miền Nam.

NGƯỜI CỘNG SẢN SẴN SÀNG DẤN THÂN, HY SINH VÌ TỔ QUỐC

Tháng 3/1938, Ban Chấp hành trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ năm tại làng Tân Thới Nhất, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định để bàn về việc thành lập Mặt trận Dân chủ Thống nhất Đông Dương, vấn đề tổ chức Đảng, vấn đề phòng thủ Đông Dương, vận động binh lính v.v…Tại hội nghị này, đồng chí Võ Văn Tần được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Trên cương vị là Thường vụ Trung ương Đảng và Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí trực tiếp tổ chức xây dựng lực lượng, tổ chức, lãnh đạo phong trào cách mạng ở sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và khắp các tỉnh thành miền Nam. Sau khi Mặt trận Bình dân Pháp tan vỡ, thực dân Pháp trở lại khủng bố gắt gao các phong trào cách mạng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bí thư Xứ ủy Võ Văn Tần, các tổ chức của Đảng Cộng sản Đông Dương rút vào bí mật. Tháng 11/1939, Hội nghị Trung ương sáu của Đảng họp tại Mười Tám thôn Vườn Trầu bàn về việc chuyển hướng chiến lược của cách mạng Việt Nam. Những đường lối lãnh đạo mới được thông qua từ hội nghị này đã được triển khai rộng khắp thống nhất toàn Nam Bộ và góp phần làm cho số lượng đảng viên của Đảng tăng lên nhanh chóng.

Trước sự lớn mạnh của các phong trào cách mạng, nhất là Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế, các tổ chức hội được thành lập ở nhiều nơi, thực dân Pháp đã ra tay khủng bố. Ngày 17/1/1940, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ bị bắt. Sau đó, tới cuối tháng 3/1940, lần lượt các nhà lãnh đạo của cách mạng như Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập đều bị địch bắt. Ngày 21/4/1940, đồng chí Võ Văn Tần bị mật thám Pháp bắt tại Hóc Môn - Gia Định. Khi biết đồng chí Võ Văn Tần là người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương ở Nam Kỳ, thực dân Pháp đã tìm đủ mọi thủ đoạn để mua chuộc và cả dùng cực hình để tra tấn. Thế nhưng, câu trả lời mà thực dân Pháp nhận được là: “Người cộng sản chúng tao không sợ chết đâu, chúng mày đừng giở trò vô ích”. Trong lao tù, Võ Văn Tần luôn nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất và khí tiết của người cộng sản, luôn động viên những người bạn tù về sự toàn thắng của cách mạng với lời nhắn nhủ: “Dẫu bị tra tấn, nhất định đừng khai báo. Cách mạng dẫu có khó khăn mấy nhưng nhất định thành công”. Tháng 11-1940, cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ, khi ấy Võ Văn tần đang chịu án tù và chờ ngày đi đày ra Côn Đảo cùng các đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn ra Côn Đảo. Tuy nhiên, ngày 25/3/1941, Tòa án Quân sự Sài Gòn đã kết án đồng chí Võ Văn Tần cùng nhiều lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương “chịu trách nhiệm tinh thần của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ” và đã tuyên án tử hình đồng chí Võ Văn Tần cùng nhiều nhà lãnh đạo khác của Đảng.

Ngày 28/8/1941, cùng với các Tổng bí Thư Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập; Xứ ủy viên Xứ ủy Nguyễn Hữu Tiến; Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn và nhiều nhà cách mạng khác đã bị thực dân Pháp xử bắn tại Hóc Môn - Gia Định. Trước khi đi xa, ông kịp dặn các đồng chí bằng những dòng chữ viết lên tường xà lim: “Thà mình chết, không khi nào mình giết chết phong trào cách mạng”. Võ Văn Tần đã đi đến trọn hành trình của một người cộng sản yêu nước. Sự hi sinh lẫm liệt của ông và các lãnh đạo Đảng khi ấy là một tổn thất to lớn đối với cách mạng Việt Nam. Song, khí phách kiên cường, niềm tin sắt đá mà các ông truyền lại đã thức tỉnh và xốc dậy cả một dân tộc để Nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và lãnh tụ Hồ Chí Minh vùng lên giành độc lập cho Tổ quốc trong cuộc cách mạng tháng Tám vĩ đại năm 1945./.

 

 

 

Theo tuyengiao.vn

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng