Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các phần mềm dịch thuật miễn phí và có phí ra đời ngày càng nhiều, hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển ngữ. Tuy nhiên, vai trò của dịch giả vẫn không thể thay thế, đặc biệt trong lĩnh vực xuất bản.
Phần mềm chỉ là công cụ
Không thể phủ nhận những tác động tích cực của công nghệ đến ngành dịch thuật khi hỗ trợ dịch nhanh hơn, tiết kiệm thời gian và công sức bằng một số công cụ hỗ trợ tích hợp nhiều ngôn ngữ. Công nghệ đã tạo ra sự khác biệt hoàn toàn so với dịch thuật truyền thống, khi tài liệu, ngôn ngữ phải lưu trữ bằng ghi chép thông thường hoặc bằng máy tính thủ công lúc chưa có phần mềm chuyên môn, thậm chí dựa vào trí nhớ của người dịch. Ngày nay, sử dụng phần mềm hỗ trợ, người dịch không phải gõ nội dung giống nhau lần thứ 2 bởi các phần mềm có bộ nhớ lưu lại. Khi được kế thừa từ bộ nhớ, nhiều nội dung, từ ngữ chuyên ngành sẽ được dịch tự động, đồng thời chúng cũng tạo ra tài nguyên dịch thuật dồi dào, liên tục cập nhật.
Chia sẻ tại workshop trực tuyến “Hướng đi cho ngành dịch thuật trong thời đại 4.0” cuối tuần qua, dịch giả Lê Vân, người có 20 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực dịch thuật, cho rằng: Công nghệ tác động nhiều tới công việc của người làm dịch thuật, đặc biệt là với các ngôn ngữ thông dụng như tiếng Anh. Người dịch phụ đề phim không thể thiếu phần mềm làm phụ đề, phần mềm dịch máy hỗ trợ cho công việc của nhóm làm việc có thể thống nhất về thuật ngữ, các khối tài liệu lớn có thể nhất quán văn phong. Ứng dụng công nghệ cũng hỗ trợ người dịch tìm kiếm và đánh giá thông tin... Tuy nhiên, máy móc hiện đại đến đâu cũng chỉ là công cụ, con người vẫn giữ vai trò trung tâm của quá trình dịch thuật.
Còn theo ThS. Lê Huy Hoàng, giảng viên Khoa tiếng Trung Quốc, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, ứng dụng công nghệ đã len lỏi sâu, thậm chí chi phối nhiều hoạt động, trong lĩnh vực xuất bản, dịch thuật cũng vậy. Các công cụ đang phát triển có thể giúp việc chuyển ngữ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, dịch thuật là một công việc hết sức con người. Từng dịch nhiều sách khoa học thường thức, tác phẩm văn học... ThS. Lê Huy Hoàng cho biết: “Tôi không sử dụng phần mềm để dịch sách, vì sau khi dùng bản dịch của trí tuệ nhân tạo (AI), dù câu ngắn hay đoạn dài, tôi phải biên tập và công sức bỏ ra còn vất vả hơn tự dịch từ đầu. Nhưng tôi hay sử dụng dịch tự động trong việc khác, như đọc tài liệu những ngôn ngữ mình chưa biết”.
Dù phần mềm dịch thuật ngày càng hoàn thiện, máy móc không thể một sớm một chiều thay thế con người. “Trí tuệ nhân tạo đang cố gắng mô phỏng lại ngôn ngữ tự nhiên của loài người, nhưng vấn đề là loài người còn chưa hiểu biết hết về cơ chế ngôn ngữ của não bộ, mà khi chưa hiểu hết thì không thể làm ra một trí tuệ nhân tạo mô phỏng hoàn toàn ngôn ngữ ấy... Tôi tin rằng trong 10 năm tới, trí tuệ nhân tạo chưa tiến kịp trong lĩnh vực này, trừ khi có bước tiến lớn về ngành khoa học thần kinh và nghiên cứu não bộ” - ThS. Lê Huy Hoàng nhận định.
Săn tìm dịch giả giỏi
Có công nghệ trợ giúp, nhưng người làm công việc dịch thuật ngày nay vẫn đối mặt với những áp lực không nhỏ. Theo ThS. Lê Huy Hoàng, nếu so với dịch giả đầu thế kỷ XX, gồm dịch giả tiếng Pháp và chữ Hán, trình độ của họ cao, nhưng xem xét bản dịch với nguyên tác, nhiều tác phẩm được lược dịch, nhiều câu chữ dịch giả sửa theo ý của mình (dù không phải họ không biết nghĩa chính xác của từ). Dịch giả hiện tại thường ít khi lược dịch, sửa câu chữ lệch quá nhiều so với bản gốc.
Sản phẩm của ngành dịch thuật nhiều, nhu cầu trong lĩnh vực dịch thuật ở Việt Nam khá lớn, các đơn vị xuất bản vẫn săn tìm dịch giả giỏi, bởi có nhiều tác phẩm tốt của thế giới độc giả Việt chưa tiếp cận được.
Hơn thế, những năm gần đây, vẫn có một số cuốn sách khi ra mắt bị đánh giá chất lượng không tốt, thậm chí gọi là “thảm họa” dịch thuật. Cũng có người dùng phần mềm dịch một số tác phẩm ăn khách của nước ngoài đưa lên internet, không chỉn chu về câu từ, chuẩn xác về nội dung, không có trách nhiệm với bản dịch...
Những người trong nghề cho rằng, để mang lại những tác phẩm dịch chất lượng, người dịch phải có kỹ năng ngôn ngữ gồm cả 2 ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích, hiểu biết về chuyên môn. Những người học chuyên ngành ngoại ngữ, phần ngoại ngữ có thể tương đối ổn, nhưng tiếng Việt lại không được quan tâm trau dồi.
Mỗi cuốn sách được chuyển ngữ, ấn hành sẽ đến tay nhiều bạn đọc. Trình độ ngoại ngữ của công chúng ngày càng cao, có điều kiện so sánh bản gốc - bản dịch, nên dịch giả hiện nay càng có áp lực hơn trong việc chuyển ngữ chính xác, làm vừa lòng và tôn trọng người đọc. Theo dịch giả Lê Vân, người chuyển ngữ cũng có áp lực về sự hiểu biết trong lĩnh vực chuyển ngữ. Nếu phạm vi nhận thức còn giới hạn, việc dịch sẽ không thể chuẩn xác. Do đó, sự tò mò về tri thức, liên tục mở rộng kiến thức nền, biết cách tìm và đánh giá thông tin, luôn nghi ngờ trước những từ dù quen nhưng có thể mang nghĩa khác khi đặt trong bối cảnh lạ, cẩn trọng và dành hết tâm sức khi chuyển ngữ tác phẩm... vẫn được coi là những phẩm chất quan trọng của dịch giả thời hiện đại.