Tạp chí Sông Hương -
“Tàn ngày để lại” - Bóng người ở lại trong những ngày tàn
15:00 | 27/08/2021

Có ý nghĩa quan trọng trong văn nghiệp chủ nhân giải Nobel Văn chương 2017 - Kazuo Ishiguro, tiểu thuyết Tàn ngày để lại viết về một vị quản gia già tên Stevens đã dành trọn một đời phục vụ huân tước Darlington tại Dinh Darlington bằng lòng tận tụy và ý thức sâu sắc về “phẩm cách” một quản gia “vĩ đại”. Nhưng giữa dòng lịch sử biến động, Dinh Darlington cũng đã sang tên đổi chủ, người quản gia già ấy lần đầu lắng lòng để nhìn lại bản thân của quá khứ, hiện tại, tương lai. Để Stevens thật sự thức tỉnh, “tàn ngày” rồi, vậy trọn phần đời đã qua, thứ “để lại” trong cuộc đời ông, rốt cuộc, là gì?

“Tàn ngày để lại” - Bóng người ở lại trong những ngày tàn
Tiểu thuyết Tàn ngày để lại của Kazuo Ishiguro

“Tàn ngày”

Đặt tác phẩm vào bối cảnh Anh quốc thời hậu Thế chiến thứ Hai, tiểu thuyết Tàn ngày để lại của Kazuo Ishiguro vừa khắc họa bóng hình lớp người đang dần đi tới bờ vực của sự tàn lụi, vừa như lời cáo chung cho cả hệ tư tưởng, giá trị đã từng ăn sâu và làm nên nét đặc trưng riêng có cho một xứ sở. Dọc theo tuyến đường vị quản gia già Stevens hướng về miền Tây nước Anh với khát vọng tìm lại người công sự từng làm nội quản cùng ông tại Dinh Darlington nhằm chấn hưng cả dinh thự đang ngày một sa sút cả nhân lực lẫn cung cách phục vụ, chiều dài quá khứ dần hiện ra theo hồi tưởng của quản gia Stevens. Một hành trình hướng về tương lai bất định, giữa thực tại hoang tàn trong nỗi hoài niệm, niềm vọng tưởng kí ức huy hoàng đã qua.

Để con người ấy lần đầu tỉnh thức, ngay trong tháng ngày rực rỡ xưa kia, đã luôn ẩn chứa những dấu hiệu báo trước cho hiện thực lụi tàn hôm nay “[...] ngày tàn của họ là không tránh khỏi, hay đúng hơn đáng lẽ phải đến từ lâu rồi”. Dù rằng có lẽ, sâu trong tiềm thức của Stevens khi ấy, vẫn len lỏi cảm thức rằng niềm tin bản thân ông theo đuổi chỉ là “ảo tưởng”. Song ông lại chẳng thể vượt thoát mộng tưởng mà cứ mãi bám víu vào ảo mộng đấy như níu lấy một dạng tín ngưỡng cho tâm hồn. Rồi khi vàng son một thuở qua đi, kiếp người vang danh ngày nào, hiện tại chỉ còn là “vang bóng một thời” (chữ dùng của Nguyễn Tuân) trong giây phút tàn ngày của lịch sử xoay vần sau Thế chiến.

Thật vậy, là một điển hình mẫu mực cho lớp quản gia truyền thống Anh quốc trước Chiến tranh thế giới thứ Hai, Stevens luôn có ý thức mãnh liệt về quan điểm giá “phẩm cách” công việc ông theo đuổi. “Những quản gia vĩ đại trở thành vĩ đại nhờ khả năng sắm vai diễn nghề nghiệp của mình và sắm đến tận cùng; không sự việc bên ngoài nào có thể đánh bật họ ra khỏi đó, dù có choáng váng, sợ hãi hay buồn phiền đến mấy.” Và suốt nửa đời người, Stevens đã làm việc, sống, suy nghĩ theo đúng tâm niệm ấy. Ông tin tưởng tuyệt đối vào quyết định của chủ nhân, tận tụy ngay khi phải đối diện với giây phút sinh li tử biệt với người thân duy nhất, không tò mò, không tọc mạch, không phán xét, luôn ở đúng vị trí, lo toan mọi thứ, kiểu cách và giữ mình... Nói Stevens cứng nhắc, điều đó đúng. Nhưng hơn cả là con người đấy đã hi sinh cái tôi cá nhân trong nhận thức “nghề nghiệp”, “nghĩa vụ bản thân” cực kì mạnh mẽ.

Tuy nhiên, thời thế đổi thay, sự thất thế của huân tước Darlington, những đau thương Thế chiến mang lại đã khiến cho một quản gia Stevens tận tụy, nhận thức rõ nét về hai chữ “tàn ngày” dần đến. Tàn ngày cho chính bản thân ông, khi giờ đây, sự chuẩn xác, chi li từng khiến quản gia Stevens tự hào đã không còn. Sai sót xuất hiện, tựa rạn vỡ cho niềm tin ngây thơ ông đã gửi trao, cho cả quá khứ ông đã luôn làm ngơ với bao dấu hiệu báo trước cho sự sụp đổ của một ý thức hệ. Như cách ông để cha ông - mẫu hình quản gia lí tưởng ông hướng đến, lặng lẽ trên những bậc thang “như muốn tìm một viên ngọc quý đã đánh rơi ở đó.” Rồi chính bản thân ông hiện tại, cũng đang mò mẫm “tìm một viên ngọc quý đã đánh rơi” suốt quãng đời ông từ bỏ cái tôi cho thứ “phẩm cách” tựa một dạng “tín ngưỡng” ông hằng tôn thờ.

Và thậm chí, ngay chính hành trình của quản gia Stevens đang đi trên chiếc xe Ford cũng như hướng về phía “ngày tàn”. Khi nơi ông hướng tới là miền Tây, là phía mặt trời lặn. Bởi thế, chữ “tàn ngày” trong thiên tiểu thuyết này của Kazuo Ishiguro vừa mang tính trực quan, cũng vừa mang tính biểu tượng. Vừa chỉ phương hướng, vừa chỉ vùng miền; đồng thời cũng vừa biểu tượng cho sự tàn lụi một lớp người, rộng hơn, là lời cáo chung cho một thời đại huy hoàng chỉ còn “vang bóng” trong ráng hoàng hôn.
 

“Để lại”

“Tàn ngày” đã điểm, “mặt trời dần lặn trên đế quốc Anh”, nhưng đến cuối cùng, thứ còn “để lại” sau tất cả “ảo tưởng” của một kiếp người đã tin tưởng, tận tụy đến thế, là gì? Khi người ấy, đã đi tới sườn dốc phía sau đời người, phải đối diện với “ngày tàn” của chính mình, lần đầu thật sự tỉnh thức, nhìn nhận thẳng thắn những ảo vọng, để thấy quãng thời gian được - mất đã qua.

Hối hận sao? Có lẽ là không. Bởi con người đó đã luôn tận lực, tận hiến đến quên mình vì công việc, trách nhiệm mà chẳng truy cầu điều gì cho riêng bản thân hay luyến tiếc tuổi xuân vùn vụt trôi đi dưới dinh thự Darlington. Nhưng con người đấy có quyền nuối tiếc, quyến luyến một thuở vàng son đã vĩnh viễn trở thành dĩ vãng không bao giờ quay trở lại. Cái thời người ta chỉ cần làm tốt bổn phận và gửi gắm niềm tin, tương lai cho người khác mà thôi.

Bởi thế, lúc tín ngưỡng sụp đổ trước dòng xoáy thời gian vô tình, cũng là khi người ta quay về đối diện với hiện tại và tương lai phía trước bằng tất cả sự mịt mờ, hoang mang, vô định. Con người mất đi tự tin vốn có, hoài nghi tất thảy. Khoảnh khắc đó người ta nhận ra, bản thân đã cô đơn đến thế nào, tựa vị quản gia mẫu mực Stevens đã đánh mất mọi thứ. Không người thân thích, bỏ lỡ cả những cảm xúc tinh tế mà vốn dĩ đời người ai cũng đều trải qua, đến cả cái tôi cá nhân cũng vụn vỡ tới đáng thương giữa cuộc khủng hoảng nhận thức, ý niệm sâu sắc. “Ông hiểu không, tôi đã tin. Tôi đã tin vào trí thông tuệ của đức ngài. Bao năm tôi phục vụ đức ngài, tôi đã tin mình đang làm một việc có ý nghĩa. Tôi còn không thể nói rằng tự mình đã phạm những sai lầm của mình nữa.”

Lịch sử biến động, thời cuộc sang trang, “để lại” giữa cuộc đời một lớp người dần bước tới sườn dốc tàn lụi mang nặng trong tâm khủng hoảng căn cước, đang chới với cố tìm về một cái tôi vỡ vụn sau tất thảy nghi hoặc đúng - sai rằng họ đã thật sự tồn tại, thực sự “sống” trên cõi đời?

Nhưng dẫu có bơ vơ, lạc bước giữa nỗi hoài nghi khôn cùng, thì người ta vẫn tiếp tục sinh tồn mà hướng đến ngày mai. Ngày tàn, đêm xuống thì cuối cùng, bình minh vẫn sẽ ló dạng. Và khi con người vẫn còn nghĩ về tương lai, trong tâm vẫn còn tranh đấu “tồn tại hay không tồn tại” thì họ còn sống với trọn chữ người viết hoa. Và có lẽ, ngay lúc vị quản gia già Stevens thức tỉnh cái tôi, ngờ vực niềm tin của ông trong quá khứ, cũng là lúc, ông vượt thoát thiết lập nghĩa vụ đã o bế ông bao lâu mà thật sự mở lòng cảm nhận hơi thở cuộc đời.

“Thời đại khôn lường” đã đặt lời cáo chung cho một hệ tư tưởng và để lại một lớp người nhạy cảm chịu nhiều thương tổn, yếu đuối mà cũng rất mực kiên cường, đang dần hé mở đón nhận thanh âm trong trẻo của cuộc sống đa hình, đa dạng. Tuy nhiên, một hệ tư tưởng sụp đổ, một lớp người dần trở thành quá vãng, bên cạnh việc giải phóng tư tưởng cho con người còn kéo theo hệ lụy những giá trị tốt đẹp cũng dần mai một và “để lại” ở hiện thực hôm nay, sự suồng sã, mất phương hướng về những gì là chuẩn mực, tinh hoa, đạo đức. “Cái thời các ông có thể cư xử theo tiếng gọi của lương tâm cao quý của các ông đã hết rồi.”

Bằng sự thấu hiểu rất mực lịch sử, văn hóa một Anh quốc thời tiền và hậu Thế chiến thứ Hai cùng “một lối viết bậc thầy”: vừa tiếp nối, đan xen, vừa mâu thuẫn, tương phản giữa quá khứ - thực tại trong cùng một lời tự thuật của người quản gia già Stevens xưng “tôi”; Kazuo Ishiguro đã thực sự viết lên một Tàn ngày để lại bằng cái nhìn đa chiều, đa diện, sắc lạnh mà đầy nhân văn. Như chính tựa đề tác phẩm của ông không nhằm phủ định sạch trơn quá khứ, mà như ngầm khẳng định, từ quá khứ tới hiện tại, tương lai luôn là sự phát triển tiếp nối không ngừng. Ngày có tàn, thì vẫn để lại trên trần thế những dư âm vang vọng. Và lớp người, từng là tinh hoa một thuở, dẫu có cứng nhắc, e dè, “khờ dại”, “ngây thơ” thì vẫn mãi “vang bóng” cho một thời đại rực rỡ, hoa mĩ đã qua, “vĩnh viễn không thể nào trở lại được nữa.”

Theo Mọt Mọt - VNQĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng