Tạp chí Sông Hương -
Còn lại gì sau những dự án phim tiền tỉ ?
14:35 | 03/08/2009
Việc có một phim trường với bối cảnh cho nhiều đoàn làm phim thực hiện, thậm chí là để ghi một dấu ấn cho đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội là cần thiết và hữu ích. Đáng tiếc là chúng ta thiếu sự chỉ huy của một nhạc trưởng> 48 tỉ đồng cho Thái sư Trần Thủ ĐộNgày 3- 8, phim Thái sư Trần Thủ  Độ bấm máy những cảnh quay tại Hoành Điếm (Trung Quốc). Cùng thời gian này,  dự án  phim Chiếu dời đô (đạo diễn Lưu Trọng Ninh) “tăng tốc” huy động vốn và lên kế hoạch thử diễn viên.
Còn lại gì sau những dự án phim tiền tỉ ?

Chạy đua cùng 2 dự án đã và sắp sản xuất, tác giả Đinh Thiên Phúc đang dốc sức hoàn thành những tập đầu tiên của xêri kịch bản phim dã sử theo sự “bật đèn  xanh” của công ty Cát Tiên Sa.

Hãng phim Giải phóng vừa nhận được sự hỗ trợ kinh phí sản xuất bộ phim truyện nhựa Long thành cầm giả ca (biên kịch Văn Lê, đạo diễn Đào Bá Sơn) từ phía Văn phòng Chính phủ - Ban Chỉ đạo Quốc gia 1.000 năm Thăng Long. Như vậy, tính cả bộ phim Tây Sơn hào kiệt của hãng phim Lý Huỳnh, đang thực hiện phần hậu kỳ, thời điểm này, đã có tới 5 dự án phim đề tài lịch sử hướng tới đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội. Mừng vì 3 trong số 5 dự án ấy là phim làm bằng tiền xã hội hóa. Nhưng cũng băn khoăn với câu hỏi liệu sau những bộ phim có ý nghĩa... chào mừng ấy sẽ để lại những gì cho điện ảnh VN?

Đầu tư hàng trăm tỉ đồng

Nếu không có dịp chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội chắc chắn sẽ không có chuyện cả trăm tỉ đồng của cả Nhà nước lẫn tư nhân đổ vào làm phim cổ trang như thế này. Nói cách khác, là chưa bao giờ phong trào làm phim cổ trang “phát” như lúc này.

 


Thái sư Trần Thủ Độ, dài 30 tập, được Nhà nước đầu tư 51 tỉ đồng, Chiếu dời đô có kinh phí dự kiến lên đến 60 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa.  Kinh phí cho Long thành cầm giả ca hiện vẫn chưa được công bố nhưng Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đã ký quyết định đồng ý hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương kinh phí cho bộ phim này có thể lên hàng chục tỉ đồng. Còn với dự án phim truyền hình Thái tổ Lý Công Uẩn (dài 40-100 tập) mà Công ty Cát Tiên Sa đang triển khai, kinh phí đầu tư ước tính cũng không nhỏ.

Điểm hẹn: Phim trường Hoành Điếm

Giám đốc sản xuất phim Chiếu dời đô, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, khẳng định mọi công việc chuẩn bị để khởi quay bộ phim này vào tháng 2-2010 đang được triển khai thận trọng, đúng tiến độ. Quy mô phim vừa phải, các bối cảnh được quay tại Hà Nội, một số tỉnh ở phía Bắc, một số cảnh sẽ được thực hiện tại trường quay Hoành Điếm (Trung Quốc).

Cũng có ý định thuê bối cảnh ở Hoành Điếm, nhà biên kịch Thiên Phúc, tác giả xêri kịch bản dã sử,  cho biết: “Nói Công ty Cát Tiên Sa làm phim Thái tổ Lý Công Uẩn cũng không hẳn đúng. Thái tổ Lý Công Uẩn chỉ là nhân vật đầu tiên trong xêri kịch bản về phim cổ trang mà Cát Tiên Sa sẽ thực hiện. Tôi sẽ khảo sát qua các triều đại Lý- Trần- Lê, giai đoạn lịch sử nào hay, nhân vật lịch sử nào ấn tượng, chúng tôi sẽ chọn. Hiện tại, tôi đang dốc sức cho những tập kịch bản đầu tiên về Thái tổ Lý Công Uẩn. Kế hoạch là  tháng 10- 2009 hoàn thành 10 tập kịch bản”.

Cũng theo ông Đinh Thiên Phúc, với mong muốn hoàn thành 4- 5 tập đầu tiên vào dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội nên song song với quá trình hoàn thiện kịch bản, phía đầu tư - Công ty Cát Tiên Sa  - cũng tiến hành các công việc chuẩn bị về bối cảnh, ê kíp làm phim. Cát Tiên Sa cũng đã sang Trung Quốc khảo sát trường quay Hoành Điếm cho kế hoạch làm phim này.

Dựng trường quay bạc tỉ... rồi phá

Theo kế hoạch, phim Thái sư Trần Thủ Độ sẽ xây dựng 6 bối cảnh tại trường quay Cổ Loa, trong đó có bối cảnh ngoại về kinh thành Thăng Long tọa lạc trên diện tích khoảng 40.000 m2.  Hai bối cảnh đầu tiên (nhà ngục) và khu miếu hoang đã được xây dựng trong khu trường quay nội. Nguyên liệu xây dựng 2 bối cảnh này chủ yếu là gỗ, xốp và một số vật liệu chuyên dụng của điện ảnh nhưng thoạt nhìn ai  cũng nghĩ đó là 2 bối cảnh được xây dựng bằng những vật liệu kiên cố và  thật đến mức lên được cả “nước thời gian”.  Đây mới chỉ là những bối cảnh đơn giản, còn bối cảnh ngoại kinh thành Thăng Long với  vài chục nóc nhà, quán xá, thành quách... thì phải tốn hàng tỉ đồng. Nhưng quay xong phim rồi thì cũng... dỡ bỏ, vì vật liệu sử dụng cho điện ảnh hiện nay có độ bền rất thấp.

Mặt khác, dù đang được đổ tiền vào để cải tạo, nâng cấp nhưng khu trường quay Cổ Loa hiện vẫn hoang vu và chưa có quy hoạch cụ thể.  Chưa có quy hoạch, đồng nghĩa với việc chưa  có quỹ đất cho những bối cảnh cố định được xây dựng bằng chất liệu bền vững với tỉ lệ 1:1 để cho điện ảnh sử dụng chung, lâu dài. Vì thế, trước mắt vẫn phải tái diễn cảnh bỏ hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng để xây dựng bối cảnh... rồi lại đập đi. Chí ít điều này cũng sẽ diễn ra ở bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ.  “Lãng phí quá, nhưng biết làm sao được. Điện ảnh là thế Khi chưa có trường quay với những bối cảnh cố định được quy hoạch và giữ lại cho nhiều đoàn phim cùng sử dụng, thì phải chấp nhận thôi”- họa sĩ thiết kế Phạm Quang Vĩnh nói.

Khi nói về điều này, có nhiều ý kiến cho rằng liệu sau những dự án phim lịch sử tiền tỉ, mà chất lượng không ai dám bảo đảm, thì cái gì còn để lại ?

Thiếu vai trò nhạc trưởng

Số tiền bỏ ra lớn như vậy, nhưng sự vội vã lao vào làm quá nhiều phim lịch sử cổ trang cho dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội của các hãng phim khiến nhiều người có cảm nhận công tác chuẩn bị chưa thực sự chu đáo. Ngoại trừ Thái sư Trần Thủ Độ được triển khai từ mấy năm nay, các phim khác đều rơi vào tình trạng vội vàng, mạnh ai nấy làm.

Nhiều nhà chuyên môn thực sự lấy làm tiếc cho số tiền dự kiến bỏ ra sản xuất phim quá lớn nhưng không có sự phối hợp như cùng làm một phim trường để sử dụng chung, nên gây lãng phí lớn. Trong khi các nhà làm phim Trung Quốc, Hàn Quốc... thường xuyên tận dụng những trường quay lớn, vừa để tiết kiệm chi phí cho những phim tiếp theo vừa kinh doanh du lịch. Việc có một phim trường với bối cảnh cho nhiều đoàn làm phim thực hiện, thậm chí là để ghi một dấu ấn cho đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội là cần thiết và hữu ích. Đáng tiếc là chúng ta thiếu sự chỉ huy của một nhạc trưởng. 
 
                                                                                                             Theo NLĐO

Các bài mới
Các bài đã đăng