Tạp chí Sông Hương -
Chủ biên tập san Nhớ Huế - nhà thơ Trần Hữu Lục qua đời ở tuổi 80
17:00 | 01/09/2021

Nhà thơ Trần Hữu Lục đã mất lúc 8 giờ 30 phút ngày 30 tháng 8 tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, thành phố Hồ Chí Minh sau thời gian ngắn điều trị Covid-19, hưởng thọ 80 tuổi.

Chủ biên tập san Nhớ Huế - nhà thơ Trần Hữu Lục qua đời ở tuổi 80
Nhà thơ Trần Hữu Lục

Nhà thơ Trần Hữu Lục sinh ngày 14.3.1941 tại Vỹ Dạ ,Thừa Thiên Huế. Saukhi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, nhà thơ Trần Hữu Lục có mấy năm dạy học ở quê nhà rồi chuyển vào Sài Gòn tham gia viết văn và làm báo. Từ năm 1975, nhà thơ Trần Hữu Lục quay lại nghề giáo và giảng dạy bậc trung học ở Đà Lạt.

Sau 11 năm dạy học trên xứ sở sương mù, nhà thơ Trần Hữu Lục về Sài Gòn công tác ở xưởng phim của Bộ Giáo Dục & Đào tạo, rồi làm phóng viên chuyên trách mảng điện ảnh cho báo Tuổi Trẻ. Từ năm 1999, nhà thơ Trần Hữu Lục phụ trách nội dung Tạp chí Du Lịch TP.HCM cho đến khi nghỉ hưu.

Ông nguyên là Phó Chủ Tịch Thường trực Hội Đồng hương Thừa Thiên Huế tại Thành phố Hồ Chí Minh; nguyên Chủ Biên Tập San Nhớ Huế; làhội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam và từng làm Phó Trưởng ban Nhà văn Trẻ (Hội Nhà văn TP.HCM).

Trần Hữu Lục là một trong những cây bút tiêu biểu của văn học đô thị miền Nam trước năm 1975.Tính từ tập truyện ngắn “Cách một dòng sông” xuất bản năm 1971 đến lúc qua đời, nhà thơ Trần Hữu Lục có nửa thế kỷ góp mặt với văn đàn Việt Nam. Có thể kể đến một số tác phẩm của ông như: Cách một dòng sông (tập truyện ngắn - Đối diện xuất bản 1971), Chiếc bóng (tập truyện 1987), Lời của hoa hồng (tập thơ 1997), Thời tôi yêu (tập truyện 1998), Đưa đò (bình văn - tản văn 2002), Thu phương xa (tập thơ 2003), Vạn Xuân (tập thơ 2006), Mẹ và con (truyện - bút ký 2007).tác phẩm Tượng đài Sông Hương (năm 2004), Chuyện Huế ít người biết (Biên soạn 2004), Sông Hương ngoài biên giới (năm 2006).

Trần Hữu Lục là thành viên nòng cốt của Nhóm Việt trước 1975. Ông từng là chủ biên của tập san Thân Hữu (Đại học Sư phạm Huế - 1967), chủ bút báo Sinh viên Huế (1968), phụ trách văn nghệ trên Nguyệt san Đối diện (từ 1972 đến 1975), viết văn trên các báo và tạp chí Việt, Đất nước, Ý thức… Với người Huế xa quê, tập san Nhớ Huế do ông làm chủ bút là một sản phẩm văn hóa, là một ấn phẩm không thể thiếu trong các tủ sách gia đình của những người Huế và yêu Huế. Tập san đã được thực hiện nhiều năm liền với sự đầu tư bài vở khá công phu, đầy đặn và hấp dẫn, trình bày trang nhã và thẩm mỹ đã có chỗ đứng trong lòng bạn đọc.

Trần Hữu Lục cũng là gương mặt nổi bật trong phong trào “xuống đường” tranh đấu của học sinh, sinh viên, văn nghệ sĩ đô thị miền Nam vào những năm 1960-1970. Ông sát cánh cùng với những văn nghệ sĩ tiêu biểu của phong trào này ở Huế như Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thái Ngọc San, Nguyễn Đắc Xuân, Bửu Chỉ, Nguyễn Duy Hiền, Đông Trình, Võ Quê, Nguyễn Phú Yên…

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng có những dòng viết về người bạn đồng hương "Trong thơ Trần Hữu Lục có bóng dáng của một dòng sông xanh rất xanh năm mười sáu tuổi, một thuở trăng tròn thời cũ trên những đồi thông”.

SÔNG HƯƠNG

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng