Tạp chí Sông Hương -
“Khu vườn mùa hạ” (Kazumi Yumoto) - Con người mất đi, nhưng kí ức sẽ còn mãi
08:49 | 07/09/2021

Cuốn tiểu thuyết đầu tay, mang tới giải thưởng văn học thiếu nhi hàng đầu của Mĩ: Boston Globe Horn Award vào năm 1997 cho nữ tác giả Kazumi Yumoto, Khu vườn mùa hạ vừa trong trẻo như tiếng cười trẻ thơ, vừa trầm lắng tựa sự từng trải của người trưởng thành. Để rồi câu chuyện khép lại, độc giả cứ mãi day dứt về tâm lí những đứa trẻ tuổi ăn tuổi lớn thời hiện đại, và về mối quan hệ giữa cho - nhận, được - mất giữa cuộc đời vô thường.

“Khu vườn mùa hạ” (Kazumi Yumoto) - Con người mất đi, nhưng kí ức sẽ còn mãi

Những cậu bé mang nỗi ám ảnh “cái chết”

Từ cuốn tiểu thuyết đầu tay Khu vườn mùa hạ cho tới những tác phẩm tiếp theo Mùa thu của cây dương hay Organ mùa xuân, nhân vật trung tâm trong sáng tác của Kazumi Yumoto luôn là những cô bé, cậu bé tuổi còn rất nhỏ, vẫn đang học ở bậc tiểu học. Nhưng khác với các tác phẩm khác cùng viết về trẻ thơ, những đứa trẻ hiện lên trên trang viết Kazumi Yumoto, trực tiếp có, gián tiếp qua kí ức, hồi tưởng có; dù ngây thơ, trong sáng đến đâu thì trái tim chúng đã sớm chở nặng đau thương và tâm hồn chúng luôn mang sự sợ hãi vô hình khiến chúng già dặn hơn so với tuổi. Như ba cậu bé mới học lớp 6 (lớp cuối cùng trong cấp tiểu học của hệ thống giáo dục Nhật Bản) Kiyama, Yamashita và Wakabe đã chịu nỗi ám ảnh về “cái chết” vậy.

Nỗi ám ảnh đó, bắt đầu mở ra vào một mùa hè, khi Yamashita phải đến tham dự đám tang của người bà ở quê mới mất. Câu chuyện đấy làm dấy lên trong lòng hai cậu bạn thân sự tò mò rằng: chết tức là gì, “khi nào mình sẽ chết, lúc chết rồi thì sẽ thành ra thế nào?” Tính hiếu kì ấy rất đúng với tâm lí tụi trẻ sắp qua tuổi thiếu nhi, dần bước vào tuổi dậy thì ưa khám phá những điều chưa hiểu hết, tìm hiểu những bí ẩn nằm ngoài kiến thức gò bó trong nhà trường.

Từ sự tò mò đeo bám dai dẳng trong tâm trí mà ba cậu bé tuổi 12 đi tới hành động: theo dõi ông cụ sống cô đơn trong ngôi nhà vắng để biết một cái chết thật sự diễn ra như thế nào. Ngày này qua ngày khác, hễ lúc rảnh rỗi chúng lại tới ngôi nhà kia, bằng sự kiên trì, cố chấp cũng hết sức thơ trẻ. Cái chết ám ảnh chúng đến cả vùng tiềm thức. Khiến Wakabe từng đứng trên cầu mà nghĩ tới việc lao mình vào đường xe lửa đang rầm rập chạy. Cái chết đi cả vào trong thế giới vô thức tụi nhỏ, hiện hình thành những cơn ác mộng đứt đoạn.

Ba đứa trẻ, cá tính, hoàn cảnh gia đình khác nhau nhưng cùng mang những mâu thuẫn cảm xúc vừa hiếu kì, tò mò, vừa rụt rè, sợ hãi, xoay quanh vấn đề “cái chết”. Chúng muốn khám phá đến tận cùng bản chất của “cái chết”, có lẽ còn vì chúng muốn khám phá tận cùng “bản chất con người” lẫn thế giới phức tạp chúng đang sống. Một thế giới nhiều dối trá, bao người xung quanh chúng thương tổn mà chúng chỉ có thể nhìn nhận bằng ánh mắt khuyết thiểu xuất phát từ những đứa trẻ chưa trải hết sự đời.

Kiyama, Yamashita, Wakabe, thật sự là sáng tạo độc đáo của tác giả Kazumi Yumoto khi khắc họa tuổi thơ nước Nhật nói riêng, tuổi thơ ai cũng trải qua nói chung lên trang viết. Cô không tránh né mà sẵn sàng đi sâu vào “vùng cấm kị” trong tâm hồn tụi trẻ. Để ta hiểu và cũng nhớ lại một điều rằng: “trẻ thơ như một tờ giấy trắng” nhưng chính bởi ngây thơ, trong sáng vô ngần nên chúng cũng nhạy cảm, dễ tổn thương hơn bất cứ ai. Nỗi đau hằn sâu trong tim lũ trẻ sẽ không phai nhạt đi theo năm tháng, mà chỉ có thể, từ sự tôn trọng, yêu thương, làm chúng thật sự trải nghiệm rằng thế giới rộng lớn ngoài kia, cũng dịu dàng khôn xiết.

Ông cụ cô đơn trong ngôi nhà vắng

Đồng hành cùng ba cậu bé Kiyama, Yamshita, Wakabe là ông cụ sống cô đơn trong ngôi nhà vắng, vắng bóng hơi người lẫn ánh sáng, ngập tràn bóng tối của quá khứ đau thương bao trùm lên hiện tại. Ông cụ là chứng nhân của một thời lịch sử bi thương, là tội nhân chiến trận, điều đó đúng song ông cũng là nạn nhân của binh đao khói lửa. Ông cụ mất tất cả, người thân, gia đình vào nỗi ám ảnh, ân hận về tội ác hàng chục năm trước.

Và hẳn ông vẫn sẽ sống như thế, nếu như ba cậu nhóc kia không đặt những bước chân hiếu kì vào những ngày cuối cùng cuộc đời ông. Ban đầu, ông chỉ là đối tượng để ba chú bé theo dõi cho đến ngày chúng tận mắt chứng kiến, kiểm nghiệm ông lão “chết” như thế nào. Nhưng chúng theo dõi ông cụ, mà đâu biết rằng, chính ông cụ cũng theo dõi chúng. Để ông biết, ngày ngày đang có “ba cái đuôi” lặng thầm nhìn ông nằm trên ghế xem tivi, theo bước chân ông sinh hoạt mỗi ngày. Để ông biết, có ba đứa trẻ xa lạ, đang khuấy động nhịp sống một người tồn tại trên cõi đời mà lẻ loi, cô độc, đơn điệu, u ám chẳng khác bóng ma chờ ngày sinh mệnh kết thúc như ông.

Lũ trẻ dần khiến ông lão cô độc, cộc cằn, khó tính phải mở lòng. Ban đầu chỉ bằng đĩa cá đặt trước cửa. Rồi chúng giúp ông đổ rác, phơi quần áo, giặt đồ, sửa sang nhà cửa, nhổ cỏ, trồng hoa lên mảnh vườn trước cửa nhà ông. Chúng cùng ông ăn dưa hấu, đấm bóp cho ông. Về phía mình, ông dạy chúng cách sử dụng dao, bổ lê, chỉ dạy chúng học chữ Hán, mang tới cho chúng một không gian yên bình khi ngôi nhà chúng ở lại vắng chữ “bình yên”. Và ông đã cùng chúng ngắm pháo hoa mùa hè, những bông pháo nở bung do chính ông làm.

Ba đứa trẻ mang đến căn nhà ngập bóng tối, ẩm mốc ông đang sống luồng sinh khí mới sau hàng chục năm ông khép cửa lòng. Ba đứa cứu rỗi tâm hồn ông cụ, để ông cảm nhận được thế nào là những quan tâm, yêu thương vụn vặt, nhỏ nhặt, vụng dại, ngây ngốc không vụ lợi, rằng ông chẳng hề cô đơn, kể cả khi ông đã bước tới sườn dốc bên kia cuộc đời, sự sống chỉ còn le lói tựa ánh đèn trước gió.

Mối quan hệ giữa ba đứa trẻ với ông lão vô danh thật sự là mối quan hệ kì lạ, tưởng chừng gặp gỡ vô tình mà có lẽ cũng là cái duyên mà tạo hóa gắn kết. Một mối quan hệ như những người bạn vong niên, dựa trên yêu thương, tin tưởng, tôn trọng, “bình đẳng”. Bởi ba đứa trẻ cứu rỗi tâm hồn ông lão thì ngược lại, ông lão cũng cứu rỗi tâm hồn ba đứa, những cậu nhóc tuổi còn rất trẻ mà trái tim đã sớm mang gánh nặng tổn thương, cô độc. Bên ông cụ, ba cậu nhóc được vô tư sống với tuổi thật của bản thân, học hỏi đủ thứ, khám phá đủ điều, biết trân trọng con người, quá khứ, thời gian và từng giây phút được sống bên người mình yêu thương.

Kí ức tựa cơn mưa mùa hạ, thấm xuống khu vườn xanh tươi

Cuốn tiểu thuyết nhỏ, được kể từ ngôi thứ nhất, qua điểm nhìn của một cậu bé mới 12 tuổi đã mang đến cảm giác trong trẻo rất mực. Tác giả Kazumi Yumoto tỏ ra khá am hiểu tâm lí, diễn biến nội tâm trẻ nhỏ, đặc biệt là những đứa trẻ dần chớm tuổi dậy thì, bên cạnh sự thích thú khám phá thế giới bên ngoài, chúng bắt đầu quan tâm hơn đến việc khám phá thế giới nội tâm, cái tôi của chính bản thân. Tụi nhỏ dần có những nhận định sâu sắc về thế giới từ sự tổng hợp quá khứ, nhìn nhận hiện tại. Chúng vẫn giữ nét hồn nhiên, ngây thơ song đã cứng cỏi, nhạy cảm hơn và dần tách khỏi người lớn để tự tìm hiểu thế giới muôn màu.

Cùng với đó, tác giả còn xóa mờ danh tính của ông cụ trong ngôi nhà vắng. Ông cụ ấy không có tên. Ông lặng lẽ sống, lặng lẽ ra đi. Và độc giả có thể dễ dàng bắt gặp bóng hình ông trong bất cứ hình ảnh người ông, người bà, dáng hình người đi trước nào đó. Những con người đã sống trọn một đời vô danh, lúc nằm xuống, thứ họ để lại trên cuộc đời, chính là hạt mầm hi vọng cho thế hệ trẻ dũng cảm dám sống, dám đối diện với bản thân mà tiến về tương lai. “Biết đâu già đi lại là một điều hay. Bởi vì càng nhiều tuổi, người ta lại có càng nhiều kí ức. Và rồi, một lúc nào đó khi chủ nhân chết đi, những kí ức sẽ hòa lẫn vào không khí, tan vào mưa, thấm vào đất, tiếp tục tồn tại. Chúng sẽ trôi tới nhiều nơi khác, và không chừng, cũng sẽ thử len lỏi vào tim những người khác nữa.”

Nếu coi ba đứa trẻ Kiyama, Yamashita, Wakabe là hiện thực, tương lai thì ông cụ chính là lịch sử, quá khứ. Và họ được nối kết với nhau bằng dấu gạch nối có tên Khu vườn mùa hạ. Một khu vườn hữu hình khi đó chính là mảnh vườn trước cửa nhà ông lão tụi nhỏ đã chăm sóc suốt mùa hè năm lớp 6. Nhưng đấy cũng là hình ảnh đầy biểu tượng cho khu vườn tâm hồn mỗi người. Nơi lưu giữ kí ức về những ngày vô tư đã qua, ươm mầm cho ngày mai, dù còn lắm chông gai, bão táp, người ta vẫn mạnh mẽ vươn tới ánh mặt trời.

Theo Mọt Mọt - VNQĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng