Tạp chí Sông Hương -
“Nghĩa đồng bào” trong tranh Lê Sa Long
09:39 | 09/09/2021

30 năm gắn bó với TP Hồ Chí Minh từ ngày xuất ngũ, học đại học, trở thành giảng viên mỹ thuật, đồ họa, họa sĩ Lê Sa Long chưa bao giờ trải qua những ngày mà cả thành phố như “lặng hẳn” vì căng mình chống dịch Covid-19.

“Nghĩa đồng bào” trong tranh Lê Sa Long
Tác phẩm “Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt miệt mài may khẩu trang”.

Nhưng ông hiểu “nốt trầm” đó chứa đựng những tấm lòng kiên cường, thủy chung. Xúc động về tình người trong đại dịch, họa sĩ đã ghi lại những khoảnh khắc ấm áp nghĩa đồng bào. Đó là Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt cắt vải may khẩu trang. Ông cảm phục mẹ Quýt đã ở tuổi 96 nhưng vẫn bầu bạn cùng bàn máy, may khoảng 70 chiếc khẩu trang giúp đỡ người khó khăn. Bản thân mẹ bị tù đày, có chồng con hy sinh trong chiến tranh, mẹ hiểu tình yêu đất nước, tình nghĩa đồng bào thiêng liêng lắm!

Ông tâm sự: “Tôi nhận ra quý nhất là tình nghĩa con người với nhau mà đẹp nhất là nghĩa đồng bào, người trong một nước, luôn cháy bỏng ngọn lửa nhiệt tình!”. Hình ảnh bác sĩ trẻ Đặng Minh Hiệu (Khoa Gây mê hồi sức - Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh) cạo sạch mái tóc trước giờ lên đường đến tâm dịch tại Bắc Giang cuối tháng 5 đã khiến cảm xúc trong họa sĩ Lê Sa Long dâng trào. Người bác sĩ trẻ xung phong vào tâm dịch vẫn nở nụ cười “chia lửa”. Ông nghĩ, với trách nhiệm công dân của một nghệ sĩ, phải chuyển tải nhanh đến mọi người hình ảnh sinh động này. 

“Nghĩa đồng bào” trong tranh Lê Sa Long -0

“Buổi ăn trưa 0 đồng cho người nghèo - Nét đẹp nhân ái người Sài Gòn”. 

TP Hồ Chí Minh cùng các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ phải giãn cách theo Chỉ thị 16. Bao lo âu về cuộc sống hiện trên gương mặt của những người bán vé số, lao động phổ thông, chạy xe ôm... Phía trước dãy nhà trọ nơi ở của người lao động đến từ các tỉnh thành là những chiếc rổ, chiếc nón lá... chờ những phần quà tặng (gạo, mì ăn liền, rau...). Sự thiết thực từ những gian hàng 0 đồng, tủ lạnh “Thạch Sanh”, bữa trưa 0 đồng... san sẻ khó khăn giúp những người dễ bị tổn thương vượt qua đại dịch. Hơi ấm tình người, tình người mẹ từ bầu sữa ấm nóng của nữ bác sĩ dành cho đứa trẻ vì dịch bệnh mà phải rời xa vòng tay mẹ... Họa sĩ căng tấm vải, tấm giấy Canson trên giá vẽ ký họa những bức tranh để thấy tình tương thân tương ái luôn hiện diện giữa đời. Dù khó khăn nguy hiểm vẫn chia sẻ để gần nhau hơn! 

“Nghĩa đồng bào” trong tranh Lê Sa Long -0

 “Những trái mướp, trái bí… được bà con Quảng Trị gói ghém cẩn thận để chuyển vào ủng hộ TP Hồ Chí Minh”. 

“Nghĩa đồng bào” là ở sự chung tay đóng góp đến từ người dân thuộc nhiều tỉnh, thành trong nước. Khi hay tin TP Hồ Chí Minh trở thành tâm dịch họ đã bảo nhau góp từng cân gạo, từng ký cá, từng bó rau... vào cho người dân thành phố nghĩa tình. Họa sĩ quý trọng, không ngăn được xúc động trước tinh thần thiện nguyện, sẻ chia của người dân các tỉnh, thành. Không phân biệt nam phụ lão ấu, họ dành tình cảm thân thương cho đồng bào TP Hồ Chí Minh, đồng bào miền nam “Các má, các ngoại ơi! Cho con góp gạo tặng các bạn nhỏ TP Hồ Chí Minh với!”, “Rau ngon được các bạn trẻ Đà Lạt thu hoạch chuyển đi ủng hộ TP Hồ Chí Minh”, “Món quà độc đáo bà con quê nhà  Phù Mỹ (Bình Định) gửi tặng bà con Sài thành!”... 

“Nghĩa đồng bào” trong tranh Lê Sa Long -0

 Tác phẩm “Bầu sữa ấm nóng của nữ bác sĩ dành cho đứa trẻ phải xa vòng tay mẹ vì dịch bệnh”.

“Nghĩa đồng bào” được phản ánh trong dòng tranh ký họa của họa sĩ Lê Sa Long luôn sâu sắc thắm đượm như dòng ca dao “Miếng khi đói, gói khi no, của tuy tơ tóc nghĩa so nghìn trùng”... Như lời họa sĩ chia sẻ: “Tôi mong qua những bức tranh ký sự, tô đậm những nét đẹp cao quý, góp phần truyền lửa đến các y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch bệnh. Đồng thời, đem đến một niềm tin chiến thắng đại dịch trong lòng người dân. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhân dân Việt Nam vẫn chiến thắng”.


Theo Tuấn Phong - Thời Nay

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng