Tạp chí Sông Hương -
Lan tỏa "đạo học" trong đời sống đương đại
09:21 | 14/09/2021

Nhằm gìn giữ và lan tỏa truyền thống hiếu học, coi trọng hiền tài, cũng như những giá trị lịch sử, văn hóa nghìn năm của dân tộc, dự án “Không gian văn hóa Quốc Tử Giám” vừa được xây dựng với các hoạt động hướng tới công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Lan tỏa "đạo học" trong đời sống đương đại
Đưa di tích thành không gian văn hóa mở, thu hút công chúng - Ảnh: Hanoimoi.com.vn

Đưa di tích thành không gian mở

Quốc Tử Giám thành lập năm 1076, dưới triều vua Lý Nhân Tông, mở đầu cho nền giáo dục cấp cao của đất nước. Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, hơn 700 năm, Quốc Tử Giám luôn là trung tâm giáo dục - đào tạo nhân tài lớn nhất, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước dưới thời quân chủ. Đến nay, nơi đây trở thành Di tích quốc gia đặc biệt, với những giá trị kiến trúc, cảnh quan, nhiều hiện vật, tư liệu quý được lưu giữ; là sự “kết tinh” của các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học; là “tấm gương” phản chiếu truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, coi trọng hiền tài của dân tộc ta trong lịch sử nghìn năm văn hiến.

Quốc Tử Giám ngày nay không còn là “trường”, chỉ là nơi thờ tự, tôn vinh một nền văn hiến. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, từ thế kỷ XXI nhìn lại, hơn 500 năm đã trôi qua nhưng câu nói “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” (văn bia khoa thi 1442) của Tế tửu (hiệu trưởng) Thân Nhân Trung vẫn được coi là kim chỉ nam, là chiến lược giáo dục của Nhà nước Việt Nam. Những quan điểm về một nền giáo dục bình đẳng, toàn diện và một chương trình dạy - học, thi cử, trường quy nghiêm túc nhằm đào tạo ra những con người có cách xử lý, dung hợp các yếu tố Tri thức - Đạo đức - Hành vi để trở thành người có trách nhiệm đối với gia đình và xã hội… của trường Quốc Tử Giám xưa vẫn còn nguyên giá trị.

Làm sao để các giá trị xưa được lan tỏa trong đời sống đương đại có nhiều thay đổi, để không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám có sức sống trong kỷ nguyên hội nhập, kỷ nguyên công nghệ, thu hút công chúng... là điều mà những nhà quản lý khu di tích trăn trở. Tại tọa đàm của cuộc thi Designed by Vietnam 2021 chủ đề “Đánh thức truyền thống”, TS. Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ là nơi đến tham quan, dâng hương, mà trở thành trung tâm diễn ra hoạt động về văn hóa, khoa học, giáo dục, để cộng đồng tiếp cận, hưởng thụ; trở thành nơi diễn ra các hoạt động sáng tạo, trưng bày sản phẩm sáng tạo, cảm hứng cho sáng tạo”.

Dự án Không gian Văn hóa Quốc Tử Giám ra đời cũng không nằm ngoài mục tiêu đó.

Trao truyền ngọn lửa văn hóa

“Hoạt động của Văn Miếu là thờ các bậc Thánh hiền của Nho giáo. Quốc Tử Giám trước đây là trường, chủ yếu dạy học và hoạt động về văn hóa. Sau khi trao đổi, chúng tôi có ý tưởng tách riêng hoạt động giáo dục, văn hóa tại các không gian như nhà Thái Học, Vườn Giám, Hồ Văn, đưa các địa điểm này trở lại nhiệm vụ trước đây là giáo dục văn hóa và tổ chức hoạt động văn hóa, gìn giữ và lan tỏa tinh thần, giá trị của đạo học” - chị Hoàng Đoan Trang, đồng sáng lập dự án phi lợi nhuận về văn hóa và giáo dục Gavisto Diplomat - đơn vị phối hợp với Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám thực hiện Không gian Văn hóa Quốc Tử Giám cho biết.

Trong khuôn khổ dự án, fanpage Không gian văn hóa Quốc Tử Giám đã ra đời để quảng bá các hoạt động văn hóa tại không gian (ngoài khu thờ tự), cũng như cung cấp thông tin về lịch sử Việt Nam trung đại tới người đọc một cách hệ thống, gần gũi và thú vị.

Dự kiến, cuối tháng 9, đầu tháng 10, dự án sẽ tổ chức mạn đàm “Đạo học trong Không gian Văn hóa Quốc Tử Giám” theo hình thức trực tuyến, với sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Các chuyên gia sẽ chia sẻ về giáo dục Việt Nam trung đại, sứ mệnh của Quốc Tử Giám trong việc truyền tải và giữ gìn các giá trị trên, sức sống và hình thức truyền tải các giá trị này trong bối cảnh giáo dục hiện đại, khơi dậy tinh thần đạo học trong bối cảnh giáo dục hiện đại... Nhiều chương trình thảo luận về lịch sử, văn hóa Việt đã được lên kế hoạch tổ chức khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát.

Quốc Tử Giám xưa là trường học trước dạy người nhân nghĩa, sau đào tạo hiền tài dựng nước giúp đời. Nay Quốc Tử Giám không còn chiêu sinh dạy học, nhưng bề dày lịch sử về sự học dường như vẫn sống, vẫn thở cùng nhịp thở thời đại, thay lời nhắc của bậc tiền nhân về cái cốt yếu của văn hiến. Dẫu không là trường học đúng nghĩa như xưa, những người yêu mến Quốc Tử Giám vẫn hằng mong gìn giữ được sự song hành của văn hóa và phát triển, của quá khứ và tương lai.

Chị Hoàng Đoan Trang chia sẻ: “Trước đây khi tới Văn Miếu thì mọi người thường nghĩ đến cầu đỗ đạt, tham quan, nhưng đây cũng được coi là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, là nơi đào tạo anh tài của đất nước. Bởi vậy, dự án muốn trả lại cho Quốc Tử Giám sự gần gũi với đời sống và văn hóa của con người hiện đại, tái hiện ít nhiều phong khí của một nền lịch sử văn hiến rạng rỡ, và giữ cho ngọn lửa văn hóa vốn âm ỉ cháy trong đời sống Việt được truyền tay, kế thừa”.

 
Theo Thảo Nguyên - ĐBND
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng