Những cuốn Phế đô còn thơm mùi mực đang được gấp rút chuyển đến các hiệu sách khắp Trung Quốc và là một phần trong bộ ba tác phẩm của Giả Bình Ao cùng với những tiểu thuyết đã nổi danh khác là Phù táo và Tần Xoang.
Trả lời phỏng vấn trên báo chí, người chịu trách nhiệm thông tin của nhà xuất bản tỏ ra rất thận trọng và không chịu khẳng định rằng lệnh cấm với Phế đô đã được dỡ bỏ. Theo nhà xuất bản, cách đây 10 năm, Giả Bình Ao đã đích thân sửa đổi tác phẩm này. Bìa cuốn Phế đô mới có ấn tượng đặc biệt với màu đỏ tươi, rất “bắt mắt” với hai chữ Phế đô “to đùng” choán gần hết bìa sách. Trong khi cư dân mạng Trung Quốc tranh cãi hăng hái về việc Phế đô mới sửa chỗ nào so với Phế đô cũ thì có một khác biệt không cần phải tranh cãi là... giá! Cách đây 16 năm, cuốn Phế đô dày hơn 500 trang với 400.000 chữ có giá 12,5 NDT (25.000 đồng theo tỷ giá hiện nay). Giờ đây, bộ ba tác phẩm sắp tung ra của Giả Bình Ao có giá lên tới 116 NDT, được đóng chung thành một hộp đẹp mắt. Nếu mua lẻ, một cuốn Phế đô mới có giá 39 NDT (78.000 đồng).
12 triệu bản in lậu
Độc giả trung niên ở Trung Quốc vẫn còn nhớ câu chuyện 16 năm trước. Trong nửa đầu năm 1993, tiểu thuyết Phế đô của Giả Bình Ao đầu tiên được đăng tải trên tạp chí Tháng Mười rồi bản in đầu tiên được Nhà xuất bản Bắc Kinh tung ra và nhanh chóng đạt số lượng 500.000 bản. Tuy nhiên, cuối năm đó, cuốn tiểu thuyết này bị cấm vì “dung tục và khiêu dâm”. Nhà xuất bản Bắc Kinh cũng bị phạt.
Kể từ đó đến nay, Phế đô vẫn được lưu hành rộng rãi. Theo những thống kê không đầy đủ, hơn một triệu bản được phát hành chính thức hoặc bán chính thức. Số bản in lậu ước tính vượt con số 12 triệu.
Theo như chính lời của Giả Bình Ao, nơi nào trên thế giới có người Hoa thì ở đó có Phế đô. Bản thân cuốn tiểu thuyết này cũng gây tranh luận dữ dội trên văn đàn Trung Quốc. Một số cho rằng nó là kiệt tác, có tầm quan trọng lịch sử trong văn học đương đại Trung Quốc và là một đỉnh cao của sự nghiệp Giả Bình Ao. Số khác lại cảm thấy Phế đô không đạt tầm như các tác phẩm khác của nhà văn này và xếp dưới một bậc so với Phù táo.
Có dư luận nhận xét rằng Phế đô bị cấm năm 1993 phần nào là do sự thổi phồng quá đáng của giới buôn sách Trung Quốc lúc đó. Phế đô được tung hô là Kim Bình Mai hiện đại và thậm chí còn có những chiêu quảng cáo kiểu “nửa kín nửa hở” như là đoạn nào bị kiểm duyệt thì để trống khi in sách. Kiểu tiếp thị quá đà đó góp phần dẫn tới lệnh cấm nghiêm ngặt nói trên.
Giờ đây, khi Phế đô tái bản, độc giả vẫn còn nhiều thắc mắc: Liệu lệnh cấm với cuốn tiểu thuyết này khi nào thực sự được dỡ bỏ? Liệu những từ ngữ cắt xén có thực sự được Giả Bình Ao chỉnh sửa? Có lẽ chỉ khi nào nó chính thức ra mắt, các câu hỏi trên mới phần nào được giải đáp.
Giả Bình Ao, sinh năm 1953, là một nhà văn đặc sắc đương đại của Trung Quốc. Ông khởi nghiệp viết văn vào năm 1973 với tác phẩm đầu tay là truyện ngắn Đôi tất. Đến năm 1978, Giả Bình Ao đã thành danh khi tiểu thuyết Mãn nguyệt nhi được trao giải toàn quốc. Suốt hai thập kỷ sau đó, tiểu thuyết của ông được đánh giá có chất lượng cao, giữ vững “chất”.
Hành trình sáng tác của Giả Bình Ao chia thành hai chặng rõ rệt: Từ tác phẩm đầu tay đến hết những năm 80 và từ đầu những năm 90 đến nay. Hầu hết các tác phẩm của ông trước đây viết về đề tài làng quê nông thôn, xoay quanh chủ đề cải cách xã hội nông thôn, các phong tục dân gian. Nhưng sau này, các tác phẩm của ông lại chuyển sang đề tài tình yêu và cuộc sống hiện đại, đặc biệt là ở các tiểu thuyết. Các truyện ngắn ông viết ở giai đoạn này mang đậm triết lý cổ, trong đó có triết lý đạo thiền. Những tiểu thuyết chính của Giả Bình Ao là Thương châu, Phù táo, Cuộc tình, Phế đô, Bạch dạ, Tần xoang...
|
Theo TT&VH |