Tạp chí Sông Hương -
Tạo sức hấp dẫn cho giờ học lịch sử
09:45 | 24/09/2021

Truyền tải các bài học với nội dung cô đọng, kết hợp với chuyện kể, hình ảnh, phim, trò chơi, hoạt động tương tác... giờ học lịch sử được tổ chức trực tuyến nhưng không khô khan, tạo được sự hứng thú, thu hút học sinh tìm hiểu về những câu chuyện của quá khứ. Đó là cách Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đang làm với Giờ học lịch sử online.

Tạo sức hấp dẫn cho giờ học lịch sử
Chương trình “Sáng mãi những tấm gương anh hùng” được đưa vào Giờ học lịch sử online - Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Ứng dụng công nghệ, tạo sản phẩm giáo dục mới

Trong bối cảnh giãn cách xã hội do Covid-19, phần lớn hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường được chuyển sang hình thức trực tuyến. Các chương trình giáo dục truyền thống, lịch sử cho thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên, vốn là thương hiệu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng thay đổi cách thức triển khai để thích ứng.

Theo Ths Phạm Thị Mai Thủy, Trưởng phòng Giáo dục, công chúng, từ năm 2019, để bảo đảm phục vụ rộng rãi khách tham quan và đáp ứng nhu cầu học lịch sử của học sinh, bên cạnh duy trì tổ chức các chương trình giáo dục, hoạt động trải nghiệm trực tiếp, Bảo tàng đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng chương trình Giờ học lịch sử online, nhằm tích hợp các hoạt động thường xuyên với tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Bảo tàng cũng đã chủ động nghiên cứu, xây dựng các chương trình giáo dục mới, chú trọng đầu tư nghiên cứu, nâng cao chất lượng nội dung và hình thức nhằm tạo ra những sản phẩm giáo dục hấp dẫn.

Đầu năm 2020, khi Covid-19 bùng phát, để bảo đảm chương trình giáo dục được duy trì cũng như phòng, chống lây lan dịch bệnh, Bảo tàng đã từng bước chuyển hướng hoạt động giáo dục từ trực tiếp đến bảo tàng sang học online thông qua ứng dụng Zoom. Giờ học lịch sử online được bắt đầu triển khai từ tháng 7.2020, với 2 nhóm học thử nghiệm cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở.

Dựa trên các nội dung trưng bày, sưu tập hiện vật, cán bộ giáo dục Bảo tàng đã nghiên cứu, xây dựng nội dung chương trình phù hợp với từng nhóm học sinh. Đối với học sinh chưa học lịch sử ở nhà trường, chương trình tập trung giới thiệu các nhân vật, sự kiện lịch sử; với học sinh đã học lịch sử, chương trình được thiết kế gắn kết với nội dung trong sách giáo khoa. Với hình thức này, cho dù ở đâu, các em chỉ cần được trang bị máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet và được cán bộ bảo tàng cấp mã vào Zoom là có thể tham gia lớp học.
 

Thiết kế bài học sinh động, phù hợp lứa tuổi

Năm 2021 có nhiều ngày kỷ niệm lớn: 90 năm thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26.3.1931 - 26.3.2021); 80 năm thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (15.5.1941 - 15.5.2021); 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5.6.1911 - 5.6.2021)... Đó là lý do và ý tưởng ban đầu để cán bộ Bảo tàng nghiên cứu, xây dựng chương trình giáo dục mới mang tên “Sáng mãi những tấm gương anh hùng” dành cho đối tượng công chúng là học sinh khối tiểu học. Ths Phạm Thị Mai Thủy cho biết, chương trình gồm 5 buổi học gắn với 5 chủ đề tìm hiểu về những tấm gương anh hùng ở lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu như: Kim Đồng, Võ Thị Sáu, Lý Tự Trọng, Nguyễn Bá Ngọc... Đó là những anh hùng tuổi nhỏ vô cùng mưu trí, dũng cảm, đã hy sinh và cống hiến cả tuổi xuân cho mùa xuân đất nước.

Sức hấp dẫn của chương trình này không chỉ ở nội dung gắn liền với các nhân vật lịch sử các em nhỏ từng được biết, được nghe, được học ở trường, mà còn cách truyền tải cô đọng, súc tích và giao diện bài giảng được thiết kế sinh động thông qua bốn phần chính: Nhân vật lịch sử, Câu chuyện lịch sử, Hiện vật lịch sử và Di tích lịch sử... giúp các em dễ hiểu, dễ nhớ. Đặc biệt, phần cuối chương trình là trò chơi trải nghiệm với các câu hỏi đua tài trí tuệ gắn liền với chủ đề buổi học được xây dựng phù hợp với các lứa tuổi.

Theo thống kê của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, từ tháng 7.2020 - 30.8.2021, Bảo tàng đã tổ chức được 275 buổi học với 5.360 lượt học sinh tham gia, gồm các đối tượng học sinh lớp 2, 3, 4, 5, 6 ở Hà Nội và các tỉnh/ thành phố: TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cà Mau, Sơn La, Nghệ An... trong đó, một số em là người Việt đang sinh sống ở nước ngoài.

Đánh giá về Giờ học lịch sử online, cô Tô Thanh Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Thái Thịnh (Hà Nội) cho biết: “Nội dung giờ học được thiết kế công phu, hình ảnh đẹp, tạo hứng thú cho học sinh. Kiến thức chọn lọc, phù hợp với lứa tuổi nên các em hào hứng học tập và ghi nhớ một cách nhẹ nhàng, không nặng nề, gò bó. Cán bộ Bảo tàng có khả năng truyền đạt tốt và tâm huyết nên truyền được tình yêu lịch sử cho các con. Vì vậy, học sinh tích cực học tập, nắm chắc nội dung bài học và có ý thức tự tìm hiểu thêm về lịch sử”.

Theo Ngọc Phương - ĐBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng