Tạp chí Sông Hương -
Khởi đầu mới văn học Nga - Việt Nam
10:00 | 24/09/2021

Trong khuôn khổ các hoạt động trước thềm Festival “Văn học Nga khu vực Thái Bình Dương” lần thứ 4 (sẽ diễn ra vào 23 - 25/9) tại thành phố Vladivostok (Nga), ngày 15/9 vừa qua, cuộc gặp gỡ, giao lưu văn học Nga - Việt đã diễn ra.

Khởi đầu mới văn học Nga - Việt Nam
Một số tác phẩm văn học Nga đã được xuất bản tại Việt Nam.

Mong nối lại nhịp cầu

Chủ đề chính của buổi giao lưu là văn học hướng tới đối tượng người đọc thanh, thiếu niên ở Việt Nam và Nga, vấn đề thế hệ và việc trao truyền mã văn hóa thông qua văn học. Đại diện của Việt Nam tham gia buổi giao lưu gồm các nhà văn: Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyễn Thụy Anh, Nguyễn Xuân Thủy, Phong Điệp, Văn Thành Lê, Kiều Bích Hậu, Nguyễn Thị Kim Hòa. Ban tổ chức sự kiện - Tập đoàn truyền thông PrimaMedia và Ban lãnh đạo Quỹ “Thế giới Nga” chi nhánh Viễn Đông - đơn vị đứng ra tổ chức sự kiện chia sẻ niềm háo hức với việc được kết nối, trò chuyện với những người bạn Việt Nam.

Nhìn lại, tính đến thập niên 80 của thế kỷ trước, văn học Nga vẫn được nhiều nhà xuất bản của Việt Nam lựa chọn in ấn. Các mối giao lưu văn học được duy trì khá thường xuyên. Trường viết văn Gorki của Liên Xô trước kia đón nhiều nhà văn Việt Nam sang học tập. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khách quan cùng những biến động của lịch sử, sự kết nối, giao lưu văn học giữa Việt Nam - Nga có phần thưa thớt hơn. Văn học Nga đương đại ngày càng vắng bóng trong đời sống văn học Việt Nam. 

Tham gia cuộc giao lưu, trò chuyện, nhà văn Andrei Ghelasimov - người từng đoạt giải thưởng Apollon Grigoriev danh giá năm 2003, giải thưởng sách Nga bán chạy nhất năm 2019 chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được gặp các nhà văn Việt Nam. Những hiểu biết của chúng ta về nhau còn quá ít ỏi. Điều đó cho thấy chúng ta có rất nhiều việc cần phải làm trong thời gian tới”. 

Trao cơ hội cho người trẻ

Dành mối quan tâm đối với văn học dành cho thanh, thiếu niên, nhà văn Andrei cho rằng, nhiều nhà văn hiện quá bận rộn với những vấn đề của người lớn mà quên mất viết cho trẻ em. Một số người cho rằng những vấn đề của trẻ em, đặc biệt là tuổi mới lớn đơn giản chỉ là sự thay đổi tâm sinh lý lứa tuổi, theo thời gian sẽ mất đi, không cần quá quan tâm. Điều này khiến cho những người trẻ có nguy cơ mất đi tiếng nói thật sự của mình.

Ở Việt Nam, tình hình có phần khả quan hơn. Theo nhà văn Phong Điệp, Ủy viên Hội đồng văn học thiếu nhi - Hội Nhà văn Việt Nam, lực lượng sáng tác cho thiếu nhi thường xuyên được bổ sung: bên cạnh các tác giả đã thành danh còn có sự góp mặt của các tác giả trẻ. Việt Nam rất chú trọng việc bồi dưỡng thế hệ viết mới thông qua các hình thức như: tổ chức trại sáng tác, lớp tập huấn, các cuộc thi viết dành cho trẻ em… Từ đó, phát hiện những người có năng khiếu để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng với sự tham gia giảng dạy của các nhà văn tên tuổi.

Để không rơi vào tình trạng đứt gãy về thế hệ, hiện Nga cũng đặc biệt quan tâm đến công tác bồi dưỡng các tác giả trẻ. Nhà văn Vyacheslav Konovalov, Chủ tịch Festival Văn học Nga khu vực Thái Bình Dương cho biết: Hiện, nhà nước triển khai những dự án, chương trình nhằm phát hiện và phát triển các tài năng văn học trẻ. Tác phẩm của họ được các nhà xuất bản tạo điều kiện in ấn. Mục tiêu hướng đến là xây dựng một thế hệ nhà văn mới trong tương lai. Ông Roman Kosynghin, Tổng Biên tập Nhà xuất bản có tuổi đời 100 năm - “Đội cận vệ trẻ”, chia sẻ thêm: Cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, các nhà xuất bản Nga cũng rất năng động nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các tác giả trẻ được phát huy tài năng.

Mở con đường cho tương lai

Tại cuộc giao lưu, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: Hội đang xây dựng một chiến lược xuyên suốt, dài hạn đối với văn học thiếu nhi. Lần đầu tiên hội có một giải thưởng chính thức hằng năm dành cho văn học thiếu nhi, ngang bằng các giải thưởng khác. Lần đầu tiên có một cuộc vận động do hội đứng ra tổ chức, kêu gọi các nhà văn sáng tác cho thiếu nhi. Và cuộc tọa đàm, giao lưu văn học Nga - Việt lần này cũng là một sự khởi đầu tốt đẹp cho sự phát triển của văn học thiếu nhi trong tương lai. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chính thức có lời mời các nhà văn Nga đến Hà Nội để có những hội thảo và kế hoạch lớn hơn về văn học thiếu nhi, để hoạt động giao lưu văn học giữa hai quốc gia ngày càng sâu sắc hơn. Nhà văn Kiều Bích Hậu, Ủy viên Hội đồng dịch thuật của Hội đề xuất về một bản ghi nhớ song phương về sự hợp tác giữa Việt Nam - Nga trong thời gian tới, đặc biệt trong lĩnh vực dịch thuật nhằm giới thiệu, xuất bản, quảng bá tác phẩm của hai nước. 

Ông Aleksandr Zubritski, Giám đốc chi nhánh vùng Viễn Đông Quỹ “Thế giới Nga” cùng ông Vyacheslav Konovalov bày tỏ sự đồng tình với những đề xuất của phía Việt Nam. Hai bên đều tin tưởng rằng, cuộc gặp này sẽ là khởi đầu tươi mới cho sự hợp tác và những chuyến đi trao đổi kinh nghiệm một cách thiết thực giữa các nhà văn trong tương lai.


Theo Thi Phong - Thời Nay

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng