Tạp chí Sông Hương -
Minh triết của sang chấn
14:47 | 27/09/2021

"Việc trên đời, chỉ cần vẫn còn cơ hội sống thì dù liên tiếp gặp thiên tai nhân họa, tạm thời bị ức chế, sớm muộn cũng sẽ có ngày ngẩng cao đầu. Việc cá nhân là vậy, việc gia đình là vậy, việc quốc gia, dân tộc cũng là như thế...".

Minh triết của sang chấn
Nguồn: ITN

Đối mặt với làn sóng thứ 4 nhiều đau thương và mất mát này của đại dịch Covid-19, tôi nghĩ ai trong chúng ta ít nhiều cũng đều trải qua những cơn sang chấn. Với hàng nghìn người có người thân mắc bệnh nặng hoặc qua đời, sự hoảng sợ và nỗi đau chia lìa đó sẽ tích tụ lại để tạo thành một cơn sang chấn lớn, không dễ gì vượt qua được. Trong bộ phim “A Short Film about Love” của đạo diễn Krzysztof Kieslowski mà tôi xem gần đây, có một câu thoại thế này: “Nỗi đau mất đi người thân luôn là nỗi đau lớn nhất, để lại những dư âm dai dẳng nhất”.

Với hàng triệu người mất đi việc làm, mất đi sinh kế, bị phá sản, hoặc thậm chí phải chịu cảnh thiếu lương thực, đói kém vì dịch bệnh, trận sang chấn này cũng sẽ để lại những vết hằn rất sâu, không dễ gì vượt qua được. Ngay cả với một ngôi sao lớn như Meryl Streep, trong một cuộc trả lời phỏng vấn khi nói về hạnh phúc, bà đã trả lời rằng, thứ khiến chúng ta hạnh phúc đều khá đơn giản: Được yêu thương, có một đời sống chăn gối viên mãn và có thức ăn. Những thứ khác như quyền lực, sự ảnh hưởng và sức mạnh có thể có những vai trò quan trọng đối với một số người, nhưng với hầu hết người khác, điều khiến cuộc sống hạnh phúc rất đơn giản là có thức ăn, có nơi ở và có những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Bao nhiêu triệu người, triệu gia đình đã mất đi niềm hạnh phúc đơn giản đó vì trận đại dịch thế kỷ này?

Và với hàng triệu người khác, như chúng ta, may mắn vẫn an toàn và vẫn có đủ lương thực, vẫn có nơi trú ngụ nhưng chắc chắn cũng phải trải qua những trận sang chấn vì bị ức chế tinh thần, vì bị “cầm tù” trong bốn bức tường và đầy rẫy những thông tin độc hại, tiêu cực khắp nơi…

Những cơn sang chấn lớn, nhỏ đó gộp lại, tạo thành một trận sang chấn tập thể. Và trận sang chấn tập thể này sẽ tạo thành một vết hằn trong vỏ não. Ngay cả khi vượt qua được trận đại dịch này và trở về với cuộc sống bình thường mới, tôi nghĩ hầu hết chúng ta không dễ gì quên được nó. 

Vậy thì làm thế nào để vượt qua được cơn sang chấn này mà ta vẫn bình tâm để sống tiếp, làm thế nào để ta học được những bài học sinh tồn (cả thể chất lẫn tinh thần) từ dịch bệnh để chuyển hóa chúng thành năng lượng của cuộc sống.

“Wisdom of Trauma” (tạm dịch: “Minh triết của sang chấn”) - bộ phim tài liệu vừa ra mắt này đưa ra những kiến giải thông thái của vị tiến sĩ, tác giả sách tâm lý nổi tiếng Gabor Maté. Ông đã dành hàng chục năm để khám phá lý do tại sao xã hội phương Tây phải đối mặt với một “đại dịch” liên quan đến sang chấn giết chết (tự tử) trên 800.000 người mỗi năm trên toàn cầu, chỉ riêng trong độ tuổi từ 15 - 24? Và cứ 5 người Mỹ thì có 1 người được chẩn đoán có các vấn đề liên quan đến bệnh tâm thần? 

Gabor Maté đã khám phá ra những nguyên nhân dẫn đến sang chấn tinh thần ở con người thời hiện đại, đặc biệt là giới trẻ. Trong bộ phim này, có một câu nói của ông mà tôi rất thích: “Khi nói đến sang chấn, người ta thường chỉ nói đến những người từng trải qua những đau đớn, tổn thương; nhưng có một loại sang chấn khác là những người đơn độc với sự tổn thương”. Những người đơn độc với sự tổn thương - theo ý ông, là những người trải qua sang chấn mà không biết nói ra hay chia sẻ cùng ai. Và sự đơn độc với sự tổn thương đó càng khiến cho bệnh tình của họ ngày càng nặng thêm và kéo dài dai dẳng. Trong khi với những bệnh nhân được chia sẻ, được thấu hiểu, được chữa lành, nó sẽ mang lại những kết quả tích cực đến mức bản thân ông cũng không hình dung được trước đó. 

Trong đoạn kết bộ phim này, Gabor Maté kết luận rằng khi những bệnh nhân sang chấn được chữa lành, nguồn năng lượng bị ức chế trước đó sẽ được giải phóng và mang lại những tín hiệu tích cực cho cuộc sống hiện tại của họ. Năng lượng (tiêu cực) của sự chấn thương có thể được chuyển hóa thành năng lượng (tích cực) của cuộc sống - phải chăng, đấy chính là “minh triết của sang chấn” mà nhan đề của bộ phim tài liệu này muốn đề cập đến?

* * *

Cho dù là một người đã quen với cuộc sống độc lập và hoàn toàn có thể làm việc tại nhà, những cuộc giãn cách xã hội và bức bối vì dịch bệnh trong suốt nhiều tháng vừa qua cũng khiến tôi bị ức chế và ít nhiều trải qua cảm giác sang chấn.

Và “minh triết của sang chấn” với tôi trong những ngày qua, là những cuốn sách này. Những cuốn sách này tôi đã đọc trước đây, đã ít nhiều tìm ra những “minh triết” từ chúng. Và trong trận đại dịch này, tôi lại một lần nữa tìm thấy nhiều ý nghĩa từ chúng. Không gì hơn là chia sẻ những “minh triết” đó từ chúng, với hy vọng tạo thêm một chút động lực, hay cảm hứng từ những cuốn sách này. 

1. SỰ AN ỦI CỦA TRIẾT HỌC của Alan de Botton

Vị triết gia người Thụy Sỹ đã giúp triết học trở nên gần gũi hơn với đời sống qua những chủ đề luôn là nỗi bận tâm của con người hiện đại: Bị ghét bỏ, không tiền, thất tình, thiếu thốn vật chất và tinh thần, lo lắng, sợ thất bại và áp lực phải hành xử theo chuẩn mực, đối mặt với khó khăn... Ông đã trích dẫn, luận giải và kết nối các tư tưởng vĩ đại của các triết gia huyền thoại trong lịch sử loài người một cách dễ hiểu và thông thái. 

Trong chương “Niềm an ủi cho sự khó khăn”, ông trích dẫn và luận giải nhiều quan điểm của những triết gia nổi tiếng mà tôi nghĩ rất có ích cho chúng ta hiện nay, như: "Người khôn ngoan nỗ lực được tự do thoát khỏi nỗi đau, chứ không phải có được niềm vui” - Aristotle. 

"Chúng ta nên hướng mục tiêu của mình không phải vào những điều dễ chịu và vui vẻ trong cuộc sống, mà vào việc tránh càng xa càng tốt vô vàn điều xấu của nó… Những người hạnh phúc nhất là những người đi hết cuộc đời mà không phải gặp phải bất kỳ nỗi đau quá lớn nào, về thể chất cũng như tinh thần” - Schopenhauer.

"Chúng ta biết rằng cuộc sống toàn là khổ đau và ta càng cố hưởng thụ cuộc sống thì càng làm nô lệ cho nó, do đó ta (nên) vứt bỏ những điều tốt trong cuộc sống và tập sống tiết chế" - Nietzsche.

Trong cuốn “Tiểu luận” của Montaigne, một triết gia mà Nietzsche yêu quý, viết rằng “nghệ thuật sống nằm ở chỗ tìm ra công dụng cho những nghịch cảnh của ta”: "Chúng ta học cách chịu đựng những gì không tránh được. Cuộc đời của chúng ta, giống như sự hài hòa của thế giới, được tạo nên từ những nghịch âm cũng như từ những âm sắc khác nhau, ngọt ngào và chói tai, thăng và giáng, nhẹ nhàng và ầm ĩ. Nếu người nhạc sĩ chỉ thích vài âm thanh thì anh ta sẽ hát được gì? Anh ta phải biết cách sử dụng mọi âm thanh và hòa trộn chúng lại với nhau. Chúng ta cũng cần làm như thế với cái tốt và cái xấu đối với cuộc đời chúng ta, chúng cùng là một nguyên liệu”.

2. "SANG CHẤN TÂM LÝ: HIỂU ĐỂ CHỮA LÀNH" của Tiến sĩ Y khoa Bessel Van Der Kolk

Der Kolk từng nói rằng: “Ai cũng có thể bị sang chấn tâm lý, kể cả tôi, bạn, người thân, bạn bè, đồng nghiệp của bạn. Sang chấn không chỉ để lại dấu vết trong tâm hồn, cảm xúc của chúng ta mà còn ảnh hưởng đến cả cơ thể và hệ thống miễn dịch”. Ông cũng nhấn mạnh, một cơn sang chấn có thể tác động và ảnh hưởng đến cơ thể, tâm trí và não bộ của chúng ta nhiều hơn là ta tưởng. Cho dù sang chấn được xem là vấn đề sức khỏe cộng đồng cấp bách nhất hiện nay, ông cho rằng nếu chúng ta áp dụng những kiến thức và thực hành các bài tập để vượt qua sang chấn, nó sẽ để lại những kết quả tích cực đôi khi vượt xa sự mong muốn của chúng ta. 

"Hầu hết những người khởi xướng nên những thay đổi trong xã hội đều có kinh nghiệm cá nhân liên quan chặt chẽ tới sang chấn, ví dụ như Oprah Winfrey, Maya Angelou, Nelson Mandela, Elie Wiesel. Khi nhìn vào quá khứ của họ, bạn sẽ nhận thấy những hiểu biết sâu sắc và niềm đam mê của họ đều nảy sinh từ việc họ phải đối mặt với việc cuộc sống của mình có thể bị hủy hoại như thế nào. Và điều này cũng đúng với xã hội. Rất nhiều tiến bộ vượt bậc mà chúng ta đạt được đều chính nhờ những trải nghiệm sang chấn mà loài người phải trải qua như các cuộc Thế chiến, Thời kỳ Đại suy thoái…".

3. "POWER vs. FORCE" của David R. Hawkins

Trong cuốn sách nói về “Trường năng lượng và những nhân tố quyết định tinh thần, sức khỏe con người”, tiến sĩ David R. Hawkins, nhà tâm thần học, bác sĩ và đồng thời cũng là nhà nghiên cứu về ý thức nổi tiếng của thế giới. Với ông, ý thức hay trường năng lượng tinh thần của con người là một nguồn năng lượng vô tận. Sau hơn 25 năm nghiên cứu, ông đã cho ra đời Bản đồ Ý thức (với thang đo từ 1 - 1000) để thể hiện tình trạng sức khỏe thể chất, cảnh giới tinh thần của con người bằng con số cụ thể. 

Chương dưới đây ông lý giải đến sức khỏe thể chất, tinh thần liên quan đến bệnh tật như thế nào với nhiều kiến giải quá hữu ích cho chúng ta trong thời điểm hiện tại.

"Nói chung, thái độ tích cực có lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần, trong khi bệnh tật lại gắn liền với những thái độ tiêu cực như tức giận, ghen tị, thù địch, tự ti, sợ hãi, lo âu… Trong lĩnh vực phân tâm học, thái độ tích cực gọi là những cảm xúc có ích và thái độ tiêu cực gọi là những cảm xúc nguy cấp. Đắm chìm quá lâu trong những cảm xúc nguy cấp sẽ làm suy yếu thể chất hoặc tinh thần và sức mạnh cá nhân của con người. Làm thế nào người ta có thể vượt qua được thái độ tiêu cực để tránh bị bào mòn năng lượng và sức khỏe như thế? Quan sát lâm sàng cho thấy bệnh nhân phải đạt đến một điểm quyết định. Chân thành khao khát thay đổi cho phép người ta tìm kiếm những mô thức điểm hút năng lượng cao hơn trong những biểu hiện phong phú của chúng".

"Như chúng ta đều biết, nếu bạn giữ một ý nghĩ tiêu cực cụ thể nhất định trong tâm trí, thì một cơ bắp cụ thể chắc chắn sẽ bị suy yếu; nếu sau đó bạn thay ý nghĩ này bằng một ý nghĩ tích cực, thì cơ bắp kia sẽ lập tức khỏe khoắn trở lại. Sự kết nối giữa tâm trí và cơ thể có tính tức thì, vì thế những hồi đáp của cơ thể một người sẽ chuyển dịch và thay đổi từng khắc tương ứng với chuỗi ý nghĩ và những cảm xúc liên quan của người đó".

 4. "SỐNG VỐN ĐƠN THUẦN" - Phong Tử Khải

Cuối cùng là cuốn tạp văn của nhà văn, họa sĩ người Trung Quốc đã viết gần một thế kỷ trước nhưng đọc ở thời điểm này vẫn thấy hiện đại, tinh tế và những giá trị thưởng thức, đặc biệt với những ai tìm kiếm sự điềm tĩnh và giản dị trong đời sống. Đọc "Sống vốn đơn thuần" lúc này, chúng ta sẽ tìm thấy trong đó một lời an ủi: "Việc trên đời, chỉ cần vẫn còn cơ hội sống thì dù liên tiếp gặp thiên tai nhân họa, tạm thời bị ức chế, sớm muộn cũng sẽ có ngày ngẩng cao đầu. Việc cá nhân là vậy, việc gia đình là vậy, việc quốc gia, dân tộc cũng là như thế...".

 
Theo Lê Quân - ĐBND
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng