Tạp chí Sông Hương -
Chùa và những vỉa tầng văn hóa trong thơ Hoàng Cầm
14:54 | 27/09/2021

Biểu tượng trong thơ Hoàng Cầm không chỉ là một phạm trù khách quan của “vật tự nó”, mà còn như một trữ lượng giá trị thăng hoa trong cái nhìn nghệ thuật của nhà thơ.

Chùa và những vỉa tầng văn hóa trong thơ Hoàng Cầm

Tính chất của biểu tượng rất phong phú, phức tạp và sâu xa, bởi ở đó có sự đan xen, hội họp giữa vùng nổi của ý thức và vùng khuất lấp, mờ chìm sâu thẳm của vô thức, tiềm thức, nhưng có thể xâu kết lại thành các chuỗi. Bởi khi Hoàng Cầm sử dụng biểu tượng vào việc tái tạo mô hình thế giới thì cũng đồng thời tước bỏ bớt hiện tượng môi giới, trung gian theo “nguyên tắc logic”, khiến cho biểu tượng trở nên mơ hồ, bất định. Do tính chất nước đôi của văn hóa nên nội hàm ý nghĩa của biểu tượng rất khó nắm bắt vẹn toàn. Nhưng trong cái nhìn gần gũi, quen thuộc của riêng Hoàng Cầm, người đọc rất dễ nhận ra một không gian văn hóa Kinh Bắc trải rộng trên nhiều phía núi, sông, chùa, làng Việt cổ; sinh hoạt diễn xướng, đình đám hội hè, cách giao đãi, vui chơi; cách “ăn”, cách “mặc” phù hợp với hoàn cảnh. Tính chất của biểu tượng là “tiết lộ mà che giấu”. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung giải mã chuỗi biểu tượng chùa trong thơ Hoàng Cầm nhằm góp phần soi tỏ thêm một số khía cạnh của giá trị, ứng xử, bản sắc văn hóa người Việt vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Có thể khẳng định rằng, chùa Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm là một kết tinh của cái nhìn “viễn cận dân chủ”, với đường nét tinh tế, đẹp mắt, hài hòa trong tinh thần triết lí âm dương như: rồng phượng, mặt trăng, mặt trời, mây mưa, cây cỏ, tượng Quan Âm, chân hộ pháp, thập điện Diêm Vương, mái hậu cung... Trong bối cảnh của tồn tại, người đọc sẽ hiểu vì sao Hoàng Cầm lại ví von hình ảnh chuông chùa như một nét môi xinh: Ơi chiều Kinh Bắc/ Chuông chùa nhuộm son (Quà mẹ). Lối ví von này biểu trưng cho cái đẹp mang màu sắc sinh động, nữ tính, luôn thuộc về con người. Và người đọc cũng sẽ hiểu vì sao Hoàng Cầm lại luôn tha thiết lắng nghe, đối thoại với người xưa: Vua thuận dòng mẫu hệ/ Lắng chuông chùa nhuốm son (Theo dòng mẫu hệ). Vì văn hóa là những giá trị mà con người kế thừa và sáng tạo ra với hi vọng được “sống sót” trong ngôn ngữ. Mặt khác, chùa chiền Kinh Bắc còn là kênh Hoàng Cầm có thể giao tiếp với người xưa qua tích cũ, là phương cách hướng thiện, gạn đục khơi trong, hướng tới sự an bằng thư thái trong tâm hồn. Chùa gắn liền với cuộc sống bình dị ở làng quê, nên hình ảnh của nó rất gần gũi, thân thuộc trong suy nghĩ của nhân dân. Chùa xứ Bắc không tạo ra khoảng cách xa vời, không gây nên cảm giác “cực quyền cuồng tín” (chữ của Phạm Đức Dương). Vì thế, hình ảnh những chiếc lá đa rơi, những pho tượng hiền lành trong không gian làng quê ít mang lại cảm giác lo âu sợ sệt, mà kết tinh thành nét văn hóa ứng xử, góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp, làm phong phú thêm cho đời sống tinh thần của cư dân Kinh Bắc. Tìm về thế giới chùa làng, Hoàng Cầm phần nào được tắm gội tâm hồn trong hơi thở thánh thiện, thiêng liêng và cao cả. Đặc biệt, vào những năm chiến tranh li tán, sự hiện hữu của tiếng chuông chùa trong kí ức như vọng về một thuở bình yên: Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu/ Những nàng môi cắn chỉ quết trầu/ Những cụ già phơ phơ tóc trắng/ Những em sột soạt quần nâu/ Bây giờ đi đâu về đâu (Bên kia sông Đuống). Phải chăng, mỗi khi âm thanh tiếng chuông chùa thoát ra từ bộn bề cuộc sống là một lần chỉ cho con người con đường cứu vớt chúng sinh. Đồng thời, bồi đắp thêm vào suy nghĩ của cá nhân một nhận thức điềm đạm, lắng sâu về truyền thống trân trọng, yêu thương em nhỏ, mẹ già giữa thời tao loạn. Âm thanh chuông chùa “văng vẳng” như những kỉ niệm vọng về, nhắc nhở con người biết sẻ chia, đồng cảm. Cao hơn nữa, âm thanh đó thức tỉnh những tâm hồn còn ngủ yên nhận biết về sự hiện diện của chính mình trong khoảnh khắc tồn tại ngắn ngủi.

Trong lịch sử, chùa xứ Bắc là nơi gắn liền với tên tuổi của những nhà tu hành đắc đạo như Viên Chiếu, Không Lộ, Vạn Hạnh, Huyền Quang... Tinh thần cơ bản của đạo Phật là giúp chúng sinh nhận thức nguyên nhân gây ra nỗi khổ, đồng thời chỉ cho họ con đường tu hành để giải thoát. Chủ trương của đạo Phật là xuất thế diệt dục, dập tắt ngọn lửa ham muốn, chiến thắng đòi hỏi của thân xác bằng việc tu tâm rèn đức, khai mở trí tuệ, giác ngộ siêu thoát và yên tâm về với cõi niết bàn. Do cái gốc của Phật giáo là tính thiện, nên khi du nhập vào đất Luy Lâu, Thuận Thành, Bắc Ninh, thiền học đã tích hợp với tín ngưỡng bản địa người Việt, với truyền thống yêu nước thương nòi, với khát vọng xây dựng quê hương, đất nước thịnh trị thái bình. Trên nền tảng nhân văn Phật giáo, Hoàng Cầm nhận ra tầm nhìn của một vị vua “khai quốc”. Ở đó, dù muốn hay không, người ta cũng không thể phủ nhận được tầm vóc, nhân cách của một người con được nuôi lớn bằng tình thương, hơi ấm nhà chùa. Đó chính là nguyên nhân giúp Lý Công Uẩn dấn thân trị vì, hướng về lẽ phải, niềm tin, góp phần xây dựng nên một thời đại huy hoàng trong lịch sử. Hoàng Cầm tự hào về chiến công mở mang bờ cõi, nhưng cũng tiếc thương cho sự mất mát, suy vong khép lại sứ mệnh lịch sử một vương triều: Công Uẩn nhặt chùa Tiêu/ Dựng Lý triều hoa gấm/ Để cuối cùng vắng teo/ Đêm Chiêu Hoàng trăng lặn (Chân dung tự thú).

Có lẽ, việc các bậc “cha mẹ” muôn dân xưa lựa chọn cho mình con đường tu hành sau đoạn quan lộ không phải là cách thoát tục, lánh đời, mà là một lựa chọn sáng suốt của thánh nhân “cư trần lạc đạo”, một cách “nhập thế”, hành trình theo gót chân Bụt, cứu giúp chúng nhân và cứu giúp cả muôn loài. Biểu tượng chùa vùng đất cổ Kinh Bắc vì thế là một nét văn hóa tâm linh trong tâm hồn người Việt. Dù không tuyên bố rõ ràng nhưng chúng ta thấy Hoàng Cầm mượn các phạm trù văn hóa Phật giáo khái quát chùm thơ Nhịp mộtKhấn nguyện (trong tập Về Kinh Bắc), hoặc dùng làm tên gọi cho các bài thơ Đèn nhang 1, Đèn nhang 2, Cầu Phật, Hiếu sinh, Sám hối hay Tu. Ngôn ngữ nhà Phật mà Hoàng Cầm lựa chọn bàng bạc những nỗi niềm ẩn ức, những trăn trở, suy tư trước các vấn đề muôn thuở của thân phận cá nhân, thân phận con người trong lịch sử.

Tiếp nữa, trong cái nhìn của Hoàng Cầm, chùa xứ Bắc vừa như một miền sâu thẳm của cõi hư vô, vừa như một kênh giúp nhà thơ nhận thức sâu sắc những nhu cầu cần thiết của cuộc sống: Chùa Phật Tích duỗi trong màn lụa bạch/ Tượng Quan Âm má ửng bồ quân/ Chuông chiều cởi yếm/ Chuông sớm đội khăn/ Câu kinh tê tê mười ngón tay măng (Đêm Thủy). Trong không gian thanh sạch thuần khiết của ánh sáng, tượng Quan Âm, chùa Phật Tích không chỉ là công trình kiến trúc mang cảm quan tôn giáo thâm nghiêm, mà còn là hình ảnh sinh động tươi mát của hơi thở, da thịt, sự động cựa của tuổi thanh xuân chốn phàm trần. Trong cảm quan của Hoàng Cầm, chùa làng là môi trường văn hóa giao hòa giữa con người và thần thánh nên nó còn là khát vọng sống, khát khao luyến ái mà màu tối của chiếc áo tu hành cũng không thể che đậy hết sự trường sinh trên cơ thể con người: Liếu điếu vỗ hoa xoan lả tả/ Lụa sồng nén nghẹn búp thanh xuân (Đêm Thủy). Trong cái nhìn của Hoàng Cầm, chùa là cửa ngõ giúp con người trở về với tâm thức văn hóa dân gian, về với thú vui an lạc đời thường. Nó khác xa với cách hiểu diệt dục thô thiển, cứng nhắc mà có người đã lí giải sau này. Về với biểu tượng chùa Kinh Bắc, người đọc vừa phát hiện ra chiều hướng vận động mới mẻ của con người, vạn vật trong không gian sinh tồn vốn dĩ phẳng lặng chốn thôn ổ, vừa hiểu thêm về tương quan giữa tôn giáo và tình yêu, cũng như cảm hứng bừng ngộ, nỗ lực vượt thoát khỏi giới hạn chật hẹp của cõi ta bà.

Tuy nhiên, việc tìm về với chùa không chỉ đơn thuần trên phương diện tình yêu, mà với Hoàng Cầm còn là sự nhận thức sâu sắc các vấn đề muôn thuở của nhân sinh như sinh, lão, bệnh, tử. Chẳng hạn, khi lắng nghe tiếng mưa vô tình chát chúa không mấy êm tai áp đảo, vùi dập tiếng chuông chùa mà gợi lên bao niềm xót xa, trầm lắng ở trong lòng: Mưa chuông chùa lặn/ Về bến trai tơ (Mưa Thuận Thành). Hoặc hình ảnh một ngôi chùa cổ dù có hình bóng con người, nhưng vẫn u buồn, thương xót đơn côi: Rằng ai rằng ấy rằng đang thế rồi/ Chùa trăm gian cửa mồ côi (Vô phương). Chùa Kinh Bắc còn như một bối cảnh của tồn tại, cho nên mọi chiều kích khác nhau của nhân sinh được bộc lộ rất rõ ràng. Con người trong môi trường chùa chiền dường như bị ám ảnh, giành giật giữa hai chiều: sự sống và cái chết, hiện tại và quá khứ, cõi niết bàn tịch diệt và chốn phàm tục, cõi hư vô và đời thường. Ở đó, con người vừa cố gắng vượt thoát, nương nhờ vào cửa Phật để gột rửa bụi trần, vừa kiếm tìm một chân lí tuyệt đối nhưng vẫn không vượt qua được “ải trần”, cứ vướng mắc nổi chìm giữa vòng tục lụy, ưu phiền: Thờ ơ tơ rối niết bàn/ Lênh đênh khấn nguyện nữ hoàng.../ Chùa xa... (Thờ ơ). Thú vị hơn nữa, có những ngôi chùa không nằm trong địa hạt vùng Kinh Bắc như chùa Hương nhưng khi đặt nó trong nét văn hóa ứng xử tình nghĩa của người Việt, biểu tượng này phần nào nói lên nỗi oan khuất thiệt thòi của con người trong lịch sử: Em trẩy chùa Hương phía giải oan/ Mắt nghiêm màu Phật chật đò ngang/ Phải cô công chúa con vua Lý/ Khép áo kinh kì mấy cửa hang/ (...) Anh trẩy chùa Hương phía xót thương/ Bến Trong bến Đục nửa chia đường/ Thiên Trù chợt lắng chuông buông tím/ Bỗng gặp em nằm đắp khói sương (Chùa Hương). Và nếu chúng sinh suy tư về lẽ sống khi đến với chùa, nương vào cửa Bồ Đề cầu xin thêm phần phúc đức, thì việc trẩy hội chùa trong suy nghĩ của Hoàng Cầm cứ nhói lên niềm đồng cảm “xót thương”, xiết bao tủi buồn. Rõ ràng, thơ ông không có cảm hứng tôn giáo đích thực, không có những quan niệm tôn giáo chi phối tới thơ ca, song nhìn từ phạm trù của tồn tại, chúng ta có thể tri nhận được các giá trị đạo đức và thẩm mĩ trong cái nhìn nhân sinh.

Tương tự chùm biểu tượng của hồn làng (cây đa, bến nước, mái đình), chùa Kinh Bắc còn như một biến thể độc đáo của tình yêu, vì khi chứng kiến không gian mưa trong lành, hữu ích, con người vẫn cứ muốn được là mình: Chùa Dâu ni cô/ Sao còn thẩn thơ/ Sao còn ngơ ngẩn/ Không về kinh đô (Mưa Thuận Thành). Hoàng Cầm nhìn thấy cái “hiện thực vô bờ bến” (chữ dùng của Bakhtin) của cảm xúc, của tâm trạng người nữ tu hành như một nhu cầu nhân bản bình thường. Có lẽ, sự thay da đổi thịt của đất trời một mặt khiêu khích nhân vật trữ tình niềm khát khao thầm kín, mặt khác lại lôi cuốn, dồn đẩy, biến con người thành kẻ đồng lõa, không thể che lấp. Tuy nhiên, khía cạnh tình yêu luôn được chiêm ngắm dưới góc độ tâm linh hóa. Nói cách khác, tâm linh hóa đối tượng miêu tả là việc tôn thờ, đẩy đối tượng ra xa một khoảng cách, làm cho đối tượng vốn dĩ tồn tại ngang hàng trở thành một cấp độ cao hơn. Trên cơ sở ấy, tôn vinh và biến cái bình thường thành cái cao cả, nâng cái hữu hạn thành cái vĩnh hằng, nhằm hình thành nên một vùng linh thiêng trong tác phẩm. Thêm nữa, việc Hoàng Cầm miêu tả không khí náo nức vui tươi của hội làng, hội chùa trải rộng trong môi trường văn hóa núi sông, ruộng đồng cho phép người đọc hiểu thêm những bình diện văn hóa tinh thần phong phú, gần gũi của con người một vùng quê hương xứ sở: Ai về bên kia sông Đuống/ Cho ta gửi tấm the đen/ Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên/ Trên núi Thiên Thai/ Trong chùa Bút Tháp/ Giữa huyện Lang Tài/ Gửi về may áo cho ai (Bên kia sông Đuống).

Hội chùa là nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của người Kinh Bắc, là nơi giao tiếp với người xưa, với cộng đồng nhằm thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm. Đằng sau phần lễ nghiêm trang là phần hội vui tươi “bình yên”, cho nên chỉ ở ngày hội chùa, mọi khoảng cách sang hèn, giàu nghèo đều bị phá bỏ. Dưới bầu trời đầy sao và tiếng lá rơi, người tu hành cũng có hành động khác lạ: Hội Long Khám đêm sao chi chít/ Bồ đề mở lá thả ni cô/ Thiện nam vin khói đi quanh chùa/ Mơ Từ Thức/ Gặp ngay quan huyện khác (Hội Long Khám). Rồi ánh mắt tinh anh mà người xưa chạm trổ trên pho tượng nữ cũng lấp lánh dễ thương như buổi hát quan họ giao duyên tiễn bạn ra về: Chùa Dâu - Phật Tích cheo leo/ Mắt em không chớp ai theo mình về (Thể phách tinh anh). Hội chùa Kinh Bắc không giống hội hóa trang ở các nước phương Tây, vì bên cạnh hành động hóa trang tưởng nhớ người xưa của cư dân làng xã còn có sự hóa thân của tâm hồn nghệ sĩ vào giá trị văn hóa truyền thống.

Tóm lại, nghiên cứu biểu tượng chùa chiền Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm là góp phần tìm hiểu những mảng màu giá trị, nét văn hóa ứng xử cần có, cần bổ sung, cân bằng cho cuộc sống nội tại của Hoàng Cầm và người Kinh Bắc. Sở dĩ như vậy vì qua biểu tượng chùa làng, tôn giáo được kéo gần hơn về phía cuộc đời, các góc khuất của điểm nhìn nhân sinh được nới rộng, thậm chí vượt thoát nhiều giới hạn của không gian tu hành khiến chùa không còn biệt lập mà gắn bó mật thiết với cuộc sống con người. Trên giao diện ấy, người đọc có thể bình tĩnh nhập sâu vào thế giới tâm linh, trải nghiệm qua nhiều thế hệ và tái tạo mô hình cái đẹp trong ngôn ngữ. Mặt khác, cắt nghĩa biểu tượng chùa xứ Bắc trong thơ Hoàng Cầm còn giúp người đọc tri nhận được hiện thực của một vùng đất cổ, tinh thần dân chủ, hồn nhiên an lạc của văn hóa dân gian. Những kết tinh của chùa xứ Bắc trong thơ Hoàng Cầm giúp chúng ta nhận thức rõ hơn các vấn đề muôn thuở của nhân sinh, của cái đẹp mà văn học thời nào cũng cần hướng tới.


Theo Lương Minh Chung - VNQĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng