Tạp chí Sông Hương -
Murakami và hiệu ứng 1Q84
09:23 | 04/08/2009
Thêm một tiểu thuyết của Haruki Murakami vừa trở thành best-seller sau khi phát hành tại Nhật. Tính đến ngày 1-7, tập đầu tiên của tiểu thuyết hai tập 1Q84 (*) dày khoảng 1.000 trang được in đến 1,06 triệu bản (bán được gần 1 triệu) và tập hai gần 870.000 bản.
Murakami và hiệu ứng 1Q84
Nhà văn Haruki Murakami - Ảnh: Berkeleyrep.org

Theo điều tra của hệ thống nhà sách lớn nhất ở Tokyo Kinokuniya, số lượng trên bán được trong thời gian nhanh hơn gấp sáu lần so với Harry Potter ở trường phù thủy cũng thuộc loại best-seller.

Tái tạo sức hút văn chương

Trong thực tế, Nhà xuất bản Shinchosha đã chuẩn bị cả chiến dịch để tạo nên sức hút của 1Q84, theo nhật báo Asahi Shibum. Tháng 2-2009, nhà xuất bản này thông báo phát hành tiểu thuyết mới của Murakami vào đầu mùa hè mà không tiết lộ nội dung gì cả, tạo nên sự tò mò ở độc giả. Sau khi tiết lộ thêm chút ít thông tin, Shinchosha bất ngờ thông báo đã in thêm ngay trước khi tác phẩm được phát hành (căn cứ vào số lượng đăng ký đặt mua) và sau đó con số phát hành lên đến 1 triệu ấn bản sau ngày thứ 12 ra mắt.

Người phụ trách kinh doanh của Nhà xuất bản Kodansha cho rằng những con số ấn tượng này gắn với “hiệu ứng không thể chối cãi của 1Q84”. Không chỉ thế, sách của các tên tuổi khác được Murakami nhắc đến trong tiểu thuyết mới nhất của mình cũng được in lại. Đó là trường hợp của Đảo Sakhaline của nhà văn Nga Tchekhov với 5.000 bản. Ngoài ra, bản dịch mới của 1984, tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn Anh George Orwell, cũng nhận được hơn 10.000 đơn đặt hàng.

Hiệu ứng 1Q84 không dừng lại ở thế giới sách. Khởi đầu tiểu thuyết, một trong những nhân vật chính nghe bản Sinfonietta của Janácek. Dù biết rõ giới trẻ ít nghe nhạc cổ điển, Hãng Universal Music vẫn đề nghị nhạc chuông bài này với ba phiên bản khác nhau cho điện thoại di động kể từ ngày 12-6. Nhân vật của 1Q84 mua một đĩa nhạc do dàn nhạc giao hưởng Cleveland biểu diễn.


1Q84 bày bán tại Nhật - Ảnh: aujourdhuilejapon.com


Sony Music phát hành CD bản này chỉ bán được chưa đến 2.000 đĩa từ lúc tung ra thị trường. Nhưng sau khi 1Q84 phát hành, hãng đã bán 12.000 đĩa trong vòng chưa đầy ba tuần lễ. “Lần đầu tiên có một tiểu thuyết, chứ không phải clip quảng cáo hoặc một tập phim truyền hình nhiều tập, tác động mạnh như vậy đến doanh số một tác phẩm âm nhạc” - giám đốc Masami Yamamoto của Sony Music thừa nhận. Nhưng chiến dịch tiếp thị, dù rất tài tình, không giải thích được hết hiện tượng 1Q84.

Một câu chuyện dễ tiếp cận hơn
 
Với Murakami, rất nhiều người hâm mộ chia sẻ tầm nhìn của ông. Về mặt nội dung, 1Q84 được đánh giá là dễ tiếp cận hơn các tác phẩm trước đây của Murakami. “ Tokyo , tháng 4-1984. Một vụ kẹt xe kinh khủng làm tắc nghẽn một trong những đường cao tốc xuyên qua thành phố. Sợ lỡ cuộc hẹn, một phụ nữ trẻ quyết định rời khỏi chiếc taxi, đi về chỗ dành cho xe dừng lại xin cấp cứu, bước lên cầu thang thoát hiểm ít dùng đến thì bỗng vang lên bài Billie Jean của Michael Jackson phát ra từ radio xe hơi...”. Đó là khởi đầu của 1Q84.

Theo nhà phê bình văn chương Yoshimi Suekuni viết trên tạp chí Shukan Asahi, 1Q84 có thể đọc theo nhiều cách khác nhau. Trước tiên, nó là một tiểu thuyết trinh thám kể lại câu chuyện một nữ sát thủ muốn trừ khử những kẻ gây bạo hành vợ chồng theo đơn đặt hàng của một người đàn bà giàu có. Kế đó, 1Q84 là tiểu thuyết gay cấn viết về một giáo sư trường đại học dự bị đang mong muốn trở thành nhà văn lại vướng vào một vụ việc kỳ lạ trong lúc viết câu chuyện về một cô gái trẻ 17 tuổi.

Nhưng 1Q84 còn là một tiểu thuyết lịch sử xuất sắc, trong đó tập hợp các sự kiện có thật như Nhật thuộc địa hóa Mãn Châu và Mông Cổ, số phận những người Triều Tiên bị bỏ rơi trên đảo Sakhaline cuối Thế chiến thứ hai, những phong trào tôn giáo và vụ ám sát một nữ nhân viên của Tokyo Electric có cuộc sống hai mặt (ban ngày là nhà kinh tế, ban đêm làm gái điếm)...

Nó cho phép người đọc tự vấn về lịch sử hiện đại. Ở một khía cạnh khác, đây còn là tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đề cập những thế giới song hành hoặc một câu chuyện tình vừa ngọt ngào vừa xót xa. Bằng cách dùng ngôi thứ ba để kể chuyện, Murakami có thể đào sâu không chỉ tâm lý của các nhân vật chính, mà cả những mối quan hệ của họ với xã hội cũng như tiến trình lịch sử đã dẫn đến sự ra đời của xã hội hiện đại.

Tiểu thuyết 1Q84 làm người ta liên tưởng đến 1984 của George Orwell, nhưng tác phẩm của Murakami khác ở chỗ ông tìm cách nắm bắt sự hiện diện của nỗi bất hạnh vô hình đang kiểm soát và làm biến dạng suy nghĩ và ý thức của con người mà họ không hề biết. Làm thế nào để nhanh chóng nhận ra nỗi bất hạnh đang tiến gần đến chúng ta dưới một vẻ ngoài rất quyến rũ để đương đầu với nó? Câu hỏi này là một trong những đề tài của 1Q84 mà sẽ không có câu trả lời cụ thể nào được đưa ra.

                                                                                                  Theo TTCT

Các bài mới
Các bài đã đăng