Tạp chí Sông Hương -
Lỏng lẻo như... hợp đồng phim
09:38 | 04/08/2009
Sự thiếu chuyên nghiệp của những nhà sản xuất Việt khi ký hợp đồng làm phim đã dẫn đến nhiều hệ lụy.
Lỏng lẻo như... hợp đồng phim
Các diễn viên phụ Tây và ta trong phim Chàng trai cầu Ông Me -Ảnh: đoàn phim cung cấp

Chuyện đòi thưa kiện nhau hay bất đồng trong quá trình làm phim đang ngày một nhiều. Cách đây mấy tuần, diễn viên Chương Đan và đạo diễn Hồng Ngân dọa kiện nhau vì đạo diễn tự ý đuổi diễn viên khi đang quay Cô nàng bất đắc dĩ. Chưa hết, Ban giám đốc Công ty Kiết Tường (nhà sản xuất phim) lại quyết định thay đạo diễn Hồng Ngân bằng đạo diễn Xuân Cường từ tập 21 - 70 với lý do bất đồng về nghệ thuật và chọn diễn viên.

Tháng 10.2007, với phim Tôi là ngôi sao, nữ diễn viên Thanh Hằng cũng mâu thuẫn với Hồng Ngân đến mức muốn bỏ vai. Và Hồng Ngân cũng đưa đơn kiện Công ty HK, đơn vị sản xuất phim Tôi là ngôi sao do chậm thanh toán thù lao đạo diễn. Rồi sự kiện Thiên Lý rút khỏi phim Trần Thủ Độ do không đồng quan điểm với đạo diễn và nhà sản xuất cũng xuất phát từ chuyện... hợp đồng. Tương tự, các diễn viên phụ (cả Tây lẫn ta) tham gia phim Chàng trai cầu Ông Me của hãng phim Giải Phóng đã dọa kiện nhà sản xuất vì không trả đủ cát-sê cho họ.

Vui là chính!

Gần như những nhà làm phim hiện nay ít quan tâm đến các điều khoản trong hợp đồng làm phim. Từ nhà sản xuất đến đạo diễn, diễn viên đều làm việc theo kiểu vui vẻ, quen biết là chính. Diễn viên phụ thường chỉ thỏa thuận miệng với phó đạo diễn về cát-sê, còn diễn viên quần chúng thì thông thường, được góp mặt trong phim là... thấy vui rồi, nên chẳng quan tâm gì đến chuyện hợp đồng, chỉ khi xảy ra việc chậm trả cát-sê diễn viên hay trả quá thấp, không như thỏa thuận thì mới phản ứng.

Điều đáng nói là do cát-sê thường thấp nên nhà sản xuất rất khó đòi hỏi diễn viên tuân thủ hợp đồng với những ràng buộc quá căng về giờ giấc, cảnh quay... Trong khi đó, nhiều diễn viên chẳng mấy khi chịu đọc kỹ hợp đồng trước khi đặt bút ký. Trường hợp diễn viên bỏ vai cũng xuất phát từ việc thiếu những ràng buộc có tính pháp lý này.

Không ký kết hợp đồng hoặc hợp đồng không rõ ràng, cụ thể khiến các nhà làm phim gặp nhiều sự cố, tốn kém cả thời gian lẫn tiền của và công sức. Trần Thủ Độ và Cô nàng bất đắc dĩ là dẫn chứng cho việc diễn viên, đạo diễn “ra đi” kéo theo phiền toái khiến tiến độ chậm lại, đưa đến việc chi phí tăng lên gây lãng phí không đáng có. Dương Trương Thiên Lý sẽ chẳng thể đột ngột rút lui, nếu trong hợp đồng thể hiện tường tận, chi tiết việc diễn viên sẽ khỏa thân tới mức nào, trong bao nhiêu cảnh, cảnh nào phải có người đóng thế... Đi kèm là những điều khoản về bồi thường nếu diễn viên đơn phương hủy hợp đồng.

Bảo hiểm tai nạn từ tượng trưng đến... không có

Ngoài ra, thỏa thuận về bảo hiểm tai nạn trên phim trường cho diễn viên cũng rất cần được ghi trong hợp đồng. Về điều này, những nhà làm phim cũng chưa quan tâm và ngay cả Luật Điện ảnh sửa đổi bổ sung thông qua ngày 18.6.2009 cũng chưa đề cập. Luật cũng không quy định về những quyền lợi, trách nhiệm của diễn viên và đặc biệt là bảo hiểm tai nạn cho diễn viên khi đang đóng phim.

Nhà báo Lữ Đắc Long, nguyên Phó chủ nhiệm CLB cascadeur TP.HCM cho biết: “Chỉ vài phim điện ảnh loại hành động nhà sản xuất mới mua bảo hiểm tượng trưng cho diễn viên và cascadeur. Thường khoảng 25.000 đồng/người, nếu thiệt mạng mới được bồi thường 10 triệu, còn bị thương thì... tự lo. Các công ty bảo hiểm sẽ không bán bảo hiểm cho cascadeur bởi không có lợi cho họ. Hiện tại, cát-sê của cascadeur chỉ từ 300 ngàn - 500 ngàn đồng/ngày. Những pha cực kỳ nguy hiểm cho tính mạng mới được trả từ 3 - 5 triệu/cảnh. Với thù lao đó làm sao cascadeur có thể mua bảo hiểm? Nếu chẳng may bị tai nạn trên trường quay thì gia đình, vợ con phải nuôi họ thôi. Đó là với điện ảnh. Còn với phim truyền hình thì quá hiếm pha hành động nên việc mua bảo hiểm cho diễn viên thì gần như không có”.


Diễn viên buộc phải đọc kỹ kịch bản trước khi ký hợp đồng với nhà sản xuất. Ra hiện trường gặp cảnh quay không có trong kịch bản hay hợp đồng thì diễn viên có quyền từ chối. (Bà Dương Cẩm Thúy - Phó chủ tịch Hội Điện ảnh Việt ) 



 



Hiện nay, nếu xảy tranh chấp giữa các bên liên quan thì Hội Điện ảnh sẽ đứng ra giải quyết. Nếu thấy không thỏa đáng, hai bên có thể đưa đơn ra tòa. Các hãng phim, nghệ sĩ đều ít chú trọng đến nội dung hợp đồng khi ký kết, thậm chí chỉ thỏa thuận miệng. Từ đó dễ dẫn đến chuyện tranh cãi về thù lao, về nhiều sự cố khác. (Ông Phạm Thùy Nhân – Phó chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM) 




Nếu có những cảnh nhạy cảm, đạo diễn phải bàn với diễn viên, nhà sản xuất, và phải thể hiện nội dung này trên hợp đồng với diễn viên. Hiện các hợp đồng với diễn viên còn quá sơ sài. Cả các hãng lẫn diễn viên đều không có luật sư để soạn thảo hợp đồng. Chuyện làm phim vẫn còn theo kiểu cảm tính là chính. (Ông Lưu Phước Sang – Giám đốc Công ty giải trí Phước Sang) 
 


Do cát-sê thấp nên nhà sản xuất chỉ làm hợp đồng sơ sài. Hợp đồng quá chi tiết sẽ khiến diễn viên chẳng dám ký do sợ trách nhiệm. Tôi đang thành lập Hiệp hội Diễn viên để bảo vệ quyền lợi cho họ. Có diễn viên đóng gần hết phim mà hợp đồng vẫn chưa được ký do chủ nhiệm phim muốn đưa tiền “tươi” để dễ “phết phẩy”. Vả lại, khi ký hợp đồng diễn viên phải nộp 10% thuế nên đa phần ít ai chịu ký. (Diễn viên, MC Quyền Linh)


Khi nhận một vai diễn tôi luôn suy nghĩ, đắn đo, và đương nhiên phải nghiên cứu kịch bản rất nhiều. Vai diễn có cảnh hở hang thì nhà sản xuất, đạo diễn phải bàn bạc, phân tích về sự cần thiết của những cảnh đó. Diễn viên có quyền từ chối hay đòi hỏi người đóng thế, nhưng phải thỏa thuận trước với nhà sản xuất và đạo diễn. Tôi thấy hiện nay ai cũng có thể trở thành diễn viên đóng phim nên nhiều người không lường được những kỹ năng về diễn xuất, về làm việc tập thể, dễ dẫn đến việc rút lui khi gặp sự cố. (Diễn viên Trương Ngọc Ánh)
                                                                                                      Theo TNO

Các bài mới
Các bài đã đăng