Tạp chí Sông Hương -
Chương trình kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Phạm Duy ((5/10/1921 – 5/10/2021)
07:52 | 06/10/2021

Chiều ngày 5/10, Học viện âm nhạc Huế phối hợp với Hội Nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa Huế tổ chức chương trình kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhạc sĩ Phạm Duy với chủ đề  “Phạm Duy với Huế”.

 

Chương trình kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Phạm Duy ((5/10/1921 – 5/10/2021)
Nhà Nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân tại buổi ra mắt sách về nhạc sĩ Phạm Duy

Tham dự chương trình có ông Phan Ngọc Thọ- Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, ông Phan Thiên Định- Bí thư Thành ủy Huế cùng các văn nghệ sĩ và công chúng yêu nhạc Phạm Duy.

Nhạc sĩ Phạm Duy, tên thật là Phạm Duy Cẩn, sinh ngày 5/10/1921, tại phố Hàng Cót, Hà Nội. Từ nhỏ, ông đã biết chơi guitar, mandolin. Tình yêu âm nhạc đã thôi thúc chàng thanh niên Phạm Duy tự mày mò học nhạc cổ điển, rồi tập sáng tác dù chưa từng học qua một trường lớp âm nhạc nào.

Nhạc sĩ Phạm Duy là người khởi xướng, định hướng nhiều trào lưu, phong cách mới cho âm nhạc hiện đại Việt Nam, đặc biệt là trong thể loại tình ca, viết về tình yêu con người, tình yêu quê hương và đất nước. Nhạc của ông thanh thoát, nhẹ nhàng, kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc cổ truyền Việt Nam với âm nhạc hàn lâm phương Tây, tạo nên một phong cách riêng, với nhiều tác phẩm lớn có tính đột phá, ảnh hưởng tới phong cách nhiều nhạc sĩ thuộc các thế hệ sau này.

Nhạc sĩ Phạm Duy là một tên tuổi lớn, có nhiều đóng góp cho nên Tân nhạc Việt Nam. Ông đã để  lại cho nền Tân nhạc Việt Nam một số lương âm nhạc đồ sộ, có giá trị nghệ thuật, đã đi vào lòng nhiều thế hệ người Việt Nam.

Nghệ sĩ thể hiện ca khúc Tôi yêu tiếng nước tôi của nhạc sĩ Phạm Duy


Nhạc sĩ Phạm Duy, người đã gắn bó với Huế từ năm 1944, ông xem Huế là cái nôi của nghệ thuật, đặc biệt là lĩnh vực âm nhạc. Ông đã dành sự quan tâm, tìm hiểu các làn điệu âm nhạc  cung đình Huế, nhiều tác phẩm đã sử dụng chất liệu âm nhạc truyền thống như Về Miền Trung, Ai vô xứ Huế thì vô, Nước non ngàn dặm ra đi…Các tác phẩm của ông đi vào lòng người bởi sự kết hợp nhuần nhị giữa tính truyền thống và sáng tạo độc đáo.

Tại chương trình, các văn nghệ sĩ đã ôn lại kỷ niệm với nhạc sĩ Phạm Duy với Huế, những tình cảm mà văn nghệ sĩ dành cho ông và những đóng góp của ông đối với âm nhạc Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng. Chương trình cũng đã giới thiệu đến người nghe nhưng ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy như Tôi yêu tiếng nước tôi, Huế đa tình, Tình ca, Về miền Trung, Quê nghèo, Bà mẹ Gio Linh…

Đông đảo công chúng yêu nhạc Phạm Duy đến tham dự 


Dịp này, Hội Nghiên cứu và Phát triển di sản văn hóa Huế đã giới thiệu đến công chúng cuốn sách “ Nhạc sĩ Phạm Duy biết ái tình ở dòng sông Hương” của Nhà Nghiên Cứu Nguyễn Đắc Xuân.

Cuốn sách dày hơn 400 trang do Nhà xuất bản Thuận Hóa và Hội NC&PT Di sản văn hóa Huế ấn hành. Đây là cuốn sách đầu tiên viết về mối quan hệ gắn bó tình cảm ảnh hưởng đến sáng tác âm nhạc  của nhạc sĩ Phạm Duy với một địa phương.

Với hơn 40 bài viết, cuốn sách được chia làm hai phần: “Với người tình của sông Hương” và “Lời mai đây cao ngút Trường Sơn”. Cuốn sách đã nói về âm nhạc Phạm Duy đã tác động tình yêu nước, khát vọng đấu tranh thống nhất đất nước đến tuổi trẻ Huế trước 1975 và sau ngày ông hồi hương. Kỷ niệm năm 1953 ông đến Huế được các cô gái cháu Đức Từ Cung tiếp vào một đêm trăng ông đã xúc động sáng tác nên bài Dạ Lai Hương. “Mối tình thơ nhạc 10 năm” và đã sáng tác 50 ca khúc từ thơ của người con gái ấy, chuyện sâu kín trong bài Tình Ca “Biết ái tình ở dòng sông Hương”…

Nhà Nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết, Phạm Duy không những là một nhạc sĩ ông còn là nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam, ông viết văn như một nhà văn, lời nhạc của ông hay, đep, sâu sắc như thơ. Ông còn là một nhà bình thơ, thuyết trình về thơ như một giáo sư dạy văn. Phạm Duy đã bình 10 bài thơ của Bích Khê trước khi ông phổ nhạc 10 bài thơ ấy thành tập Dị Khúc.

 

 

 

 

Phương Anh

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng