Rita Hayworth - Nữ thần tình yêu Danh vị thường được dành cho những nhân vật nữ trong thần thoại hay tôn giáo này lại được khoác lên minh tinh người Mỹ những năm 40. Cô vũ công sắc nước hương trời tên Margarita Carmen Cansino (1918 –1987) mang trong mình đến ba dòng máu Mỹ, Anh và Ireland đã làm nổ tung màn bạc trong các phim vũ nhạc của hãng Fox và Columbia. Khi dòng phim màu Technicolor (đại vĩ tuyến) xuất hiện, Rita đổi tên thành Rita Hayworth, chịu đau đớn những buổi điện phân để thay đổi màu tóc và làm rực rỡ màn ảnh bằng các vai cô gái tóc đỏ yêu và sống hết mình trong những phim “nóng” khiến chiếc kéo kiểm duyệt phải làm việc hết công suất. Liên tục các bộ phim như “Only Angels have wings”, “Blood and Sand” hay tuyệt đỉnh là Gilda (1946) đã gây sóng gió ở thế giới Hollywood sơ khai. Nàng Gilda trong phim đã thành Nữ thần tình yêu thực sự của các fan điện ảnh khi chính Rita, tuy đã thành biểu tượng văn hóa lúc ấy, cũng phải than “Những người đàn ông tôi quen biết đều đắm đuối với Gilda, còn tôi thì chỉ bị làm phiền”. Nhút nhát và khép kín, Rita hoàn toàn khác với những vai dậy lửa. Thế nhưng nàng lại khơi lên biết bao ngọn lửa lòng cho nam giới thời ấy đến nỗi Nữ thần đã phải trải qua đến 5 cuộc hôn nhân, mà hậu duệ của cô như công chúa Yasmin Aly Khan đến nay vẫn đang còn làm tốn giấy mực những tờ báo giải trí.
Các ông chồng thuộc đủ mọi tầng lớp, thương gia như Edward C.Judson, đạo diễn kiêm tài tử có Orson Welles hay James Hill, vương giả là ông hoàng Aly Khan hoặc ca sĩ như Dick Haymes. Thập niên 80, căn bệnh Alzheimer chớm từ 20 năm trước không được Rita chữa trị sớm vì quá đam mê diễn xuất, bắt đầu hoành hành. Bảy năm cuối đời sống quên mọi việc thế sự trong căn hộ tại San Remo ở New York City, Rita chỉ kịp may mắn được chứng kiến nữ diễn viên trẻ Lynda Carter vào vai cuộc đời mình trong bộ phim tiểu sử năm 1983. Ra đi thanh thản tại California, để lại gia tài đồ sộ 70 phim thủ diễn suốt mấy thập niên, Rita Hayworth đâu biết rằng hình ảnh cô gái tóc đỏ quyến rũ với bước nhảy vừa tuyệt kỹ vừa ngang tàng trong phim đã hóa thân vào nhiều nhân vật thế hệ văn hóa sau này. Poster của Rita đã được dùng làm chìa khóa giải mã cho một truyện kinh dị trinh thám của nhà văn Stephan King. Rita cũng là nữ diễn viên có tiểu sử đời được dựng phim nhiều nhất. Người ta cũng còn nhận ra hình bóng của nàng trong bản nhạc “Take, Take, Take” và “White Moon” được ban White Stripes sáng tác năm 2005. Marlene Dietrich - Tiếng chim hót giữa chiến hào Giáng sinh năm 1901, niềm vui đón lễ của gia đình Dietrich kéo dài hơn mọi năm vì cô bé Maria Magdalena Dietrich chào đời. Chiếc đàn vĩ cầm ông bố mua về Berlin đánh dấu sinh nhật con gái lại là nhạc cụ đầu tiên 19 năm sau Marlene đem theo vào trường học diễn xuất. Nhanh chóng, những thước phim có mặt cô cho điện ảnh Đức ra đời, và chỉ có thế. Khi ông thầy Josef von Sternberg trở thành đạo diễn Hollywood thì cô bé vùng Schuneberg này đã được chọn ngay vai trong bộ phim nói đầu tiên của châu Âu, The Blue Angel. Hai thầy trò nhắm Hollywood trực chỉ và hàng loạt phim kế tiếp đã tạo Marlene Dietrich thành một Femme Fatale (Người phụ nữ chết người). Thế nhưng chính tiếng hát của cô trong phim mới gây lên cơn sốt ngành giải trí thời ấy. Marlene đã thành nữ diễn viên ghi đĩa nhạc đầu tiên trong lịch sử điện ảnh. Giọng hát nàng sau này được nhiều ca sĩ thế hệ sau chắt lọc bắt chuớc. Hai năm trước Đệ nhị thế chiến, cô trở thành công dân Mỹ và bắt đầu nhìn về đất mẹ bằng con mắt phẫn nộ với chủ nghĩa Quốc xã của Hitler. Suốt những năm chiến tranh người ta ít thấy cô xuất hiện trên màn bạc mà lại nghe giọng hát của cô vang khắp các chiến hào từ Algieria đến Normandie và cả ở giáp biên giới nước Đức, cạnh binh đoàn Đồng minh của tướng Patton.
Chiến tranh kết thúc, Marlene Dietrich quay về điện ảnh với hình tượng mới: nữ diễn viên đầu tiên của công nghệ lăng xê giải trí. Chọn lựa trang phục, phối khí bài hát, trang trí sân khấu và thay đổi cả phong cách ngoại hình cho từng phim, Marlene Dietrich ngự trị vị trí nữ hoàng showbiz suốt những năm 50. Đời tư nàng giản đơn. Vài năm dan díu với tài tử Jean Gabin, gắn bó “lạ kỳ” với dăm ba cô gái thượng lưu như nữ diễn viên Greta Garbo, rồi lập gia đình với giám đốc hãng phim Paramount Pictures để sớm trở thành “Bà ngoại đẹp nhất thế giới”. Năm 1974 Marlene giã từ sàn diễn vì bị gãy chân. Từ đó bà sống kín tiếng, viết sách và giao du với những người bạn chính khách như TT Mỹ Reagan hay TT Nga Gorbachev, chỉ qua điện thoại - mà hóa đơn thanh toán mỗi lần đến 3.000 USD. Tháng 6 năm 1992 Marlene Dietrich qua đời, 40.000 người Berlin đã ra đón thi hài bà được đưa về cố quốc, dù trên quan tài phủ một lá cờ Mỹ. Grace Kelly - truyện thần tiên ở Monaco Tháng Tư năm 1956 đám cưới thế kỷ giữa hai nhân vật nổi tiếng nhất trong giới chính trị và giải trí được các phương tiện thông tin đại chúng toàn cầu theo dõi. Ông hoàng độc thân giàu có nhất hồi ấy và nữ hoàng điện ảnh Mỹ trao nhau nhẫn cưới. Thật sự xét về tính đại chúng, nữ diễn viên Grace Kelly được người ta biết đến nhiều hơn vì cô nằm trong thiên hà sao Hollywood thập niên 1950 với những Marilyn Monroe, Brigitte Bardot hay Greta Garbo. Thế nhưng khi trở thành bà hoàng xứ Monaco, cặp đôi Rainier-Grace Kelly đã thành nhân vật chính của thiên tình sử cung đình thế kỷ 20. Nét đẹp dịu dàng duyên dáng của cô đào Grace Kelly trong gần 20 bộ phim có lẽ cuốn hút người ta hơn là thực tài diễn xuất cô thể hiện. Thế mà từng ấy lại đủ chinh phục chàng hoàng tử lịch lãm giàu có chưa một lần kết hôn. Gặp nhau ở một liên hoan phim, cùng nhau lên bìa Paris Match, một cuộc thăm viếng và rồi họ cưới. 26 năm chung sống nơi cung điện nằm trên đỉnh đồi nhìn ra biển nước Địa Trung Hải ngọn lửa đời hôn nhân của họ luôn âm ỉ cháy mãnh liệt. Về làm vợ Grace Kelly chọn hai chữ hy sinh: để lại sau lưng cả sự nghiệp điện ảnh đang tỏa sáng và giấu mình thầm lặng trong thâm cung hoàng tộc. Người dân Monaco bị mê hoặc vì vẻ khả ái dịu dàng của nữ hoàng xứ lạ. Lịch sử công quốc này ghi nhận “…Sự có mặt của Grace Kelly đã đưa Monaco ra sân khấu thế giới”. Cái chết bất ngờ và thương tâm của nàng trong tai nạn ô-tô năm 1982 càng khiến hình ảnh nàng trở thành huyền thoại. Tới tận ngày ra đi ông hoàng 81 tuổi Rainier không hề tơ tưởng đến chuyện tục huyền mà chỉ dành hết cho việc gom góp các kỷ vật của Grace Kelly đã dùng khi sống, lưu giữ như bảo tàng đồng thời ra sức thực hiện những công trình lưu giữ hình bóng vợ. Với ông, nỗi mất mát ấy quá lớn không có gì bù đắp. Nhờ đó mà xứ sở Monaco có thêm những đại lộ, thư viện, nhà hát mang tên Princess Grace. Tháng 4 năm 2005, cách ngày cưới của hai người nửa tháng, Rainier từ trần, được an táng cạnh vợ, ngôi mộ mà ngày nào ông đã cho khắc sẵn lên bia tên của chính mình. |