Tạp chí Sông Hương -
Cái mẩu "Đầu thừa đuôi thẹo"...
09:34 | 15/11/2021

TÔ NHUẬN VỸ

Chỉ còn ít ngày nữa khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật của 6 tỉnh Khu 4 cũ nhưng Ban tổ chức vẫn chưa "phát hiện” ra một địa điểm nào trong thành phố có thể trưng bày 180 bức ảnh (mỗi tỉnh tuyển chọn gởi đến 30 bức).

Cái mẩu "Đầu thừa đuôi thẹo"...
Nhà văn Tô Nhuận Vỹ (bìa trái) khoảng thập niên 90 - Ảnh tư liệu

Thực ra, nếu chỉ tính về diện tích thì cũng có. Đó là 47 Trần Hưng Đạo, vốn là Nhà Thông tin từ lâu trước giải phóng. Ngay cả Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin - Thể thao và Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá cũng nói với tôi là chỗ ấy không được. Một đồng chí lãnh đạo hàng đầu của tỉnh cũng nói với tôi, triển lãm ở đấy không ai xem đâu. Lý do rất giản dị: đó là dãy phố tất bật buôn bán, mật độ người xe qua lại đông đặc, lại vốn chỉ thích hợp cho việc thông tin thời sự, bây giờ cầu Tràng Tiền tắc thì nơi đó lại là một địa điểm "cụt”. Thế là chúng tôi lang thang đi tìm... Chỉ có một chỗ duy nhất khả dĩ được về diện tích, được về cảnh quan và trên trục đường qua lại của nhiều người quan tâm đến nghệ thuật này - Đó là Nhà văn hoá Hữu nghị. Nhưng nó đã được ký hợp đồng lâu dài với tư nhân để chiếu Vidéo suốt ngày đêm. Muốn sử dụng thì phải "ký hợp đồng" lại cùng tư nhân ấy với cả số chi phí bao luôn mấy buổi chiếu trong ngày, bên cạnh tiền mượn địa điểm, chưa tính chi phí lớn trang trí lại nội thất. Chúng tôi buồn bã đầu hàng và càng buồn hơn khi trông thấy ở đây, cái bể bơi duy nhất của thành phố đang khô rốc, trơ ra mấy đường nứt toác lớn và chung quanh um tùm khoai, sắn, cỏ hoang. Một địa điểm, một nhà trưng bày và triển lãm văn hóa, nghệ thuật của một "trung tâm văn hóa” nó đang ở đâu? Ở đâu?.

Nhớ lại năm ngoái, một nữ nghệ sĩ piano nổi tiếng của Paris, trong dịp cùng gia đình du lịch đến Huế, có nhã ý biểu diễn 2 buổi nhân kỉ niệm 200 năm Mozart, số tiền thu được (nếu có bán vé) cô ủng hộ cho các hoạt động văn hóa của Huế. Ban Tổ chức bàn bạc rất kỹ, chu đáo chương trình biểu diễn, đón tiếp... Nhưng bất ngờ lại ở một khâu bất ngờ nhất: nữ nghệ sĩ trực tiếp đến nhiều nơi, kể cả tư gia, để thử đàn, nhưng không tìm đâu ra một cây đàn piano đúng chuẩn mực âm thanh, kể cả cây piano của Trường Cao đẳng nghệ thuật! Một trung tâm văn hóa không có nổi một cây đàn... Buồn làm sao. Có người nói, đó là chuyện vặt. Chuyện vặt ư? Một đồng chí lãnh đạo có trình độ văn hóa sâu rộng, trong buổi trao đổi về việc hình thành một tổ chức khoa học, đã buồn bã lắc đầu: nhiều chuyên ngành khoa học xã hội ở một "trung tâm văn hóa” như Huế lại không có cán bộ đầu đàn.

Đó có phải là chuyện vặt không?

Hôm ấy tôi cũng buồn mà nói với anh rằng: Đã trên dưới mười năm nay, ở đây, các nhà, các vị đầu đàn ấy, không hề được thêm. Ngược lại, mất dần đi. Anh không thấy có một cái gì đó không ổn sao?

* * *

Chuyện Festival Việt - Pháp vừa rồi nữa. Có ý kiến hết sức gay gắt: tốn phí vô ích, mấy trăm triệu vứt xuống sông xuống hói, rốt cuộc Tây cho lại được mấy đồng?

Tiếc thay, suy nghĩ ấy có ở không ít người, kể cả người có trách nhiệm và "có văn hóa". Với họ, cái lợi phải được "mục sở thị”, phải đếm được và nắm được "chắc" trong tay đã mới gọi là lợi. Với tư duy theo kiểu "mỳ ăn liền" ấy thì thì việc phục hồi những điệu vũ truyền thống, độc đáo, các chương trình lễ nhạc cung đình đặc sắc và ca Huế trữ tình đằm thắm, gần chục địa điểm trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, các lễ hội dân gian tưng bừng nhiều màu sắc, hàng vạn người dân thành phố có những phút giây tự hào về truyền thống quê hương..., những việc mà từ đó bè bạn trong nước đánh giá là đã lộ ra một mỏ quặng văn hóa, một mỏ quặng mà nếu được khai thác thì đó sẽ là một trong những thế mạnh nhất của ta thu hút nước ngoài, với họ, tất cả những chuyện đó đều là chuyện vặt, nếu như kết thúc Festival mà Tây không cho hoặc hứa cho được... một cục tiền. Và chính với tư duy thiển cận và không coi trọng văn hóa nghệ thuật ấy, họ cũng mất luôn cái nhìn nhạy cảm chính trị cần có trong giai đoạn mở cửa, một cuộc tập dượt rất cần thiết, một "cú mở màn" đối ngoại dù còn lắm khuyết điểm nhưng khá ngoạn mục, trước thời điểm bỏ cấm vận của Mỹ, của một trong mấy thành phố ở nước ta chắc chắn sẽ có quan hệ nhiều với nước ngoài sắp tới. Qua cuộc tập dượt này, Thừa Thiên Huế hiểu mình hơn và hiểu Tây hơn (cả chuyện hay lẫn chuyện dở), từ những chuyện lớn về ngoại giao cho đến những nguyên tắc, quy định cụ thể trong làm việc (có đ/c trong Ban tổ chức sau hơn một tháng làm việc với Pháp, với không ít lần "trục trặc", kể cả "trục trặc chết người" đã gật gù: "Té ra Tây là rứa đó!”)

Nhưng, ngay trong những người làm công tác văn hóa nghệ thuật đâu có phải ai ai cũng và lúc nào cũng coi trọng văn hóa. Kiến trúc sư đóng vai trò chủ yếu trong việc hình thành các tiêu chí để từ đó quyết định xếp hạng các đô thị ở nước ta. Các tiêu chí đó được nghiên cứu, tính toán và sắp xếp rất kỹ lưỡng: bao nhiêu dân, khả năng điện lực, hệ thống nước sản xuất và tiêu dùng, các loại đường sá, số lượng nhà máy, thu nhập quốc dân và thu nhập đầu người... Cái gì, mặt gì cũng được tính đến, chỉ trừ duy nhất một lĩnh vực bị quên "ngon lành": đó là lãnh vực văn hóa. Mà đó là lãnh vực mạnh nhất của Huế: cả một quần thể di tích lịch sử văn hóa lớn nhất cả nước ta, một truyền thống ca nhạc và sân khấu nổi tiếng, một truyền thống văn hóa bác học và dân gian sâu đậm, vì vậy sự quên lãng có ý thức và có truyền thống đó, Huế bị đánh tụt xuống thành phố hạng ba là lẽ đương nhiên.

Được phát biểu tại hôi nghị BCH Hội Kiến trúc sư Việt Nam vừa qua tại Huế, sau khi xót xa và thẳng thắn phê phán tư tưởng coi văn hóa, văn học nghệ thuật là "đầu thừa đuôi thẹo", thậm chí không được chú ý như một mẩu đầu thừa đuôi thẹo, thể hiện ngay trong các tiêu chí Nhà nước xếp hạng các đô thị, mà tiêu biểu là từ đó xếp Huế là thành phố hạng ba, vị giáo sư nguyên chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước này, đã gặp tôi thanh minh và "chân thành nhận lỗi với Huế" và ông đề xuất kiến nghị với Trung ương xếp Huế vào loại thành phố đặc biệt.

* * *

Dạo này rõ ràng khách nước ngoài và khách trong nước đến Thừa Thiên Huế nhiều hơn trước đây gấp bội. Các cuộc hội thảo, liên hoan, gặp gỡ, hội nghị khu vực, chuyên ngành, toàn quốc và quốc tế, ngày một nhiều và có lúc là dồn dập. Cho dù điều ấy khiến tỉnh và thành phố nhiều lúc bị động, tốn kém, vất vả, nhưng dù sao đó cũng là một tình hình đáng mừng, không nên tránh mà nên tranh thủ. Những người đến đây, chắc phần lớn họ đều quý trọng truyền thống văn hóa của chúng ta. Phải tranh thủ tối đa từ một ý kiến đề xuất cho sự đóng góp cụ thể (sự đóng góp ấy cũng lại từ nhỏ đến lớn) giúp chúng ta phát huy sức mạnh truyền thống và cơ sở tối thiểu cho văn hóa nghệ thuật. Muốn tranh thủ được sự giúp đỡ về văn hóa thì trước hết chính chúng ta phải biết tự tôn trọng văn hóa, tôn trọng văn hóa quê hương mình. Sự tự tôn ấy phải bằng những việc làm cụ thể chứ không chỉ từ lời nói. Sự gọi kêu cũng từ việc làm cụ thể chứ không chỉ từ lời nói. Ngay với những người "luôn coi văn hóa là cái đầu chứ không phải là cái đuôi, nhất là đối với Huế” (số này thực ra rất ít, những người quý hóa ấy mà lại có tiền nữa thì lại càng ít nữa) cũng rất cần những cái neo, neo hảo tâm của họ ở lại với chúng ta. Những cái neo ấy là cái tầm và cái tâm văn hóa trong giới lãnh đạo, là sự vồn vã chân thành, cách thức làm việc hiệu quả, tránh cả thái độ thực dụng lẫn bay bướm rườm rà trong hệ thống chuyên viên. Vừa qua, Hội Những người bạn của Điềm Phùng Thị tại Pháp (Association des Amis de DIEM - PHUNG - THI) đã cử Tổng thư ký (ông Christian Pattyn) và Kiến trúc sư trưởng (ông Antoine Debré) qua làm việc với Thừa Thiên - Huế về dự định thành lập tại Huế một Nhà của Những người bạn ĐIỀM PHÙNG THỊ (Maison des Amis de Điem - Phung - Thi)

Nhà ấy sẽ xây dựng để có thể hoạt động với ba nội dung:

- Trưng bày những tác phẩm của Điềm Phùng Thị.

- Trưng bày những tác phẩm nghệ thuật của Thừa Thiên - Huế, Việt Nam và Quốc tế.

- Hoạt động kinh tế từ thế mạnh của nghệ thuật, văn hóa (như hàng thủ công mỹ nghệ...)

Trong lúc làm việc tôi cứ ngẫm nghĩ mãi mà cảm động: một đoàn ông bà Tây "mắt xanh mũi lõ", với danh nghĩa lãnh đạo và thành viên của một tổ chức mà thành lập và hoạt động là do tài năng, uy tín của người phụ nữ Việt Nam khiến cái tầm và cái tâm văn hóa của họ bị thôi thúc thành mong muốn quảng bá cái tài văn hóa ấy cho bá tánh thưởng lãm. Người đàn bà Việt Nam bé nhỏ và đã 72 tuổi, muốn cuối đời được đưa tác phẩm của mình về quê hương, muốn làm một việc có ý nghĩa (có lẽ là cuối cùng) đối với quê hương thắm thiết, nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, người Việt Nam duy nhất có mặt trong từ điển các nhà nghệ thuật lớn nhất thế kỷ 20, cuốn từ điển mới vừa xuất bản rất công phu và sang trọng tại Pháp. Địa điểm (trước mắt và lâu dài) đã được chọn và đang chờ quyết định của tỉnh và thành phố. Các bạn Pháp muốn sớm được bắt tay vào việc. Chị Điềm Phùng Thị thì nói với một nỗi lo rất con người: "Tôi già quá rồi, không đợi lâu được". Sài Gòn, Hà Nội, Nha Trang... lại đang muốn kéo cái Nhà này về với họ, chúng ta có cái neo nào để neo cái Nhà rất văn hóa này lại Huế không? Thực lòng mà nói, tôi nửa tin nửa ngờ.

Vì trước mắt tôi vẫn là hình ảnh cái đuôi thẹo quỷ ám ấy, không hiểu sao cắt kỳ hoài mà nó vẫn không đứt.

T.N.V

(TCSH50/07&8-1992)

 

 

 

 

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng