Tạp chí Sông Hương -
Lại vi phạm bản quyền âm nhạc!
14:53 | 05/08/2009
Hiện nay, tình hình vi phạm bản quyền âm nhạc vẫn diễn biến phức tạp, không ít tác giả trẻ phải chịu thiệt thòi khi ca sĩ mua bài hát biểu diễn rồi sau đó lại lấy bài hát đi ký hợp đồng với các công ty kinh doanh âm nhạc để hưởng tác quyền; rất nhiều trường hợp các công ty, nhạc sĩ, ca sĩ bị vi phạm bản quyền âm nhạc nhưng họ không hề hay biết như bài hát bị tải lên các mạng trên internet để khán giả nghe nhạc tải về, các công ty viễn thông rao bán…
Lại vi phạm bản quyền âm nhạc!
Tác giả Nguyễn Văn Chung, Giám đốc Ngô Đình Hòa và ca sĩ Chương Đan (từ trái qua phải).

Mới nhất là việc Công ty Viễn thông Mobifone, Viettel, Sfone “copy” bài hát “Chỉ là quá khứ” (tác giả Nguyễn Văn Chung, ca sĩ Khánh Phương – Chương Đan song ca) để “rao bán” trên mạng, với giá mỗi lần tải nhạc chuông chờ là 3.000 đồng. Nhưng trước đó, các công ty mạng không có thỏa thuận với ông Ngô Đình Hòa – Giám đốc Công ty Đào tạo ca sĩ và người mẫu Khang Nam, quản lý ca sĩ Chương Đan - đơn vị đã mua độc quyền bài hát “Chỉ là quá khứ” từ tháng 6-2009.

Được biết, từ tháng 6-2009, ca sĩ Khánh Phương và Chương Đan đã biểu diễn song ca bài hát “Chỉ là quá khứ” trong một số chương trình truyền hình: Thế giới V.POP, I music, Hot music và chương trình ca nhạc truyền hình trực tiếp của các đài truyền hình… Chưa kể, phía Công ty Khang Nam và ca sĩ Chương Đan đã đầu tư 700 triệu đồng để quay video clip và thực hiện album “Mỹ nhân tình”, trong đó có ca khúc trên, dự định phát hành vào đầu tháng 9 tới.

Album chưa phát hành mà ca khúc “Chỉ là quá khứ” đã bị tung ra thị trường với chất lượng nhạc chuông tải về các máy điện thoại di động kém, không rõ lời, nhiều tạp âm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát hành album sắp tới và bất lợi về sự nhận xét của khán giả đối với giọng hát của ca sĩ.

Công ty Khang Nam, ca sĩ Chương Đan, tác giả Nguyễn Văn Chung yêu cầu các công ty viễn thông sớm liên lạc để thỏa thuận về việc sử dụng bản quyền âm nhạc, đồng thời thay bài hát đang sử dụng trên mạng bằng bài hát có chất lượng tốt hơn để phục vụ khán giả yêu nhạc, người tiêu dùng.

Việc tải nhạc chuông trên mạng, nhắn tin tải nhạc chuông trên một số kênh truyền hình đã thu về cho các công ty kinh doanh lợi nhuận không nhỏ, ví như một bài hát “hit” có thể mang lại cho công ty kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ dành cho điện thoại di động cả vài trăm triệu đồng một năm.

Đó là điều vô lý gây bức xúc cho nhiều người làm việc trong giới nghệ thuật. Ai cũng mong muốn có sự công bằng, đúng luật, nhưng vẫn còn không ít đơn vị, công ty kinh doanh sản phẩm âm nhạc vì lợi nhuận riêng mà cố tình quên chuyện “tác quyền âm nhạc”!.

                                                                                                 Theo SGGPO

Các bài mới
Các bài đã đăng