Tạp chí Sông Hương -
Bế mạc hội thảo “Tính dân tộc và tính hiện đại trong VH-NT Việt Nam hiện nay”
09:20 | 06/08/2009
Văn học - nghệ thuật phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân Ngày 5-8, hội thảo “Tính dân tộc và tính hiện đại trong văn học – nghệ thuật (VH-NT) Việt Nam hiện nay” tại TP Hội An đã bế mạc.
Bế mạc hội thảo “Tính dân tộc và tính hiện đại trong VH-NT Việt Nam hiện nay”
Lễ rước nước trong Lễ hội bà Thu Bồn (Duy Xuyên, Quảng Nam- Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình đưa ra các cách tiếp cận như: Lấy “cổ truyền và đương truyền”, “xưa – nay” thay cho “truyền thống và hiện đại”, lấy “dân tộc và giao lưu” thay cho “dân tộc và hiện đại” như ý kiến của GS-TSKH Tô Ngọc Thanh.

Hay như GS Trần Đình Sử, xem tính dân tộc và tính hiện đại là 2 phạm trù có quan hệ biện chứng. Tính dân tộc là động lực bên trong của tính hiện đại; tính hiện đại là hệ giá trị, phương hướng nâng cao tính dân tộc. Tính hiện đại của một nền VH-NT phải là tính hiện đại của dân tộc; tính dân tộc phải là tính dân tộc hiện đại.

TS Nguyên An cho rằng, tính dân tộc và tính hiện đại tuy hai mà là một. Tính dân tộc qua các thời đại luôn được bổ sung nhân tố mới của chính dân tộc và của bên ngoài tạo thành tính dân tộc hiện đại của mỗi thời đại. Do vậy, tính dân tộc trong hiện hữu và phát triển của mình đã hàm chứa tính hiện đại...

GS-TS Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, chủ trì hội thảo kết luận: Qua 2 ngày thảo luận, tiếp cận vấn đề tính dân tộc và tính hiện đại trong VH-NT Việt Nam từ nhiều góc độ, lĩnh vực tập trung 4 nhóm vấn đề lớn: Những cách tiếp cận và nhận thức mới về tính dân tộc và tính hiện đại, mối quan hệ giữa chúng, xét trên bình diện lý luận; Nhận thức về phương thức xử lý mối quan hệ giữa tính dân tộc và tính hiện đại trong sáng tác, trình diễn, quảng bá VH-NT trên các lĩnh vực, các loại hình cụ thể (sân khấu, điện ảnh, kiến trúc, âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, thơ ca,…); Cách nhận thức, cách làm và kinh nghiệm của một số nước trong việc giải quyết mối quan hệ giữa tính dân tộc và tính hiện đại; Đề xuất một số kiến nghị, giải pháp nhằm kết hợp hài hòa, giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa tính dân tộc và tính hiện đại trong quá trình xây dựng nền VH-NT Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tuy quan điểm, luận giải, cách tiếp cận,… khác nhau, nhưng phần lớn các ý kiến đều thống nhất không xem tính dân tộc và tính hiện đại là 2 phạm trù đối lập nhau, cái này cản trở, triệt tiêu cái kia mà hỗ trợ bổ sung cho nhau tạo thành chất lượng phát triển VH-NT. Không tuyệt đối hóa cái này là nội dung, cái kia là hình thức mà cả 2 đều chứa đựng tư tưởng, lý tưởng thẩm mỹ, cảm xúc thẩm mỹ, nội dung phản ánh và phương thức biểu đạt.

VH-NT Việt Nam trước hết và trên hết là nền VH-NT phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân; sáng tạo, trình diễn, quảng bá văn học, nghệ thuật là vì lợi ích của quốc gia, dân tộc vì mục tiêu xây dựng con người Việt Nam; do đó, nhận thức và giải quyết tính dân tộc, tính hiện đại đều phải xuất phát từ mục tiêu tối thượng này.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: “Cần trang bị kiến thức VH-NT cho lãnh đạo”

Hiện nay, tại một số khu đô thị lớn dường như không chú trọng đến không gian văn hóa truyền thống của dân tộc, như các khu đô thị hiện đại như Phú Mỹ Hưng (TPHCM) hay một số khu đô thị đang được quy hoạch xây dựng tại Đà Nẵng,…

Trong lịch sử nước ta, chưa có thời kỳ nào mà vấn đề kiến trúc, quy hoạch động đến môi trường làng, xã, quận huyện, động đến “hồn Việt” như mấy năm gần đây. Nhiều làng xã lên đời thành phố thị, thị xã lên thành phố; kiến trúc “trăm hoa đua nở”, nhiều kiến trúc Tây, lai Mỹ, lai Tàu, lai Thái,… Có căn hộ trong các khu chung cư không thiết kế nơi thờ cúng tổ tiên.

Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do cán bộ các cấp tiêu cực, một số lãnh đạo địa phương có quyền nhưng thiếu kiến thức về quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, nhất là thiếu kiến thức về VH-NT dân tộc. Chính vì thế, cần phải trang bị kiến thức về VH-NT dân tộc cho những người phê duyệt quy hoạch để không làm mất đi không gian văn hóa truyền thống. 
 


Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: “Phải chú trọng đến thế hệ trẻ của âm nhạc dân tộc”

Yếu tố âm nhạc dân tộc trong ca khúc hiện nay được xem như là “gia vị” hay nói cách khác chỉ là yếu tố phụ trợ chứ bản chất của âm nhạc dân tộc phải được thể hiện qua lăng kính và tài năng sáng tạo của người sáng tác để sản phẩm trở thành hồn vía của dân tộc. Một số bài hát có tiết tấu quốc tế như pop, rock,… nhưng cài vào đó là một giai điệu dân tộc thì đó chưa hẳn là hồn vía của dân tộc.

Thứ đến, âm nhạc bây giờ đưa yếu tố ngoại lai, đưa giai điệu phương Tây vào rồi “biến” những nhạc cụ nổi trội của dân tộc như đàn bầu, đàn tranh, sáo trúc, đàn saranai... như một chất “phụ gia”… Nên chăng, cần một chiến lược khôi phục lại đời sống văn hóa dân tộc gắn liền với bối cảnh cụ thể như sinh hoạt cộng đồng, như sinh hoạt lễ hội. Phải chú trọng đến thế hệ trẻ của âm nhạc dân tộc như một “mỏ vàng”.

Một bộ phận người sáng tác trẻ chỉ chú trọng đến giai điệu, tiết tấu, còn ca từ lại nghèo nàn,… và nhất là tình trạng copy nhạc nước ngoài từ tiết tấu, hòa âm, phối khí… Đây không chỉ là “lỗi” của những người sáng tác mà là lỗi của nền giáo dục âm nhạc của ta hiện nay.


                                                                                        Theo SGGPO

Các bài mới
Các bài đã đăng