NGUYỄN KHẮC PHÊ
Lần thứ hai, tôi lại đưa các em thiếu nhi - những mầm non văn học nghệ thuật - về thăm cửa Tư Hiền và chùa Tuý Vân.
Du khách đến Huế và cả số đông người dân Huế thường chỉ "nghe nói" đến thắng cảnh này, chứ khó có dịp đi tận nơi vì đường sá cách trở. Dọc theo quốc lộ 1, cách Huế 30 ki-lô-mét về phía nam, đứng bên này hồ đầm Cầu Hai mênh mông sóng nước, bạn sẽ nghe nói: "Bên kia có chùa Tuý Vân và cửa Tư Hiền". Gặp ngày mây mù thì tất cả chìm trong sương khói vô tận; ngày nắng đẹp có thể thấy tháp ngôi chùa cổ vượt cao lên trên rặng cây xanh thẫm tím chân trời.
Năm ngoái, từ nhà nghỉ Lăng Cô dưới chân đèo Hải Vân, tôi đã đưa các em vượt đầm Cầu Hai sang Tuý Vân. Năm nay, các bạn ở huyện đoàn Phú Lộc và bà con ngư dân vùng biển Cảnh Dương - nơi chúng tôi tổ chức Trại sáng tác, đã đề nghị một lộ trình mới, thích thú hơn và cũng phiêu lưu hơn: vượt biển, đi thẳng từ bãi Cảnh Dương ra cửa Tư Hiền. Gọi là "phiêu lưu" vì nếu không may, bất thần sóng gió nổi lên lật thuyền thì tính mạng gần ba chục em nhỏ sẽ vô phương cứu vớt! Nói vậy, nhưng tôi tin khi người ngư dân đã nhận chở các em nhỏ ra khơi thì nhất định trời yên biển lặng.
Chúng tôi rời bến vào lúc bãi biển đông vui nhất trong ngày. Ấy là khi những chiếc thuyền đánh cá sau một đêm chăng đèn ngoài khơi xa lần lượt về bến. Trên bờ, chen chúc rộn rịp như chợ. Đủ loại hàng ăn, quà vặt. Sôi nổi hơn cả vẫn là quanh những mớ mực tươi, những thúng cá cơm mà vợ con người đánh cá vừa đón từ tay chồng, tay anh bên mạn thuyền. Còn suốt ngày, bãi biển hầu như vắng ngắt - một bãi biển đẹp, bằng phẳng hơn cả Lăng Cô, nhưng vì cách quốc lộ 5 ki-lô-mét mà đường sá chưa kịp sửa sang, các cơ sở phục vụ du lịch tắm biển chưa ai xây dựng. Nghĩ mà tiếc!... Nhưng thôi, các em nhỏ đang tíu tít lên thuyền. Em lớn tự lội ra, em nhỏ được bồng lên. Rồi đàn ghi-ta, organ và lỉnh kỉnh hai két nước khoáng "Thiên Bình" nữa...
Các em thường chỉ quen với những giới hạn nhỏ hẹp - một căn nhà, mấy đường phố, lớp học và ngôi trường... - nay trước khung cảnh trời biển bao la gần như là vô cùng vô tận, nỗi xúc động, thích thú và cả sự e sợ nữa đã khiến tất cả chỉ muốn lặng im. Vả chăng, tiếng máy nổ phình phịch ầm ĩ cũng khó nói chuyện với nhau. Còn tôi, tôi nhìn hướng mũi thuyền lao tới, tưởng thấy cửa Tư Hiền và Tuý Vân không phải là những thắng cảnh mà là những số phận từng trải thăng trầm dâu bể bấy lâu đã khiến không ít người quan tâm.
Một năm đã qua, liệu cảnh Tuý Vân đổ nát có gì thay đổi? Ngôi chùa được dựng từ thời Nguyễn Phúc Chu (1691) với toà Phạm Vũ nguy nga. Thời Minh Mạng đã hai lần cho trùng tu và nâng cấp chùa ngang tầm Quốc tự (1825 - 1836). Ngày ấy, dưới chân núi có Hành cung, lầu Huân Phong, cổng Tam Quan hai tầng; lưng chừng núi sau chùa chính dựng Đại tự; trên cao xây tháp 3 tầng... Còn vua Thiệu Trị đã xếp Tuý Vân đứng hàng thứ 9 trong số 20 thắng cảnh ở Thừa Thiên... Vậy mà, hầu như tất cả đã trở nên hoang phế! Tôi nhớ mãi, năm ngoái, thăm Tuý Vân về, em Tô Diệu Lan đã viết:... "Tuý Vân ơi! Cỏ mọc rêu mờ - Gốc thông già ngả nghiêng thầm thỉ - Chân bia đá nức nở tâm hồn - Đường kia dẫn ta men lên tháp - Từng bậc xanh rêu, bấm chân buồn..." Nghe đọc bài thơ, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã đề nghị tờ báo địa phương đăng ngay. Bài thơ đã được đăng. Lời nhắc nhở, tiếng kêu cứu cho một di tích văn hoá sắp sụp đổ đã cất lên. Liệu đã có lời đáp lại chưa?
Doi cát quanh chân Tuý Vân, qua bao thế hệ vun đắp xây dựng, đã thành xóm làng sầm uất, rợp bóng dừa xanh với tên gọi đầy ý nghĩa: Xã Vinh Hiền. Vậy nhưng có thời không ít dân làng đã rời bỏ quê hương, vượt biển tìm đến một "thế giới mới". Từ năm ngoái, tình thế đã khác, không còn ai vượt biên, ngược lại, 30 người đã hồi hương. Nhưng sức hút cuộc sống đô thị đã kéo cả ngàn thanh niên trong xã vào Thành phố Hồ Chí Minh hành nghề may "áo gió" xuất khẩu. Trên đường làng, vắng hẳn lớp trẻ, hầu như chỉ còn người đứng tuổi và trẻ con... Một năm qua, bao nhiêu bạn trẻ đã đứng chân lập nghiệp được ở thành phố phía Nam? và bao nhiêu người phải cam chịu thất bại, cay đắng trở về?...
Tận cùng doi cát này là cửa Tư Hiền. Trấn giữ nơi đầu sóng ngọn gió là những chiến sĩ biên phòng ở Trạm kiểm soát đồn 228. Cửa biển mang tên "Tư Hiền", nhưng ở đây đã trải qua sự biến dữ dội. Sau một trận lũ, dòng chảy đổi dời. Nơi hôm nay là dòng nước chảy xiết cuộn sóng bạc đầu thì hôm qua còn là bãi cát trắng phau. Thật là "một cuộc bể dâu". Năm ngoái, chúng tôi đã dừng lại khá lâu ở đó bên những nắm chân hương của bà con ngư dân để lại trước lúc ra khơi. Bà con như vẫn chưa hết kinh sợ cơn cuồng nộ của thiên nhiên đến mức đổi dời cả cửa biển. Một năm qua, liệu còn sự biến nào xẩy ra ở đây? Và những chiến sĩ biên phòng, liệu còn ở nguyên chỗ cũ? Cửa biển đổi dời, khiến Trạm kiểm soát phải dời vào bãi cát đầy bọ chét. Căn nhà dựng tạm, những chiếc giường xộc xệch phải cột treo lên cao vẫn bị bọ chét tấn công. Nguyễn Hoàng Cao, người trưởng trạm đẹp trai, da sạm nắng gió, quê Nam Hà niềm nở mà lúng túng đón các em nhỏ. Ghế không đủ mà giường treo cao thế, làm sao các em trèo lên ngồi được?...
Tất cả hiện ra trước mắt tôi rõ mồn một, dù một năm đã qua. Cửa Tư Hiền đang dần gần lại. Không biết Nguyễn Hoàng Cao đã được chuyển ra gần quê chưa? Hay đã thành một chú rể của Vinh Hiền?....
Nỗi băn khoăn ấy chưa được giải đáp thì phía trước, một chiếc thuyền chạy ngược chiều với tốc độ rất nhanh xáp lại gần thuyền chúng tôi. Đã thấy rõ hình người, rồi một chiếc mũ trắng huơ lên vẫy gọi chúng tôi. Thì ra anh Thanh, cán bộ huyện đoàn Phú Lộc và các đồng chí ở đồn biên phòng 228 thấy chúng tôi đến muộn, sợ có gì bất trắc, liền cho thuyền máy ra đón. Vùng biển đang vắng lặng, bỗng sôi động hẳn lên. Chỉ thêm một chiếc thuyền thôi, nhưng thuyền chúng tôi không còn cảm thấy đơn độc giữa biển cả bao la nữa. Và lòng mến khách, sự quý trọng những tài năng trẻ của những người lính biên phòng đã làm cho chúng tôi xúc động. Hai chiếc thuyền, khi cặp đôi bên nhau, khi một chiếc thuyền dấn ga vượt lên như muốn thách thức bạn đồng hành...
Đường dài có bạn như đã được rút ngắn lại. Con thuyền dần xoay hướng về phía Tây, chuẩn bị vào cửa Tư Hiền. Tôi nâng chiếc loa pin, cố nói to để át tiếng máy. Cần phải nhắc các em bình tĩnh, phải biết thuyền đi giữa biển khơi nhiều khi không nguy hiểm bằng lúc vào ra cửa lạch, nơi mặt nước bị thu hẹp nên chảy xiết.
Vậy là tôi đã gặp lại cửa Tư Hiền. Dòng chảy vẫn y nguyên như năm ngoái, nghĩa là nó không chịu trở về lối men theo chân núi đi về hướng nam một quãng rồi mới đổ ra biển - một lối đi ngoằn ngoèo thoạt nhìn tưởng như là vô lý, nhưng đây là kết quả một quá trình dài điều chỉnh, cân bằng các yếu tố tự nhiên, môi trường, sinh thái của cả một vùng lãnh thổ rộng lớn. Chính dòng chảy ngoằn ngoèo với một doi cát dài che chắn phía biển được kiến tạo nên tự ngàn xưa ấy đã hạn chế sự xâm nhập độ mặn nước biển vào đầm Cầu Hai. Nhờ thế, đầm Cầu Hai trở nên vùng "nước lợ" lý tưởng cho nhiều loại thuỷ sản sinh sôi phát triển. Bây giờ, tất cả đã đổi thay vì cửa Tư Hiền đổi dòng. Lần này, tiếp cận cửa biển này từ hướng đông, trước mặt là đồi núi trập trùng của huyện Phú Lộc, rồi dãy Bạch Mã cao ngất, nhiều chỗ những đám khói đốt rừng đêm qua còn toả rộng, tôi chợt hiểu ra không phải tự nhiên doi cát dài chắn nước mặn bị xé tung khiến cửa Tư Hiền đổi dòng. Chính con người với những kế hoạch khai thác gỗ ồ ạt, những đốm lửa đốt rừng man rợ, những "chiến dịch” cạo trọc đồi núi trồng khoai sắn và cả sự sinh nở nhanh chóng khiến phải lấn lên đồi núi kiếm chỗ ở đã cướp mất chỗ "trú chân" của nguồn nước, bẻ gãy triệu triệu cái "phanh hãm" mà tự nhiên đã tạo ra để hạn chế cường độ hung hãn của dòng chảy mùa lũ. Từ đó, doi cát dài bị xé tung, cửa Tư Hiền đổi dòng là sự tất nhiên. Và có lẽ, hậu quả tất nhiên là nước lợ đầm Cầu Hai biến chất, tôm cá, rong, tảo... sẽ kém ngon, chậm phát triển. Trong khi đó thì con người ngày một đông, cách khai thác, đánh bắt thuỷ sản ngày càng khôn ngoan, hiện đại. Liệu có phải đây là một nguyên cớ khiến người dân Vinh Hiền phải "sơ tán", phải rời bỏ quê hương vốn giàu đẹp của mình ra đi? Sự liên tưởng có thể là quá xa nhưng chưa hẳn đã hoàn toàn vô lý...
Những điều này tôi đã thoáng nghĩ đến từ năm ngoái, khi dừng bước bên những nắm chân hương xiêu đổ trên doi cát cạnh cửa Tư Hiền, nay hình thành rõ nét, cuộn trào lên như sóng trước mui thuyền. Tôi muốn nói to lên để các em cùng biết, nhưng thuyền đang rẽ sóng vào cửa. Đúng lúc triều xuống, nước càng chảy xiết. Dù vậy, người cầm lái khôn khéo đã đưa thuyền vượt lên một cách bình yên.
Thế là cửa Tư Hiền đã ở phía sau. Đáng lẽ thuyền lạ, khách lạ từ biển "đột nhập" theo kiểu chúng tôi phải ghé vào Trạm kiểm soát trình báo, nhưng hai chiến sĩ trên chiếc thuyền biên phòng đi trước đã huơ tay báo hiệu và từ trạm gác dựng dưới lùm dương vừa lên xanh trên bờ, người chiến sĩ trực ban nở rộng nụ cười, vẫy tay chào chúng tôi. Tôi căng mắt nhìn. Liệu có phải Nguyễn Hoàng Cao đó không?... Ồ, mà cùng với sự đổi dời của biển, Trạm kiểm soát đã phải dời vị trí và nhiệm vụ của các anh hẳn cũng khác trước. Có thể người lính quê Nam Hà ấy đã được chuyển về gần gia đình. Ở đây chẳng còn ai muốn vượt biên nữa mà phải ngăn chặn, phải kiểm tra kỹ số người, số lượng dầu mang theo trên mỗi chiếc thuyền ra khơi như trước. Ngược lại, phải đề phòng những kẻ "đột nhập" với ý đồ xấu xa. Còn như chúng tôi thì... Một ý nghĩ có thể là ngớ ngẩn, viễn vông chợt đến. Người lính biên phòng trên trạm gác vẫn đang tươi cười vẫy tay đáp lại mấy chục cánh tay non trẻ vươn cao chào anh. Không, không hẳn là ngớ ngẩn viễn vông, mà là một mong ước tốt lành. Đến bao giờ thì những "khách lạ", những kẻ "đột nhập" vào đất nước ta chỉ có lòng tốt, với lời thơ tiếng hát như chúng tôi, để những trạm gác biên cương có thể thay khẩu A.K bằng bó hoa tươi như ở phòng giao dịch bưu điện thành phố?
Cùng với các em nhỏ, tôi vẫy tay chào người lính trẻ, thầm hẹn: "Đến chiều, chúng ta sẽ gặp gỡ cùng nhau vui hát như hôm nào...” Tôi thoáng nhớ lại lần gặp năm ngoái dưới những tán lá bàng xanh non trên sân đồn biên phòng 228, bài ca "Vì nhân dân quên mình" đã cất lên rộn ràng theo sự điều khiển của đồn trưởng Nguyễn Minh Phiếm - một chàng trai quê Quảng Bình vì nhiệm vụ phải đứng chân mãi trên dãi biên cương này và thành "chú rể" của Thừa Thiên...
Con thuyền dần đi sâu vào đầm Cầu Hai rồi ghé lại dưới chân núi Tuý Vân. Những tảng đá nâu xù xì đủ hình dáng, kích cỡ nằm rải rác từ mép nước tới mấy gốc cây cổ thụ may mắn chưa bị triệt hạ tỏa bóng râm cả một vùng rộng đã tạo ra một bầu không khí trầm lắng, hoang sơ gợi nhiều suy tưởng. Một vài em nhỏ hiếu kỳ, năng động vùn vụt leo lên những tầng cấp rồi mất hút sau những lùm cây hoang dại. Còn nữa, lặng lẽ bước theo tôi, những "bấm chân buồn" và ngơ ngác. Tuý Vân thắng cảnh bao người mong ước chiêm ngưỡng là thế này ư? Một năm qua, Tuý Vân chỉ càng thêm đổ nát, mặc dù tiếng kêu cứu đã cất lên, Tỉnh và huyện, Bộ và Sở văn hóa đều đã biết. Có lẽ vấn đề nan giải cũng chỉ vì khoản "đầu tiên": Tiền đâu? Tôi lại nhớ, năm ngoái, sau khi nghe anh Thọ, bí thư xã đoàn Vinh Hiền báo cáo lịch sử và tình trạng chùa hiện tại, chủ trương của huyện "Trong khi chờ bộ xếp hạng, giao cho xã quản lý"; rồi anh tự hỏi: "Nhưng xã lấy tiền đâu?..." Thì em Hiền Lê gầy gò, nhút nhát đứng cạnh tôi - một cây bút được giải cuộc thi vẽ của Nhà Thiếu nhi Huế, khẽ nói: "Thì lấy tiền một tên tham ô hàng trăm triệu là đủ". Kiểu lý giải quá giản đơn, nhưng không khỏi làm chúng ta suy nghĩ...
Thôi chuyện "Quốc nạn" và "quốc sự" này hẳn đã được đặt lên bàn nhiều cấp, nhiều hội nghị quan trọng. Trong khi chờ kết quả và vào lúc tháp Tuý Vân chưa sụp đổ, hãy gắng đưa các em lên, để ít ra một lần trong đời, các em được hưởng kỳ thú đứng trên đỉnh cao độc đáo mà tiền nhân đã tốn biết bao công sức mới dựng nên nhìn ngắm giang sơn gấm vóc của mình. Bất kể đói, mệt và nắng hè đang đổ lửa, các em đã hăm hở vượt qua mấy trăm bậc đá hoang phế, tụ tập quanh chân cầu thang gỗ bắc lên tháp. Tôi lắc thử chiếc thang xộc xệch, sứt mẻ. Được! May là người xưa làm bằng gỗ lim nên chưa tới độ nguy hiểm. Nào! Lần lượt từng em một và mỗi nhóm chỉ 5 người thôi. Thận trọng và can đảm trèo lên đi! Hãy hướng lên cao chứ đừng nhìn xuống.
Thế là bỗng chốc hầu như tất cả đã ở dưới chân mình. "Đẹp quá", "Tuyệt quá". Không nén được, nhiều em khẽ thốt lên. Vì diện tích hẹp, thời gian được đứng trên tháp như vật quý có hạn phải lần lượt phân phối. Cũng có em "ăn gian" hoặc cố nán lại. Khung cảnh hoành tráng, tuyệt mỹ đầy sức hấp dẫn thế kia! Này núi Linh Thái như con rùa nghển cổ ra biển đông; xa tít phía tây là đỉnh Bạch Mã mây vờn; Bên này trên mặt nước đầm Cầu Hai mênh mông, từng hàng sáo giăng lưới đón tôm cá tạo thành hình những mũi tên như sơ đồ cuộc tiến quân lớn; bên kia, những hồ nuôi tôm mới đắp và đồng ruộng chi chít như bàn cờ bao quanh con đường đất đỏ uốn lượn hướng về phía cửa Thuận An... Lại có cả một nghĩa trang lớn nữa, hàng ngày đang được tô đắp, sơn sửa, màu sắc mới nổi bật dưới nắng hè. Phải! Sao lại bỏ qua nơi hội tụ bao thế hệ tiền nhân đã biến doi cát ven biển Đông này thành xóm làng trù phú, đã xây đắp nên thắng cảnh Tuý Vân này. Liệu có anh linh nào của người xưa đang hướng lên đỉnh tháp này với "ánh mắt" bất bình, trách móc lớp người hậu sinh đã bỏ mặc Tuý Vân hoang phế?...
Tương phản với quang cảnh Tuý Vân, nhiều ngôi nhà dọc con đường ven đầm được nâng cấp hoặc làm mới nhờ vào nhiều nguồn thu khác nhau. Có gia đình nhờ kết quả việc đầu tư tăng thêm phương tiện đánh bắt thuỷ sản. Mấy năm qua, nhân dân Vinh Hiền được khuyến khích làm giàu, đã bỏ ra hơn 70 cây vàng mua sắm ngư cụ. Trong số thanh niên vào thành phố Hồ Chí Minh may "áo gió", có người phải bán cả máy thất thểu quay về khi việc xuất khẩu không thuận, nhưng cũng không ít chàng trai cô gái biết xoay chuyển thích ứng với thị trường, ăn nên làm ra, gửi được tiền về cho bố mẹ. Cũng có gia đình nhờ nguồn đô-la của con em gửi về từ ngoại quốc. Và không chỉ có đô-la về. Trên con đường giăng đầy lưới, sáo, dưới hàng dù lúc lỉu quả xanh biếc trong nắng, chúng tôi đã gặp một thiếu nữ mặc "gíp”, đi giày trắng, rõ là người từ một "thế giới" khác mới về thăm quê. Và "kẻ vượt biên" năm nào chẳng hề bị ghẻ lạnh. Quanh cô, tíu tít bạn bè cùng lứa; trưa đó, tại gia đình cô đã có một cuộc gặp gỡ, chúc tụng rất vui vẻ!...
Thế đó, diện mạo cuộc sống, nhân tình thế thái cũng đổi thay như cửa Tư Hiền đã đổi dòng, khi mối quan hệ "cân bằng" xưa bị phá vỡ. Duy chỉ lòng mến khách và sự ưu ái của các đồng chí lãnh đạo địa phương đối với những mầm non văn nghệ, những người đem lời thơ tiếng hát về với nhân dân là nguyên vẹn. Cũng như nước dừa tươi ngọt mát lần nào chúng tôi cũng được Vinh Hiền khoản đãi thỏa thuê đã không hề biến chất. Ở Đồn biên phòng 228 cũng vậy. Trong gió nồm từ cửa biển thổi vào mát rượi, các chú bộ đội và các cháu lại cùng nhau ca hát, trò chuyện tâm tình. Tôi lại gặp Nguyễn Hoàng Cao với nụ cười nở rộng. Chưa tới lúc anh được trở về gần gia đình. Chỉ khác là Trạm kiểm soát bên cửa biển đã được xây mới, có nền cao chống được nạn bọ chét. Dù vậy, nơi đó vẫn không thể ấm cúng bằng một mái nhà riêng. Hầu như tất cả những người lính biên phòng đều chịu sự hy sinh như Cao. Anh Thắng - đồn phó - quê Thanh Hoá, anh Thu - chính trị viên - quê Quảng Trị vẫn đang bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió này...
Một lần nữa, tôi lại tạm biệt Tuý Vân và cửa Tư Hiền. Trời đã về chiều, gió nồm càng thổi mạnh. Biển dâng sóng bạc đầu, thuyền chồm lên như ngựa. Tôi ngoái lại lần chót, khi phía trong cửa Tư Hiền, một chiếc thuyền của ngư dân nghi ngút khói hương với tràng pháo nổ ran mặt nước. Bà con cầu bình yên, hay cầu xin phép lạ để cửa Tư Hiền trở lại như xưa?...
Trong tiếng sóng vỗ ào ạt quanh thuyền, tôi tưởng như ai đó đang cất tiếng gọi - tiếng gọi tha thiết, day dứt như với người thân, với bạn tình có số phận thăng trầm dâu bể: "Tư Hiền, Tuý Vân ơi! Bao giờ lại như xưa?...”
Biển Cảnh Dương - Cuối tháng 7 - Huế 8/1993
N.K.P
(TCSH58/11&12-1993)