Tạp chí Sông Hương -
Chuyện "mặt tiền", nhìn từ khía cạnh văn hóa
15:41 | 16/06/2022

NGUYỄN KHẮC PHÊ

Trong thời buổi thiên hạ đổ xô ra mặt tiền làm ăn, chuyện "nhà mặt tiền" đã xảy ra bao vụ xung đột và là đề tài của nhiều "tác phẩm" dân gian. Để chiếm được mặt tiền, ngoài thế lực đồng tiền, cũng đã ngầm nảy sinh "chế độ", "tiêu chuẩn" này nọ mới được cấp đất mặt tiền.

Chuyện "mặt tiền", nhìn từ khía cạnh văn hóa
Ảnh: tư liệu

Tôi bàn chuyện "mặt tiền" ở một khía cạnh khác và xin kiến nghị một loại "tiêu chuẩn” khác đối với nhà mặt tiền.

So với các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì "trận chiến" xông ra mặt tiền ở Huế không quyết liệt bằng. Đó là một điều may mắn, nếu chúng ta kịp nhận ra hết những tác hại và có biện pháp hữu hiệu đối với chúng. Tôi vừa có dịp đi Hà Nội và đã nhận thấy, do chen chúc ra mặt tiền, nên nhiều nhà rất hẹp bề ngang, trông lép kẹp như bao diêm dựng nghiêng. Nhà càng cao, trông càng lép và càng chướng mắt khi đường phố mở rộng thênh thang. Những nhà mặt tiền như thế đã phá vỡ cảnh quan chung. Mặt khác, các nhà kiến trúc rất coi trọng khoảng trống trong mỗi công trình. Nhà lép thế thì lấy đâu ra khoảng trống và con người chen chúc trong đó liệu có thể nở nang và phát triển thuận lợi? Sách tâm lý học chỉ ra rằng, con người cũng như mọi giống vật đều có ý thức về một khoảng không gian của riêng mình, nếu bị xâm phạm là xảy ra xung đột. Con người có thể biết nín nhịn, không xung đột với người bên cạnh, nhưng lòng bất an, ấm ức dồn vào trong, nhiều khi thay đổi cả tính nết hoặc thành bệnh.

Tôi nói nhận xét trên với một nhà khoa học vừa từ Pa-ri sang thăm Huế; ông cho biết, ở Pháp có luật lệ quy định muốn xây nhà mặt tiền ở đô thị thì phải bảo đảm có bề rộng tối thiểu xứng hợp với cảnh quan xung quanh. Vậy mà một bạn kiến trúc sư ở Huế đã cho tôi biết, trong dự án phân chia các lô đất mặt tiền trên một số đường phố ở Huế, có người đã kiến nghị thu hẹp bề ngang hơn nữa để thêm nhiều người được hưởng nguồn lợi mặt tiền: Ý kiến này có thể xuất phát từ một lòng tốt và có thể đem lợi ích trước mắt cho một số ít người, nhưng đối với cảnh quan thành phố sẽ gây tác hại không nhỏ. Vì vậy, tôi xin được "báo động" với các cơ quan hữu quan, các cấp có thẩm quyền hãy ngăn chặn mọi mưu toan băm nhỏ mặt tiền đường phố và khẩn cấp ban hành quy chế, tiêu chuẩn bắt buộc đối với các nhà xây ở mặt tiền.

Những năm qua, không ít khu vườn ở Huế đã bị cắt chia, khiến "thành phố vườn" ít nhiều đã bị biến dạng - một sự mất mát không có cách gì bù đắp được. Nay đến cuộc chiến "mặt tiền"! Ai cũng biết những giá trị văn hóa của Huế không chỉ có ở các cung điện và lăng tẩm. Sự hài hòa và đường nét các công trình kiến trúc mới xây dựng có ảnh hưởng rất lớn đến vẻ đẹp của toàn thành phố. Do đó, việc đặt ra những tiêu chuẩn nhằm gìn giữ mặt tiền các đường phố Huế cho xứng hợp với cảnh quan xung quanh phải được quyết định bởi một hội đồng am hiểu kiến trúc và truyền thống văn hóa Huế, chứ không thể tùy tiện và đơn giản như là việc phân chia xôi thịt cho đồng đều.

Việc định ra những tiêu chuẩn, luật lệ cho nhà mặt tiền là cần thiết đối với mọi đô thị. Riêng với Huế, vấn đề trở nên cấp thiết vì Huế vừa lãnh sứ mạng gìn giữ di săn văn hóa của nhân loại. Và mùa khô - mùa xây dựng ở Huế đã bắt đầu.

N.K.P.
(TCSH62/04-1994)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng