Tạp chí Sông Hương -
Bên bờ Biển-lớn-phía-Tây
10:06 | 17/06/2022

TÔ NHUẬN VỸ

          Ghi chép

Bên bờ Biển-lớn-phía-Tây
Tại Phòng thơ (Poetry room) Thư viện ĐH Harvard. Hàng trước: Fred Marchant - Trần Đăng Khoa - Tô Nhuận Vỹ - Phạm Tiến Duật. Hàng sau: Kevin Bowen - 2 nhân viên phòng thơ, Nguyễn Quang Thiều - Martha Colline

I

Buổi sáng Boston đầu tiên tôi thức dậy lúc bốn rưỡi, đầu óc thân mình thanh thản như chẳng còn chút dấu vết nào của cuộc hành trình ê ẩm dằng dặc hơn ba mươi tiếng đồng hồ Hà Nội - Bangkok - Seoul - Newyork - Boston. Chẳng phải “lạ nhà", lạ cái thời giờ "tréo ngoảy” ngược nhau đến 12 tiếng ở đây với bên nhà mà không ngủ được. Cũng chẳng phải nhớ Huế, nhớ cái giọng thảng thốt của các cháu qua điện thoại hồi đêm. "Ba đang ở mô đó? Ba đang ở mô?!" - "Ba đang ở Boston, trong căn nhà số 59 đường Pearson, khu Sumerville mà các chú Mỹ thuê cho bọn ba ở." - "Thế nào ba? Tình hình ở đó?" - "Bình yên - Bình yên con ạ" - Tôi nghe cả tiếng thở hắt ra của những trái tim thân thiết bên kia chân trời. Những thông tin đủ kiểu và thực tế của những chuyến đi Mỹ trước đây của các nhà văn, tôi biết thế, khiến những người thân của tôi lo lắng nhiều lắm.

Tôi vốn có thói quen thích "coi ngó" những vùng đất lạ mà mỗi lần mới đặt chân đến trong những phút "tinh khôi", nên sáng nay tôi lại dậy sớm. Anh em đang ngủ say cả: Trần Đăng Khoa li bì ở phòng bên. Phạm Tiến Duật quấn tròn cái chăn trắng lăn trên tấm thảm phòng ăn trong lúc Nguyễn Quang Thiều ở trần quần cụt "thẳng cẳng" trên cái salon lớn phòng khách mà vẫn vặn quạt máy vù vù. Ngụm trà Thái Bình bất giác khiến người tôi như "đằm” lại trong ngọn gió mai vờn qua cửa sổ. Cái đất Thái Bình toàn đất ruộng, ông Việt ông Đức Hậu đào đâu ra thứ trà lạ thế. "Ông mang sang bên ấy mà uống mỗi sáng, để đỡ nhớ cái hơi hướng sông Hồng sông Hương". Một chú sóc... rồi hai chú sóc, nhẹ như hai giải bông xám trên cây sồi ngoài cửa sổ bất ngờ chuyền xuống bệ cửa. Một chú đã chuyền xuống phòng khách, lót tót trên tấm thảm. Còn một chú ngửi chén trà, coi chừng "không hợp khẩu vị", giương 2 con mắt như hai hạt mồng tơi chín nhìn tôi. Tôi vào bếp lục tìm một nạm sunkist, tách vỏ, để trong lòng bàn tay, đem ra cho chú. Con sóc bình thản nhón lấy một hạt rồi bằng cả "2 tay" đưa lên miệng láy máy nhâm nhi. Thôi, chúng mày ở đấy xay cho hết đống hạt sunkist này đợi tao về chơi với chúng mày, hấp dẫn đấy, còn bây giờ phải ra ngoài cái đã, không thì mặt trời lên mất, hiểu chưa hai chú sóc tí hon.

Khu vực chúng tôi ở mà bạn chọn thuê là có dụng ý: khá xa khu da màu. Ở đây phần lớn là các gia đình "thường thường bậc trung" của thành phố, nhiều giáo sư và viên chức. Những ngôi nhà hai ba tầng riêng biệt nối nhau, có một khoảng sân nhỏ trồng hoa phía trước, phần lớn không có gara nên ô tô để ngoài đường trước nhà. Con đường Pearson này tôi quan sát hàng tháng trời, trừ ngày nghỉ, chỉ thấy "cựa mình” vào khoảng từ 6 đến 7 giờ sáng khi các gia đình thức dậy chuẩn bị đi làm, chuẩn bị cho con đến trường, nếu nhà có người chơi thể thao, chạy đường trường hoặc xén mảnh cỏ, tưới vồng hoa... thì dậy sớm hơn chút đỉnh, rồi phần lớn các ngôi nhà ấy "cửa đóng then cài" cho đến tận 6, 7 giờ chiều khi trời sắp tắt nắng, họ từ sở trở về, thì mới lại thấy có con người lăng xăng trước cửa, nơi vạt cây - Đến khi trời tối, chừng hơn 8 giờ, cuộc sống mỗi gia đình lại thu vào sau các cánh cửa kín.

Buổi sáng dạo chơi đầu tiên ấy, tôi "phát hiện" ra một chuyện lạ. Nói "phát hiện" vì ít ra so với Duật và Thiều ở đây cả tháng rồi mà chưa biết. Ấy là cận chỗ chúng tôi, nơi ngã tư Pearson - College quẹo trái, chỉ đi khoảng trăm bước chân, có một nhà thờ. Bên nhà, cỡ bốn giờ, bốn rưỡi sáng chuông nhà thờ gióng lên xa ba bốn cây số còn nghe rõ. Một dạo nhà tôi ở ngay Chợ-Xép-Xóm-Đạo nghe chuông như gọi bên tai, tôi phải thức đều đều cùng bà con xứ đạo ấy suốt mấy năm trời. Hóa ra nhà thờ này không được đánh chuông buổi sáng sớm khi mọi người đang ngủ say, trong đó có những người không theo đạo hoặc theo đạo khác. Nên Duật, Thiều cận kề hàng tháng mà không biết là do vậy. Chỉ được đánh vào những giờ người ta chưa ngủ. Đó là quyết định của chính quyền khu vực. Khu vực nào mà thông qua được quyết định ấy, theo quy định quyền hạn ghi trong luật pháp, thì mọi người dân phải thi hành, kể cả nhà thờ. Ra vậy.

* * *

Tôi đã nhiều lần lui tới và lang thang ở quảng trường Harvard, cận kề trường Đại học Harvard nổi tiếng. Đêm thì đi cả 4 anh em hoặc đi với anh Bá. Nhưng phần lớn tôi đi một mình, lại có mấy lần với các cháu sinh viên người Việt đã sống nhiều năm ở thành phố này. Tôi thích đến đó vào cuối những buổi chiều cho đến khi phố xá lên đèn. Bởi thời điểm ấy, gần như các loại nghệ sĩ lang thang đều có mặt trên vỉa hè Harvard để kiếm sống. Trong chương trình của bạn không có buổi xem nghệ thuật nào, vì thời gian công việc quá ngặt mà cũng có thể W. Joiner còn nghèo. Thế mà ở Harvard Square, xem thoải mái hàng chục loại hình nghệ thuật "miễn phí", có bỏ tiền thì cũng từ hảo tâm và khả năng "rủng rẻng" trong túi của mình mà thôi. Vả lại, tôi đã gặp không phải một lần, không phải chỉ dăm bảy lần, ở những tụ-điểm- nghệ-thuật-lang-thang ấy, trong đám nghệ-sĩ- chân-đất ấy, ở Maxcơva hay Mondavi, ở miệt Bạc Liêu hay ở ngay thành phố Huế quê tôi... những phút giây, những ánh sao lóe rực lên khiến tôi sững sờ. Và giữa các thánh-đường-nghệ-thuật dân giã ấy, tôi thật sự thoải mái với những bộ quần áo bình dân của mình, với cái túi tàng tàng tôi đã khoác trên vai những lần đi công tác đã chục năm trời nay. Cái thời điểm cuối chiều đầu tối ấy là lúc còn "dư dật" ánh sáng cho người họa sĩ, với các loại bình xịt màu và tấm crôky trải trên nền gạch, giữa một vòng tròn người bao quanh còn có thể nhận ra sự đậm nhạt cần thêm bớt trên bức tranh để mà... xịt màu. Mỗi bức 10, 20 đô mà sao tôi chưa một lần nào thấy người xem móc túi ra. Loại nghệ sĩ hay được "lì xì" nhất là rối, một người với mấy con rối trong túi, là đã có thể hành nghề và xiếc. Các gánh xiếc da đen hoặc miệt Trung Mỹ lên thường thấy những pha nhào lộn dữ tợn, rợn gáy. Có "gánh" chỉ độc một chú thanh niên còn rất trẻ, chỉ chừng 17, 18 tuổi với mấy tiết mục tung vòng, trồng cây chuối trên ghế, thăng bằng trên ống lăn,.. Cái tiết mục thăng bằng này, chú cứ trượt lên trượt xuống mấy lần, miệng mồm há hốc la hét, nhưng khán giả ở đây phần lớn là các cháu nhỏ lại không một đứa nào bỏ đi, tất cả cũng như há hốc mồm hồi hộp theo, đến khi chú ta "chung chiêng" được trên ống thì một tiếng hoan hô bùng ra như bom nổ và dĩ nhiên, các chú nhóc cô nhóc và cả người lớn đi theo chúng nhào nhào tới bỏ tiền thưởng vô cái mũ phớt đặt nơi góc bàn mà hồi nãy chú diễn viên vừa trật chân thảy một cú như trời giáng. Mấy chú cháu chúng tôi tới bỏ tiền, bắt tay chú diễn viên may mắn. Cháu Xuân, cho biết cậu diễn viên này chắc là học sinh hay sinh viên gì đó, biết chút nghề, tranh thủ hè đi kiếm tiền cho năm học tới. Có lẽ vì thế, số người xem học trò có vẻ thông cảm tợn. Nhưng đặc biệt nhất là các băng ca nhạc. Trong số họ, nhiều người đi lẻ là sinh viên các trường âm nhạc. Trong mấy chục tấm ảnh tôi chụp những người bạn nghệ sĩ lang thang ấy, có một tấm mà mỗi lần xem tôi lại bần thần. Người con gái ấy mảnh mai trong bộ váy áo trắng tinh khôi, tóc xỏa ngang vai, đang ôm cây đàn ghi ta, giọng yếu và nhỏ cho dù đã khuyếch âm, như thì thầm với người yêu về một khúc tình ca da diết một thời, Cánh đồng mùa xuân đâu rồi, cánh đồng mùa xuân... Where’s spring field? Spring field?...

"Sân khấu" mà cô đứng đơn độc một mình, mờ mờ ảo ảo, và ngay phía trên đầu cô là ánh sáng đỏ của dòng chữ Ga David và cô phải ngừng giọng, dù đoạn ca tha thiết nhất, mỗi khi đoàn tàu điện ngầm ào ạt tới và ào ạt đi. Bài ca ấy, đã mấy lần tôi nghe cô hát ở ga này, là bài ca mà mỗi lần nghe tôi lại rưng rưng. Tôi không dám lại gần cô, càng không dám bỏ vào cái hộp giấy dưới chân cô mấy đồng đô la.

Khác với nhóm nghệ sỹ người gốc Tây Ban Nha, với cây ghi ta chủ lực và cây mandolin, accordéon phụ họa, thì chiếm vỉa hè khi mặt trời đã tắt hẳn, nhóm nhạc gốc Péru với một cái trống, một cái đàn nhỏ xíu hình dáng mandolin và một ống sáo, không biết thứ nào là chủ lực, thì chiếm khoảng thời gian cuối chiều, lúc ánh mặt trời đang còn gắt nóng. Bởi những bài dân ca của dân tộc họ, một trong những vùng đất căn cốt của nền văn minh da đỏ lâu đời, cho dù là một bản tình ca tha thiết cũng dồn dập, bốc lửa. Giọng ca chủ lực của nhóm là một người thấp, lực lưỡng, tóc đen nhánh, phủ tràn hai vai, mắt sâu, mặt phẳng, vừa vỗ trống vừa ngửa khuôn mặt đầm đìa mồ hôi như nhìn vào từng chùm sáng mặt trời chiếu xuống, hát và vỗ không ngừng không nghỉ. Tất cả đám đông như bị nung nóng bởi mặt trời trên cao, bởi mặt trời từ người nghệ sĩ da đỏ truyền sang: Đến bài ca thứ ba, anh gào lên, cái giọng khỏe và cao vót ấy, tạm biệt các bạn, tạm biệt bạn thân yêu,... goodbye friend, bye bye very good friend, thì tiếng ca của anh, cả con người anh tưởng như phút chốc sẽ biến thành ngọn lửa và cả ngọn lửa ấy vẫn bừng bừng vang lên lời ca đến khắp vùng Harvard đang vàng rực ánh chiều. Nhiều người bỏ 1, 2 đôla vào mũ. Tôi tới lấy một băng nhạc Inca son, băng nhạc của chính họ, của chính chương trình vỉa hè này, trao 10 đôla cho người thủ quỹ của nhóm mà tim tôi đập dồn dập. Hai cháu Văn và Xuân chạy tới can tôi, "để tụi con mua tặng chú, chú tiền đâu". "Đây không phải là tiền cháu ạ".

Các cháu yên lặng nhìn tôi, mắt long lanh như có lửa.

* * *

Thực ra việc hay lang thang của tôi tới các ngõ ngách trong thời gian ở Mỹ, ngoại trừ chuyện đó vốn "hạp" với tính tôi mỗi lần "đi thực tế", còn có một nguyên do khác.

Kevin Bowen, giám đốc Trung tâm William Joiner, có một người bạn thân là Newell Flather dù N. Flather không phải là người của Trung tâm. Flather là 1 trí thức, không tham gia đi lính, không tham gia chiến tranh Việt Nam. Cuộc đời ông thường gắn với các công việc trợ cấp, cứu tế, gắn với nhiều nước nghèo ở châu Phi, châu Á. Cả nhà ông, 2 vợ chồng và 2 đứa con, từ xưa đến nay vốn phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ chống Việt Nam. Năm kia, con trai ông tham gia đoàn mô tô đi từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Giữa chừng, anh điện bố qua "để biết VN". Flather qua 1 tuần, đến Tây Ninh, đi địa đạo Củ Chi... Về nước, thấy chưa đủ, ông quyết định bỏ tiền túi đi tiếp ngay qua Việt Nam lần thứ 2. Lần này ông mới đến Huế, có gặp gỡ 1 số anh chị em nghệ sĩ của Hội Văn Nghệ và 1 số cháu sinh viên. Sau hai chuyến đi ấy về nước, cộng với những gì ông hiểu ông biết về Việt Nam trước đây, ông nói với cả gia đình và bạn bè: " Việt Nam là 1 nước đầy tư cách, rất đáng được bảo vệ. Ông nói lại điều tâm niệm ấy với tôi trong buổi chiều vợ chồng ông đưa tôi đi xem những nơi chốn "có ý nghĩa nhất của Boston” với những lời giới thiệu ngắn gọn và đầy trí tuệ của mình. Cuối buổi đi chơi, vợ chồng ông mời tôi tới một cửa hàng ăn cổ, đầy phong vị phương Đông. Ông đề nghị tôi giải thích vì sao người Việt Nam "cho qua" tội ác của lính Mỹ gây ra ở Việt Nam nhanh thế, thậm chí ông cho là "cho qua" nhanh hơn cả những kẻ thù trước đây của dân tộc Việt Nam. Mà theo ông, trong chiến tranh, có tội ác lính Mỹ gây ra tệ hại không kém gì lũ phát xít Hitler. Tôi giải thích cho ông, chủ yếu từ phân tích truyền thng hiếu hòa của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay và tôi cũng yêu cầu ông giúp tôi hiểu thêm điều mà tôi rất muốn tìm hiểu ngoài nội dung cuộc hội thảo, là vì sao ông Bill Clinton ưu tiên chiến lược của ông ta là giải quyết vấn đề đối nội, vì sao nhiều người cho rằng không ít vấn đề nội bộ của nước Mỹ nếu không giải quyết trong một vài thập niên thì nước Mỹ sẽ bị bùng nổ, và vì sao, ngày hôm qua bà Tổng biên tập báo Boston Review nói rằng, nước Mỹ bây giờ không còn là một hình ảnh thống nhất mà người ta nói nhiều đến sự chia rẽ. Newell Flather có vẻ đắn đo trước những câu hỏi rất khó nói cạn ý trong một bữa ăn. Nhưng ông vẫn từ tốn, ít lời nhưng chắc nịch. Ông nói, những thách thức trong mối quan hệ giữa các chủng tộc, da đen và da trắng, da màu và da trắng, giữa giàu và nghèo, yêu cầu trợ cấp xã hội khổng lồ với khả năng tài chính bất cập hiện nay, như anh thấy đấy, người ăn xin, vô gia cư có mặt khắp nơi..., những điều mà 30 năm trước đây, nhất là trước chiến tranh Việt Nam, là những ưu việt của xã hội Mỹ, nay lại là những thách thức, thậm chí lại là những thùng thuốc nổ đã lắp ngòi, cần những bàn tay tài nghệ để tháo gỡ. Tiếc rằng với mấy thế hệ lãnh đạo nước Mỹ vừa qua, yêu cầu đó đều ngoài tầm tay với của trí tuệ họ. Cả tội lỗi mà Mỹ gây ra ở Việt Nam tất cả không phải lỗi của người dân Mỹ - Ở Gana có câu "Người cưỡi ngựa tồi không phải li tại con ngựa!" Nhiều người Mỹ, vì vậy, đang đặt hy vọng nơi ông Bill Clinton, một người trẻ trung nên minh mẫn hơn chăng...

Ở Trung tâm William Joiner có một chuyên gia người gốc Puecto Rico nghiên cứu về tâm lý những người lính Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam trở về, những tâm bệnh phát khởi sau khi trở về, sự vất vả hội nhập trở lại với xã hội, với gia đình và trong chính mình "sau khi từ địa ngục trở về" của một bộ phận không nhỏ cựu chiến binh, tâm trạng của những người mà hình ảnh kẻ thù không còn như trước khi họ chạm mặt, hình ảnh nước Mỹ không còn như ngày họ ra đi và chính gia đình họ, bản thân cơ thể và cảnh trạng họ cũng khác xa những ngày sắp ra đi. Chuyên gia ấy là anh Jeame Rodriguet. Chúng tôi thường nói chuyện với anh, anh và thằng con trai mập ú 10 tuổi Pédro hay tới chỗ chúng tôi chơi và chúng tôi cũng đã đến nhà anh, ngồi dưới cái tầng hầm, nơi có xưởng đồ gốm mỹ nghệ của vợ anh. Ngồi nói chuyện đời và ăn bánh tráng khô "kiểu Puecto Rico", béo và hơi mằn mặn. Tôi để ý đến một lá cờ rất lạ treo trên vách, một lá cờ Mỹ cỡ 1m x 1m4 nhưng ở giữa lại in hình một tù trưởng da đỏ đội mũ tua tủa lông chim. Giống như nhiều trí thức ở đây thường không giấu giếm chính kiến của mình, Rodriguet chỉ vào lá cờ, giải thích:

- Đây là lá cờ của những người Puecto Rico ở Mỹ, của người da đỏ, của những người Mỹ thuộc các cộng đồng thiểu số, muốn có một cuộc sống bình đẳng.

Lá cờ Mỹ có in hình tù trưởng da đỏ


Đưa chúng tôi lên phòng khách ở tầng trên, nơi sang trọng nhất của nhà anh, chúng tôi hiểu anh muốn nói điều gì. Ở nơi trang trọng nhất ấy là ảnh Bác Hồ, "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân" tạc trên đá, bức sơn mài nhà Bác ở Kim Liên và đĩa tranh chùa Một Cột. Và trong một khung kính đen là chân dung một người đàn ông mảnh mai, trán cao.

- Đây là Pedro Albizu Campos, là Hồ Chí Minh của dân tộc Puecto Rico - Rodriguet nói - ông lãnh đạo phong trào đấu tranh đòi độc lập cho Puecto Rico, để Puecto Rico không trở thành bang thứ 51 của Hoa Kỳ. Ông ta bị ám sát năm 1973.

Trưa đó Jeame Rodriguet mời chúng tôi tới một quán ăn nhỏ nhưng lịch sự. Vừa bước qua cửa, anh xởi lởi bắt tay nhiều thực khách, người trong y phục nhân viên bưu diện, người là cảnh binh, người quét vôi mà bộ áo quần xanh còn lấm tấm những vệt trắng... Họ đều nói tiếng Tây Ban Nha, theo Nguyễn Quang Thiều thì phần lớn giọng vùng Trung Mỹ và Caribe. Đôi mắt vốn tinh nghịch của Rodriguet nhướn lên nhìn tôi với vẻ rất mãn nguyện về sự chọn lựa này. Vì đây là một quán ăn Cuba, và trưa nay anh gọi món cơm Cuba khiến Nguyễn Quang Thiều, con người đầy ứ những kỷ niệm thân yêu những tháng năm học ở Cuba hết sức khoái. Chỗ tiếp tân treo một lá cờ Cuba, nhỏ thôi nhưng rực rỡ và trên tường là một bản đồ nước Cuba hiên ngang. Tôi hiểu, với những người dân bình thường châu Mỹ - Latin, dù là ở ngay nước Mỹ, Cuba vẫn là một phẩm cách hiên ngang, vẫn trong trái tim họ. Từ quán ăn Cuba, Rodriguet lái xe đưa chúng tôi đến vùng mà anh nói là nghèo khổ nhất của Boston, nơi mà bạn Mỹ nào cũng dặn chúng tôi đừng có đến đó khi trời tối. Người da đen, người nổi tiếng Tây Ban Nha, người Việt Nam... ở nhiều nơi đây. Các đường phố Huck, Dail, Blue Hill... Sự khác biệt với các đường phố khác, các khu vực khác ở Boston hiện ra quá rõ, không cần che giấu: trẻ con lang thang ngoài đường, trên tường nhiều hình vẽ bậy nhăng nhít, nhà thấp, đường chật và gập ghềnh, rác bẩn và nước đọng khắp nơi... Rodriguet nói thẳng, ông Bill Clinton có chú ý đến người nghèo khổ hơn, ông ta thấy phải chú ý gỡ kíp các "quả bom nổ chậm" của xã hội Mỹ là thông minh đấy nhưng không biết đến bao giờ mới xóa nổi sự ngăn cách giàu nghèo, đen trắng đã quá rộng quá sâu.

Chúng tôi sực nhớ lại hôm lên Newyork lần đầu, mấy anh em đã bị một vố hoảng hồn. Lúc đó quãng 8 giờ 30 tối, trên đường về nhà quen để nghỉ, không biết để đổi gió hay vì đi đường xa mệt, anh Bá lại lái xe đưa chúng tôi chạy dọc bờ sông Haclem. Bất giác thấy ngọn đèn trên tháp cao của Tòa nhà Trung tâm thương mại quốc tế đã từng bị đánh bom, tôi bảo anh Bá dừng lại chụp cho tôi một tấm ảnh kỷ niệm. Duật và Khoa có lẽ mệt quá nên vẫn ngồi trong xe, chẳng thiết ảnh iếc gì nữa. Đèn vừa chớp sáng thì anh Bá thét vô xe ngay. Tôi không biết gì nhưng cũng dọt lẹ vào ghế bên cạnh tay lái. Chưa kịp đóng cửa thì một thằng thanh niên da trắng từ phía bờ sông đã kịp phóng tới chụp nắm cửa và cả hắn cả anh Bá la hét loạn xạ, không kịp nghe không kịp biết cái gì cả, nhưng hiểu ngay là tụi cướp, tụi "xin đểu" của Newyork mà chúng tôi đã được không biết bao bạn Mỹ, bạn Việt "giáo huấn” cho trước lúc đến đây. Không hiểu sức lực đâu, có lẽ do vì hoảng quá, sau mấy giây giằng co tôi thắng được thằng "Tây trắng”, đóng chốt cửa lại trong lúc anh Bá đã nổ máy. Thằng cướp vọt lên đầu xe, chúng tôi tưởng nó dộng chân vào cửa kính hóa ra nó chộp lấy cái gạt nước, lôi thắng ra tính bẻ gãy. Nhưng hắn vặn, hắn giật mà cái gạt nước vẫn "kiên cường”, vừa lúc anh Bá rú ga lùi mạnh, hắn chới với rơi nhào xuống đường. Chớp thời cơ, anh Bá vù xe dong thẳng, vừa phóng vừa hét chúng tôi coi phía sau thế nào. Thằng cướp đuổi theo một đoạn rồi bỏ cuộc. Chạy một thôi một hồi, tới ngã tư "sáng choang" anh Bá cho dừng xe, thở cho "lai tỉnh" rồi cả bốn anh em bỗng cười xòa ra. Đêm đó tới nhà chị Mơ - anh Nhàn, kể lại, hai người chỉ cười mỉm, coi như chuyện vặt ở Newyork. Về Boston kể cho Kevin Bowen và Bruce Weigl nghe, hai "lão" cười ngất, nói thế là may đó, đã dặn rồi, buổi tối đừng tới gần những khu nhập nhoạng ấy, may không gặp cả băng thì 4 anh em - không còn... mảnh vải trên người!

II

Nữ thi sĩ Martha Colline, chủ nhiệm khoa ngữ văn Trường Đại học Massachusetts, người có đôi mắt sáng rực và nụ cười vang dội, nói với giọng bốc lửa cũng không kém tiếng cười của chị: "Tôi đọc thơ Việt Nam, nghiên cứu văn hóa VN, dần thy được nền văn hóa VN, tôi càng xu h về cuộc chiến tranh mà người Mỹ tiến hành ở VN. Có lẽ đó là cơ sở văn hóa cho sự thức tỉnh, sự ân hận của tất cả các thành viên trong tổ chức W.Joiner, mà nay rất đông đảo là giáo sư giảng dạy và nghiên cứu ở các trường Đại học khắp nước Mỹ. Từ sự thức tỉnh và ân hận rất cơ bản đó, họ kiên trì, phải nói là cần mẫn làm tất cả những việc gì có ích cho VN, cho dù việc rất nhỏ nhặt. Trước tôi và Trần Đăng Khoa, đã có các anh chị Nguyễn Quang Sáng, Lê Lựu, Nguyễn Khải, Ngụy Ngữ, Lê Minh Khuê, Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Phạm Tiến Duật tới Mỹ theo lời mời của W.Joiner nên đã có rất nhiều bài báo, thậm chí một mình Lê Lựu đã có đến 2 cuốn sách và Phạm Tiến Duật sắp xong một cuốn, viết về những phẩm chất tốt đẹp đến lạ kỳ đối với VN của "những người Mỹ bình thường" này. Tôi cũng không biết nói gì hơn người đi trước. Nhưng cùng làm việc với nhau, gặp nhau hàng ngày, nhiều lúc cùng ăn cùng ngủ, nằm lăn giữa sàn mà ngủ với nhau, hàng tháng trời thế, chuyện tiếu lâm thôi cũng đã lắm, huống hồ...

Giám đốc trung tâm, Kevin Bowen, người kềnh càng với mái tóc bồng trắng, rất ít nói. Hình như nụ cười "thường trực" trên môi thay lời nói của anh. Chỗ nào cũng thấy anh, việc nào cũng có mặt anh. Kevin lặng lẽ làm mọi việc: ra sân bay đón bạn, trực tiếp thảo các công văn quan trọng, đọc diễn văn khai mạc và đọc thơ, thiết kế các chương trình và chủ tọa nhiều chương trình hội thảo, các cuộc Cook - out ngoài trời, bố trí các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các đại học, với thượng nghị sĩ, đưa từng người ra ngân hàng lãnh tiền, đến việc đi mua caphê, coca cho từng anh em VN và lần Duật bị cấp cứu thì tự anh lái xe đưa đi viện, tự đi mua thuốc... Tôi cảm giác có bao nhiêu việc Kevin cũng "nhồi" vào được trong 24 giờ/ngày của anh. Như anh và vợ anh là chị Liênxli, khi cần thì bao nhiêu bạn bè cũng nhận hết về nhà mình ở. Mấy lần trước, trung tâm chưa có tiền thuê nhà, như cả đoàn Thỉnh-Thiều-Khuê kéo hết về nhà anh chị. Khi đó thằng cháu Mai còn lẫm chẫm, con bé LiLi thì còn chưa biết đi. Cái sân thì rộng, tuyệt vời, nhưng "cái nhà vừa phải" ấy là của hai hộ. Con bé LiLi không hiểu sao rất khoái mỗi lần tôi bồng, nậng một lúc là nó ngủ trong tay tôi rồi. Có bữa nó ngủ say quá, Liênxli không thấy đâu, tôi bồng cháu lên lầu, lò mò tìm vô phòng riêng của hai vợ chồng, nơi có cái nôi của bé, lui cui mãi giữa mấy cái phòng "tổ ong", đồ đạc thì nhiều nhưng phòng chật nên cứ thấy rối tinh rối mù lên. Tôi không hiểu mấy vị Thỉnh-Thiều-Khuê được "nhét'' vào chỗ nào trong suốt cả tháng trời. Mà còn cả mấy bạn Mỹ nữa, cũng "tấp" hết vô nhà Kevin, vợ chồng anh "ô kê" hết. Với chị Liênxli thì còn với 1 nụ cười tươi rói. Ở đây, câu "rộng bụng còn hơn rộng nhà" của ta phải tặng cho gia đình Kêvin là phải nhất.

Trong các cuộc đọc tác phẩm của chúng tôi trước công chúng Mỹ, cùng với Kevin Bowen luôn luôn có mặt David Hunt, nguyên đồng giám đốc với Kevin Bowen trước đây, Bruce Weigl, Lary Heineman... Mấy nhà văn - giáo sư này vừa là chủ chương trình vừa là... vệ sĩ của chúng tôi. Chỗ của họ luôn luôn là ở cửa ra vào. Không thể chỉ là phó thác cho cảnh sát. Mấy hôm trước khẩu hiệu dọa giết chúng tôi đã xuất hiện ở Trung tâm cũng như toàn bộ khu nhà và xe ô tô của chúng tôi đã từng bị ghi âm. Nguyễn Khải, Lê Lựu đã từng bị vẹo sườn ở thư viện công cộng Boston, Tôi "lên đoạn đầu đài" chính ở thư viện này. L. Heineman, người đọc chính trích tiểu thuyết "Phía y là chân trời'' sau khi tôi nói chuyện và Bruce Weigl đều nói để tôi yên tâm: "Chúng tôi có chết, chúng nó mới chạm được tới Vỹ". Tôi đùa: "Các anh có bị bọn cực đoan đó thịt thì tôi vẫn muốn sống kia!". Mấy anh em khoác vai nhau cùng cười xòa. Riêng tôi, không thể nào quên David và Bruce được còn vì một lẽ giản dị hơn. Đêm ấy, đã quá 12 giờ, hai anh khệ nệ bưng vào nhà chúng tôi ở một cái tivi mới, to đến 27 inch và một cái đầu máy cùng mấy cuốn băng ghi hình các trận World - Cup mà chúng tôi chưa được xem. Hai người trán đẫm mồ hôi, lò mò nối cắm điện ngay rồi "nạp" băng, bật volume. Tôi không kịp nói lời nào, tót vào ghế ngồi xem cái đã. Trong lúc đó hai người vào phòng tắm ào ạt xả nước rồi xuống bếp lục soát. Lát sau bưng lên mỗi người một tô cơm nguội tổ bố với thức ăn "tà lục tà lạo" ngồi tả hữu cạnh tôi, lắc lẻm ăn, cũng không nói không rằng, nhưng thỉnh thoảng liếc xéo qua tôi có vẻ "khoái tỉ" lắm. Thực lòng lúc đó tôi muốn ôm lấy hai bạn mà hôn quá nhưng không hiểu sao hôm ấy tôi lười nói thế. Tôi biết hai bạn mệt nhọc đến nửa đêm là vì tôi, nhưng không biết "triệu tập" ở đâu về được những thứ quý hóa thế này!

Và lẽ nào tôi không nhắc đến Mơ, người con gái Mỹ có cái tên Việt Nam ngọt ngào ấy, cho dù nhiều người đã viết về Mơ. Tôi gặp Mơ lần đầu trong một bữa ăn thân mặt ở nhà giáo sư Ngô Vĩnh Long hôm Mơ cùng chồng là anh Nhàn và cô Hà sinh viên từ Hà Nội qua học ở trường ngoại giao Newyork về Boston chơi. Cứ tưởng Mơ gầy gò, đi lại nói năng ào ạt, với toàn lời lẽ bốc lửa. Hóa ra Mơ hiền và lành, ít nói, hơi mập một chút và đôi mắt sau kính cận sao chân thành... "Chào đồng chí”, Mơ lí nhí bằng tiếng Việt. Đã mấy chục năm nay Mơ sống chỉ vì Việt Nam, làm chỉ cần đủ ăn để thời giờ cho Việt Nam, quen và lấy anh Nhàn cũng từ hoạt động vì Việt Nam, xin về tận Hà Nội, ngay khu Ba Đình nơi Bác Hồ ở và mất, để đăng ký kết hôn. Bao nhiêu người đã nói, đã viết về Mơ như thế. Và với tôi, "chào đồng chí". Chỉ chừng đó thôi. Hôm lên Newyork, đêm "bị nạn" ấy chúng tôi ngủ lại nhà Mơ. Nhàn và Hà chuyện gẫu với chúng tôi, còn Mơ xin lỗi đang kẹt việc rồi chúi đầu vào bộ máy tính ở trong góc cho đến đêm khuya. Anh Nhàn hất đầu về phía Mơ “cũng là công chuyện Việt Nam đấy". Và anh cho biết chính Mơ góp phần quan trọng trong quá trình cùng lực lượng tiến bộ trong Hội đồng thành phố New Haven "bày mưu tính kế" sau 3 lần bỏ phiếu trong mấy năm trời để cuối cùng thông qua quyết định đặt quan hệ với thành phố Huế. Việc một thành phố văn hóa như New Haven, thành phố duy nhất ở nước Mỹ lúc đó quyết định lập lại quan hệ bình thường với Việt Nam thông qua việc kết nghĩa với Huế giữa lúc lệnh cấm vận chưa được bãi bỏ là một việc làm hết sức có ý nghĩa mà ở bên nhà chưa hề được thông tin. Tôi đưa mắt quan sát phòng khách nhà Mơ: ảnh Bác Hồ, ảnh chị Ba Định, ảnh Nguyễn Thái Bình, ảnh giáo sư Chủ tịch Ủy ban Việt Mỹ ủng hộ y tế cho Việt Nam đã bị bọn phản động ám sát. Và cờ. Cờ Việt Nam, cờ Mặt trận dân tộc giải phóng và cờ phướn, cờ Hội làng Việt Nam. Và giữa những lá cờ ấy là 6 người Việt Nam đang nói về Mơ, "người Việt Nam gốc Mỹ".

III

Những vết hằn sâu đậm của chuyến đi dài đầu tiên trong đời tôi ở vùng phía Tây Đại Tây dương này, dọc vùng New England bên bờ Biển-Iớn-phía-Tây xa vời này, là từ những con người da vàng máu đỏ đầu đen nói tiếng Việt Nam ruột thịt của tôi. Những vết hằn sâu, thân thương lẫn chua chát, vì sự bình yên của chính họ, tôi đành phải đổi tên họ, thậm chí có lúc phải nói bớt đi sự nồng nàn của họ với nơi chôn nhau cắt rốn. Và vì giữ lời hứa với không ít người, tôi đành "không động chạm" chi tới nhiều cuộc chuyện trò rất có ý nghĩa. Trong một cuộc "đã hứa" như thế, tôi hỏi ông - một người có vị trí xã hội khá lớn trong cộng đồng người Việt tại Mỹ chứ không phải "bé nhỏ" gì - tại sao các anh lại không đấu tranh nổi cho một sinh hoạt dân chủ tối thiểu, ở ngay đất Mỹ này, là cái quyền ngồi nói chuyện công khai với một người khác chính kiến hoặc chính kiến có phần khác mình mà lại cứ sợ sệt, đề phòng, bí mật, lại là bí mật cuộc trao đổi về nền văn hóa dân tộc, mà yêu cầu bí mật này tôi gặp ở quá nhiều anh chị? Thế ở cái đất Mỹ rộng bao la này, có chỗ nào cho anh và tôi ngồi nói chuyện công khai mà anh không sợ hãi nơm nớp về nhà bị xán một trái lựu đạn không?

Vì sao nhiều anh nói và viết nhiều về nhân quyền, về dân chủ đây đó, cả với trong nước, có vẻ quyết liệt - thế mà một điều đơn giản như vậy, tôi cho là đơn giản thôi, là tôi nói về - nguyên tắc sng chứ không nói đến sự tuế toái của ứng xử, lại được luật pháp Mỹ cho phép; các anh lại không đấu tranh loại trừ nó đi? Dĩ nhiên, tôi cũng chỉ nhận được những nụ cười, những cái lắc đầu chua chát.

May thay, không phải ai cũng như thế.

- Con không chờ được như chị Xuân mô chú, con muốn về thăm ngay bây giờ, con nhớ Huế quá chú ơi! - Thu nói với giọng nghèn nghẹn và có cái gì như tuyệt vọng - Nhưng không có tiền, gần hai ngàn đô vé đi về...

- Con nói phải ra nghề đã, là vì rứa - Xuân giải thích vì sợ tôi hiểu lầm.

- Em sẽ năn nỉ ba dồn tiền cho em theo mạ sang năm về thăm ngoại! Còn chị khi mô về thì kệ chị!

- Chưa biết đứa mô về trước - Xuân hăm.

Còn Văn, chàng trai hiền lành, ít nói nhất trong nhóm sinh viên Boston gắn bó với tôi trong mấy tuần qua, thì sửa lại cặp kính cận, chậm rãi:

- Ba cháu không phản đối mà cũng không đồng tình, nhưng cháu sẽ tìm cách về, sau khi ổn định chỗ học mới.

Văn vừa tốt nghiệp xuất sắc ở một trường Đại học danh tiếng bậc nhất nước Mỹ tại Boston, sẽ lên Washington D.C nay mai để làm tiếp "cái Matxtơ" về Hàng không.

Chúng tôi đang ngồi trong một tiệm bún bò Huế nhưng chủ hiệu là người Sài Gòn, theo sáng kiến của Xuân. Xuân đẹp, linh hoạt và rất tự tin trong ứng xử. Người mảnh mai, nhẹ nhàng mà lúc nào ở giữa đám đông bạn bè lại là người có tiếng nói quyết định. Xuân khoe:

- Mỗi lần sinh hoạt Ban chấp hành Hội, con tuyên bố chỉ nói tiếng Việt Nam vì toàn là các bạn Việt cả, ai nói tiếng Tây tôi bịt tai. Tụi nó nghe con hết đó chú!

- Có lẽ vì Xuân đẹp, nên nhiều người ưa nịnh chứ gì?

- Dạ, cũng có thể... Nhưng cái chính là vì nhiều bạn cũng nghĩ như con: mình người Việt ngồi với nhau mà nói tiếng Tây nghe chướng lắm.

Nhóm sinh viên trẻ này đã theo cha mẹ qua đây, thường ở diện H.O hay vượt biên, đã từ 6, 7 năm đến 12 năm rồi. Không ít bố mẹ biết các cháu liên hệ với tôi. Họ không cấm, không cản nhưng lờ đi coi như không biết. Cũng có gia đình "dám" hơn, dĩ nhiên không dám mời về nhà, vì sợ bọn "kháng chiến", lại kín đáo thâu những bài hát da diết nhất về Huế gởi để tôi nghe "cho đỡ nhớ nhà" hoặc làm bánh bột lọc sai con đem tới vào các buổi ăn của tôi ở Trung tâm.... Tôi cũng vừa nhận được "thư của cả nhóm" từ Boston gửi về Huế, kèm một Post Card cảnh quảng trường Harvard đêm... Chắc chú còn nhớ những phút giây âm nhạc lạ lùng nơi đây? Mỗi ngày qua đi chúng con như càng thêm yêu nhng con đường này, thành ph này. Nhưng làm sao bằng được Huế của mình chú ơi!...

Tôi sực nhớ một ngày trước lúc về nước, như đã hứa "chú giành trọn ngày đó cho bọn con", tôi theo Văn, Xuân, Thu, Quỳnh, Thư, Tuấn... đi khắp thành phố, đến những nơi tôi chưa có dịp biết, "đói đâu ăn đó, khát đâu uống đó, mệt đâu nghỉ đó", lại vẫn theo "lệnh" của Xuân. Nhưng đến chừng 1 giờ rưỡi chiều, "tư lệnh trưởng" quyết định đi chơi đảo! Tôi hơi băn khoăn vì đi hơi muộn, có kịp về trước tối không. Nhưng lần này không chỉ có Xuân mà tất cả đều đồng tình và cho rằng ở ngoài đó nói chuyện với chú là đúng nhất.

- Vậy lâu nay các cháu chưa nói chuyện với chú à?

- Nhưng đây là chuyện cần... nói nhỏ! - cả đám rúc rích với vẻ bí mật.

Con tàu du lịch đưa chúng tôi ra đảo Georges như hòa vào một vũ trụ bao la chỉ có hai màu trắng xanh. Giữa bầu trời xanh vời vợi và sóng nước trùng trùng của vịnh Boston là màu trắng của con tàu và những lá buồm dập dềnh xa gần, là những chiếc máy bay trắng khổng lồ nối đuôi nhau mỗi phút hai lần đáp xuống sân bay Logan bên bờ vịnh, là màu trắng lóa của nắng và có lúc đại dương như rùng mình và lập tức sương mù trắng toát trùm lên con tàu, trùm lên tất cả chúng tôi. Trời đột nhiên se lạnh, mấy chú cháu khoác chặt lấy vai nhau cười vang như hớp cả sương mù và cùng hòa theo một khúc hát đang phát ra từ hệ thống phóng thanh. Đoàn người Nga du lịch ngồi chật tầng thượng quay cả lại nhìn chúng tôi. Ai đó trong các cháu nói to: Nước họ siêu cường thế, bây giờ chia rẽ tùm lum coi chng thành nhược tiểu, còn nước mình cứ cụm nhau lại rồi có ngày thành siêu cường, chú hí! - Tất cả lại cười vang, lại hát. Buổi chiều đó, các cháu đã "nói nhỏ” với tôi một ước mong "bí mật" của mình: - Nhờ chú tìm giúp tụi con my em nhỏ nghèo mà ham học, tụi con bớt tiền học bổng hàng tháng, gởi về giúp mấy em ăn học. Chú phải "nghéo tay" giữ kín chuyện ni và đừng cười mấy đồng ít ỏi nghe chú. Tôi lần lượt "nghéo tay" từng cháu và... cười ra nước mắt, những giọt nước mắt chú chẳng cần giấu giếm các con!

Hôm ấy, mãi tận khuya chúng tôi mới chia tay. Các cháu lần lượt ôm hôn tôi, chú ơi, về tới bên nhà, chú hôn cả thành ph Huế giùm chúng con nghe chú!

Còn chị. Cả gánh nặng một "đại gia đình" đổ lên vai, công việc ở sở làm đổ lên vai, nên chị chẳng có thì giờ mà dẫn chúng tôi đi đây đi đó, chẳng có thì giờ để nói chuyện nhiều. Mà có nói chị cũng nói ít, giọng nhỏ như thì thầm. Nhưng lúc nào chúng tôi cũng thấy chị "có mặt” trong căn nhà, giữa chúng tôi. Bó rau dền và chục bắp tươi chị Ngọc gởi đấy. Két bia chị Ngọc mới mua. Cái ấm nước với chồng đĩa mới chị Ngọc vừa tiếp viện. Có lúc chị tạt vào vài phút ném một bao gạo, chai dầu mà chị vừa "thám thính" đâu từ hôm qua là anh em chưa kịp mua. Thứ bảy chủ nhật nghỉ, thôi thì, chị tấp đủ thứ vô tủ lạnh chúng tôi. "Để ăn hết tuần!" Tích tiểu thành đại, chị đi xin, đi mua xeo (hạ giá) đủ thứ, từ đồ chơi con nít, giày dép, áo quần, mũ mão, valy túi xách... cứ chất đống vào nhà kho, “anh em cố mà mang về cho mọi người, bên nhà còn cực, tôi biết". Chị lấy của chính mình từ cái túi xách, hộp trang điểm, nhẫn, chuỗi hạt... để "phân phát”, kín đáo nhét vào túi người này dăm chục, người kia trăm đô lúc đi chợ "để mà tiêu vặt”. Chị vác cả cái máy tính của mình đem cho. Chị "lăng xăng" đủ chiều như thế không phải chỉ riêng với chúng tôi, mà với tất cả những ai là người Việt Nam qua. Qua ít ngày hay lâu ngày, đi công tác hay đi học, học ở U mass, Harvard hay MIT, nếu chị gặp, chị biết thì chị đều quan tâm, giúp đỡ và mời về nhà. Nhà chị cũng kỳ lạ như một trạm khách. Không khi nào tôi tới mà không có khách từ Việt Nam qua, ít nhất cũng vài ba người, có khi hàng chục, cả mấy em lớn vẫn còn ở với chị, với ông bà. Chị "bao" nuôi hết cả nhà. Chị kéo Huấn, đứa em trai út, cũng vào "phe" hết mình giúp đỡ anh em từ Việt qua. Nhưng chị "kéo" được ông bà mới là đáng nể. Vốn là người Bắc di cư vào Nam, đạo ròng, rồi qua Mỹ đã mấy chục năm. Chị "vận" cách sao mà từ một gia đình "khắc" với cách mạng, bây giờ tất cả đều nghĩ, đều thở, đều một lòng như chị, "đã là người Việt Nam phải biết thương yêu, đùm bọc nhau, nht là người bên nhà qua còn lạ nước lạ cái”. Khách tới nhà là bày ăn bày uống. Bà già mấy chục năm xa quê vẫn một dáng răng đen, tóc vấn, vẫn những món ăn nấu kiểu Việt Nam, cả ông bà vẫn một giọng đồng quê xứ Thanh, luôn tươi cười hối hả giữa đám anh em người Việt kéo tới chật nhà, nhất là mấy hôm xem World Cup. Ông già là người mê bóng đá, có hỏi tôi sân Long Biên bây giờ ra sao rồi. Ông bà chỉ chưa yên tâm một điều là bốn mươi mấy tuổi rồi mà Ngọc vẫn chưa lấy chồng. Tôi mới sực nghĩ: ôi chao, cung cách "làm ăn” vì cha, vì mẹ, vì các em, vì cháu, vì vô vàn bạn bè như vậy, người mảnh khảnh vậy, công việc ở sở để kiếm ra đồng lương cỡ như của chị vậy, lấy đâu ra thời gian cho cái mục nầy, hè? Mà Huấn nói, xưa nay chị ấy vẫn như con vụ vậy thôi. Thế mà "tuổi già sầm sập thì nó đến ngay", làm sao đây? Chúng tôi bàn với nhau, chậc lưỡi, tôi ba lần nói chuyện, "gạ" chuyện này với chị. Chỉ thấy chị cười buồn.

Nể quá nên tôi kêu Ngọc bằng chị, vậy thôi, chứ thực ra Ngọc kém tôi nhiều tuổi. Trước hôm về, lúc cùng nhóm sinh viên đang quần tụ ở quảng trường ga Central, chợt thấy Ngọc xăng xải tiến về một cửa hiệu, đầu đội mũ mềm, trông Ngọc giống phong thái của một cô giao liên đường rừng thời kháng chiến. Tôi hỏi, Ngọc nói mai mấy anh về rồi mà ai đó nhờ em mua một loại kem bôi da, tên quen mà tìm mãi không ra, em thử đi tới mấy tiệm này nữa coi sao. Nhìn Ngọc, tôi nhớ lại mấy câu trong bài "Em gái Việt Nam" của sư cô Quảng Nhơn vừa nhờ Ngọc chuyển cho tôi hôm qua. Sư cô từ Úc sang gặp Hội thảo, vì "tình tự dân tộc" tự tới Trung tâm giúp anh em trong việc dịch thuật thơ văn ít ngày. Cô tạm biệt chúng tôi cách đây mấy hôm. Tôi sẽ về thăm em - Cho dù là trời mưa hay trời nắng - Không màng gì trời ngày hay trời đêm - Trời vẫn là trời Việt Nam...Tâm sự này đồng cảm với Ngọc, là tâm sự, là nguồn sống của Ngọc, nên Ngọc nói rằng, anh nên đăng nó ở Việt Nam anh Vỹ ạ.

Còn người mà chúng tôi "cặp đôi" với Ngọc chính là anh Bá. Nhiều anh em nhà văn qua đây cũng vào "phe" này. Có bữa Trần Đăng Khoa còn "bịa" một giấc mơ đám cưới của hai người và tuyên bố "Nếu đám cưới anh chị, em sẽ bay sang dự và tặng một máy Xi-đi (CĐ) mới tinh!". Nhưng Bá cũng là một con người kỳ lạ. Bá nói với chúng tôi:

- Tôi không nỡ lấy vợ. Tôi không quên được những người con gái đã yêu tôi. Bây giờ, họ có chồng, có con cả rồi. Nhưng tôi đi lấy vợ, họ vẫn buồn. Tội!

Ôi chao là Bá! Nhưng thật ra chuyện đó còn có một nguyên do sâu xa hơn nhiều. Chuyện về Bá, kỷ niệm về Bá, của tôi, của 4 chúng tôi, tất cả các nhà văn Việt Nam đã từng qua đây, nhiều và lạ lùng tới mức... không viết được. Nhất là ở một bài báo. Chỉ biết rằng nhà văn nào cũng nói y chang câu này: Trong công việc với bạn, ở một nơi không có đại diện nào của Việt Nam, không một tổ chức của người Việt yêu nước nào, đầy cả sự lạ lẫm cạm bẫy, nếu không có Bá, không biết xoay sở làm sao nh? Ngọc âm thầm làm mọi chuyện thượng vàng hạ cám giúp anh em về đời sống. Bá âm thầm lại mọi chuyện giúp anh em trong công việc chuyên môn và đối ngoại. Mấy tháng này, đang là đoạn giao thời để chuyển công tác, Bá gần như giành toàn bộ công sức và thời gian cho đoàn. Bá như là một thành viên của Đoàn, làm việc suốt đêm ngày, lái xe giúp anh em cũng suốt ngày đêm, khi cần lái cả đi Newyork, Washington D.C, rong ruổi như ngày nào lái xe đi suốt hai tuần từ miền Đông sang miền Tây nước Mỹ để hoạt động cho phong trào yêu nước trong chiến tranh. Tôi nhớ cái ngày tất cả chúng tôi ăn bánh cuốn Thanh Trì ở nhà Giang. Hôm đó có cả Bá và mấy người bạn khác. Trừ chúng tôi, tất cả số còn lại là dân Hà Nội gốc, đã sống và làm ăn ở Boston hơn 20 năm trời. Nhóm Giang - Mạnh biết trung tâm William Joiner không hề có kế hoạch nào về World Cup cho anh em, đã quyết định bỏ tiền ra mua vé chợ đen từ 65 USD/vé phải mua 120 USD/vé, cho 4 chúng tôi và Đặng Xuân Hòa, hoạ sĩ Việt Nam đầu tiên qua mở triển lãm ở Mỹ. Sau khi coi trận Arhentina - Nigéria, trận banh cuối cùng ở World Cup 94 của Maradona, cả 7 anh em kéo về đây, lòng hả hê sung sướng nhưng cổ họng khô rát và thân thể thì rã rời. Nhưng được tiếp sức ngay bằng một bữa bánh cuốn Thanh Trì, Hà Nội 100%, do chỉ một người duy nhất ở bang Massachusetts này làm được. Như Giang và Mạnh, những người làmăn cũng đều khét tiếng ở đất Boston cho biết. Chính Mạnh và Giang, cùng cả băng hảo hớn của họ đã kéo đến chặn ngay bọn "kháng chiến" khi chúng tính hành hung đoàn múa rối Việt Nam đến Boston năm ngoái.

- Chúng mày tính chống ai? Chống cộng sản thì về Hà Nội mà chống. Còn rối nước 4000 năm cha ông, chúng mày chống văn hóa Việt Nam phải không?

Bọn "kháng chiến" như mèo bị cắt tai, lẳng lặng rút.

Cái hôm "bánh cuốn Thanh Trì" ấy, tôi ngồi cạnh Bá. Tôi thấy Bá ăn chậm, khác với mọi lần. Anh ăn như "ngậm mà nghe vậy". Đêm ấy về, vì để hoàn tất việc dịch tiểu thuyết "Phía ấy là chân trời" sắp đọc ở Thư viện công cộng Boston, tôi ngủ ở nhà Bá. Vẫn trầm ngâm như suốt buổi ở nhà Giang, như suốt trên đường về, và thật ra nhớ lại thì hình như Bá đã "trầm ngâm" như thế đã mấy ngày nay, cuối cùng Bá nói ra một điều mà tôi hiểu đó là nguyên nhân. Đó là điều quan trọng nhất đời Bá, như Bá nói:

- Tôi ao ước biết bao nhiêu năm trời rồi, nhưng sợ không làm nổi vì không có ai trợ giúp. Bây giờ thì có các anh, có bên nước nhà và ở đây thì tôi mừng quá khi phát hiện Fred Marchant, anh ta dịch thơ Khoa tài tình quá, nhạy cảm quá. Fred hỗ trợ tôi về chuyên môn, các anh hỗ trợ tôi về tinh thần. Tôi quyết định dành những tháng năm còn lại để dịch Truyện Kiều ra tiếng Anh anh Vỹ ạ.

Huế, ngày 16-8-1994
T.N.V
(TCSH67/09-1994)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng